Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm lấy ví dụ về phim "Nhà bà Nữ" có doanh thu gần 500 tỉ đồng, nộp thuế gần 100 tỉ đồng, để khẳng định cần đánh giá lại vai trò của văn hóa nghệ thuật đối với sự phát triển của đất nước.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: TRUNG NGUYỄN
Ông Lâm phát biểu trong tọa đàm Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam, do Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức ngày 2-3 tại Hà Nội.
Dưới ánh sáng Đề cương về văn hóa Việt Nam
Tại tọa đàm, ông Hữu Thỉnh - cựu chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, ông Nguyễn Thế Kỷ - chủ tịch Hội đồng Lý luận văn học nghệ thuật Trung ương, ông Nguyễn Quang Thiều - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cùng nhiều đại biểu khác đều khẳng định vai trò, giá trị trường tồn của Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng bí thư Trường Chinh thay mặt Đảng khởi thảo và được Đảng thông qua tháng 2-1943.
Phát biểu tổng kết tọa đàm, ông Trần Thanh Lâm - phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - khẳng định thực tiễn lịch sử 80 năm qua đã chứng minh Đề cương về văn hóa Việt Nam là nền tảng lý luận của Đảng về văn hóa.
Cho đến hôm nay, một số vấn đề lý luận trong đề cương đã được thực tiễn điều chỉnh và phát triển một cách bền vững, nhưng các giá trị cốt lõi thì vẹn nguyên, là hạt nhân trong đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng.
"Dưới ánh sáng của đề cương, Đảng và Nhà nước ta, trong đó có đội ngũ văn nghệ sĩ, đã hòa cùng với nhân dân để chung tay xây dựng nền văn hóa văn nghệ Việt Nam xã hội chủ nghĩa với những thành tựu to lớn, toàn diện", ông Lâm khẳng định.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: T.ĐIỂU
Nhà bà Nữ thu gần 500 tỉ: mừng là phim Việt sống trong lòng người Việt
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhận định dưới tác động mạnh mẽ của mặt trái cơ chế thị trường, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền văn học nghệ thuật nước nhà đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách.
Thực tế này đặt ra yêu cầu đối với quản lý văn hóa hiện nay là phải nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ chỉ đạo, quản lý về bản chất, đặc trưng của văn học nghệ thuật, về vị trí, vai trò của lĩnh vực này đối với sự phát triển bền vững của đất nước
Ông Lâm lấy phim Nhà bà Nữ của Trấn Thành vừa qua thu gần 500 tỉ đồng để làm ví dụ.
Với tư cách một khán giả, ông thấy đó là một bộ phim dễ xem, có giá trị giáo dục nhất định, và đóng góp rất lớn cho ngân sách.
"Cả nhà tôi đã đi xem bộ phim này hồi Tết. Xem xong phim tôi thấy có nhiều suy nghĩ trong quan hệ, cuộc sống gia đình.
Thật mừng là phim Việt sống được ngay trong lòng người Việt, trong các rạp phim, thu được gần 500 tỉ đồng, nộp ngân sách gần 100 tỉ, một sự đóng góp quý báu", ông Lâm chia sẻ.
Nêu chuyện nhận thức về vai trò của văn hóa chưa đầy đủ, ông Lâm dẫn tiếp ví dụ về một số đơn vị sẵn sàng cắt giảm nhân sự lĩnh vực văn hóa văn nghệ một cách cơ học, vô cảm. Mục đích là để tinh gọn bộ máy, nhưng cuối cùng mất hết.
"Trong cắt giảm chi tiêu ngân sách thì cắt giảm chi tiêu cho văn hóa, giáo dục nhiều. Trong khi nếu làm tốt thì văn hóa mang lại giá trị kinh tế rất lớn, ví dụ ban nhạc BTS của Hàn Quốc đóng thuế không biết bao nhiêu", Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nói.
Ông Trần Thanh Lâm cũng nhấn mạnh các yêu cầu phát hiện, bồi dưỡng tài năng văn học nghệ thuật, tập trung cải thiện môi trường sáng tạo, làm nghề cho văn nghệ sĩ để có lực lượng kế cận.
Cũng như quan tâm nâng cao năng lực thẩm mỹ của công chúng trẻ, vận động các văn nghệ sĩ có uy tín lên tiếng trên truyền thông khi xã hội có những sự vụ nổi cộm liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của mình, giúp định hướng cho công chúng một cách hiệu quả.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/pho-truong-ban-tuyen-giao-trung-uong-phim-viet-song-duoc-ngay-trong-long-nguoi-viet-20230302171832844.htm