Những năm gần đây, áo dài trở lại như một phong cách thời trang được người trẻ ưa chuộng, nhất là dịp lễ tết. Hình ảnh người trẻ diện áo dài xuống phố, đăng lên mạng xã hội với nét duyên dáng khó lẫn luôn thu hút ánh nhìn của bất kỳ ai.
3.000 người gồm lãnh đạo thành phố, văn nghệ sĩ và người dân TP.HCM tham gia chương trình diễu hành áo dài với chủ đề "Tôi yêu áo dài Việt Nam" tại TP.HCM lần 9 năm 2023 - Ảnh: T.T.D.
Những ngày đầu tháng 3 này, áo dài một lần nữa trở thành từ khóa phổ biến trong cộng đồng. Với 3.000 người diễu hành trong trang phục áo dài sáng 5-3 tại TP.HCM khiến tuần lễ tôn vinh trang phục truyền thống dân tộc Việt thêm sinh động, nhất là khi có chính khách, nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia.
Trong mỗi lần đăng cai tổ chức Hội nghị APEC tại Việt Nam, lãnh đạo các quốc gia tham dự cũng đã rất thích thú khi diện trang phục áo dài, chụp hình và lan tỏa trên truyền thông quốc tế, mạng xã hội.
Những người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam cũng chọn áo dài làm trang phục nhấn nhá, điểm tô và nhận diện thương hiệu đất nước mà họ gắn bó, yêu thương.
Không khó để thấy tình yêu ngập tràn trong các thế hệ người Việt khi mặc chiếc áo dài trong bất kỳ bối cảnh nào.
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng trong một chia sẻ về trang phục truyền thống này đã nhận định áo dài thể hiện rõ nét tính cách người phụ nữ Việt Nam, đẹp một cách tế nhị, dịu dàng, kín đáo.
Chính vì vậy chiếc áo dài là một trong những trang phục truyền thống còn đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới, lại vừa duy trì được bản sắc dân tộc.
Bốn năm trước, trong một cuộc "đối thoại cùng Tuổi Trẻ", chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, chủ nhiệm Hội quán Các Bà Mẹ, cũng chia sẻ những nhận định thú vị về áo dài từ những nhà nghiên cứu, trí thức mà chị từng tiếp xúc.
Chẳng hạn, bác sĩ Nguyễn Lan Hải cho rằng: "Áo dài có thể không làm bạn đẹp hơn, nhưng chắc chắn không làm bạn xấu hơn các trang phục khác"; nhà giáo Đoàn Thị Liệp, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cùng quan điểm:
"Áo dài - "vũ khí" chống béo phì"; GS.TS Thái Kim Lan khẳng định "Với áo dài, mọi phụ nữ đều bình đẳng trước sắc đẹp", hay chuyên gia ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh thì nói: "Chỗ nào có người phụ nữ Việt là có áo dài, chỗ nào có áo dài là có thi ca"...
Chính chị Thúy, người chọn mặc áo dài trong mọi hoạt động văn hóa - xã hội mình tham gia, cũng vì một lời khuyên "Ráng giữ áo dài, chớ không mình có tội với tiền nhân" từ GS.TS Trần Văn Khê.
Câu chuyện của chị Thúy có thể xem là điển hình của việc thế hệ tiếp nối quyết tâm gìn giữ di sản văn hóa của tiền nhân, trở thành đại sứ tự nguyện đối với trang phục truyền thống - áo dài.
Thực ra, di sản của cha ông, trong đó có áo dài, cần phải được mỗi người Việt gìn giữ vì đó là tài sản chung. Cách thức để giữ gìn chính là tìm hiểu rồi sử dụng một cách tự nhiên, tự hào; cùng lan tỏa đến bạn bè quốc tế thông qua các chương trình giao lưu, ngày hội văn hóa trong nước, ở nước ngoài...
Điều quan trọng cần có các thủ tục pháp lý để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể được công nhận, nói như TS tâm lý
Lý Thị Mai - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu trang phục Việt, đại sứ Lễ hội áo dài TP.HCM - trong một tọa đàm mới đây, cần "tiếp tục kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền công nhận áo dài là của Việt Nam, phản ánh tinh hoa, cốt cách của trang phục Việt Nam; bản quyền áo dài là Việt Nam...".
Từ đó, nâng áo dài lên tầm cao mới để thế giới biết đến áo dài ngoài trang phục mang nét đẹp thuần Việt còn là quốc phục, di sản thế giới...
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/ai-cung-co-the-la-dai-su-ao-dai-20230307100820272.htm