Đây là những lễ hội dân gian lớn nhất, độc đáo nhất tỉnh Lào Cai và vùng Tây Bắc diễn ra vào đầu năm mới thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách tới du xuân Sa Pa dự hội.
Lễ hội hát giao duyên của người Dao Đỏ ở Tả Phìn
Cứ mỗi độ xuân về, bà con dân tộc Dao Đỏ ở xã vùng cao Tả Phìn, thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) lại rộn ràng mở lễ hội hát giao duyên truyền thống.
Đây là một trong những lễ hội dân gian độc đáo nhất của đồng bào các dân tộc ít người ở vùng núi Sa Pa và cả vùng Tây Bắc.
Tới dự lễ hội này, du khách được khám phá những nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Dao Đỏ như: Tết nhảy, hội hát giao duyên của nam thanh, nữ tú; lễ cưới hỏi, lễ cấp sắc cho thanh niên đến độ tuổi trưởng thành được các nghệ nhân phục dựng, trình diễn trong hội xuân đầu năm mới.
Lễ hội hát giao duyên đầu xuân mới ở Tả Phìn, ngoài màn hát còn có các trò chơi độc đáo như ném còn, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, đi cầu tre qua suối, bịt mắt bắt dê, leo cột gỗ...
Do đó hội hát giao duyên đầu xuân ở Tả Phìn năm nào cũng thu hút hàng ngàn người dân trong vùng và du khách quốc tế.
Tái hiện nghi lễ rước dâu trong đám cưới của người dân tộc Dao Đỏ trong lễ hội hát giao duyên đầu xuân ở xã Tả Phìn ( Sa Pa) (Ảnh: Phạm Ngọc Bằng).
Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở San Sả Hồ
Hội xuân Gầu Tào là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Mông ở xã San Sả Hồ nay là xã Hoàng Liên của thị xã Sa Pa có từ hàng trăm năm nay.
Có nơi còn gọi hội xuân Gầu Tào là hội xuân Sải Sán, hội xuân chơi núi... tổ chức vào đầu tháng Giêng hàng năm thu hút rất đông người dân địa phương và du khách xa gần tới dự lễ hội.
Lễ hội này tổ chức ở khu đất rộng ở bản cổ Cát Cát nằm cạnh dòng suối Mường Hoa và dưới ngọn núi Fansipan hùng vỹ.
Lễ hội Gầu Tào của người dân tộc Mông Sa Pa năm nay được tổ chức với hai phần chính đó là phần lễ và phần hội theo phong tục cổ truyền.
Phần lễ được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, cây nêu được dựng lên cùng với mâm cúng để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Sau phần nghi lễ khai hội Gầu Tào theo phong tục cổ truyền của người dân tộc Mông của già làng cao tuổi và đại diện chính quyền địa phương là các tiết mục văn nghệ "cây nhà, lá vườn" do con em đồng bào biểu diễn với nội dung mừng Đảng, mừng Xuân.
Phần hội được diễn ra với nhiều nội dung hấp dẫn thu hút đông đảo người dự như chương trình văn nghệ đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông, thi đấu các môn thể thao dân tộc như thi bắn nỏ, thi chạy vượt núi, thi đẩy gậy, kéo co cùng các trò chơi dân gian như đánh đu, ném pao, đi cầu tre vượt suối, leo cột mỡ, bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đánh trống...
Biểu diễn văn nghệ chào mừng xuân mới trong lễ hội Gầu Tào (Sa Pa) (Ảnh: Phạm Ngọc Bằng).
Lễ hội xuân Roóng Poọc của người Giáy (Tả Van)
Lễ hội xuân dân gian của người dân tộc Giáy ở xã Tả Van (Sa Pa ) có từ xa xưa. Lễ hội này chính là ngày hội xuống đồng của người Giáy tổ chức vào ngày Thìn đầu tiên của tháng Giêng hàng năm ở khu ruộng bậc thang của thôn Tả Van, nằm bên suối Mường Hoa thơ mộng chảy dưới dãy núi Hoàng Liên hùng vỹ.
Thay mặt dân bản Tả Van, một già làng thắp hương cúng khai hội và đọc lời khấn cầu mong trời đất phù hộ cho quê hương an lành, mọi người vui khỏe, mùa màng bội thu...
Sau phần lễ chính là phần hội thu hút đông người tham gia như thi cày ruộng, kéo co, bắn nỏ, qua cầu tre vượt suối, bịt mắt bắt dê...
Đây là những lễ hội dân gian lớn nhất, độc đáo nhất tỉnh Lào Cai và vùng Tây Bắc diễn ra vào đầu mùa xuân thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách tới dự hội.
Thi cày ruộng trong lễ hội Roóng Poọc ở xã Tả Van (Sa Pa ) (Ảnh: Phạm Ngọc Triển).
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/van-hoa/nhung-hoi-xuan-dan-gian-dac-sac-o-vung-nui-sa-pa-20230131095339108.htm