Các tác phẩm trong tốp 5 vòng bầu chọn hạng mục phim truyền hình của Giải Mai Vàng lần thứ 28-2022 đều có sức hấp dẫn riêng
Các tác phẩm: "Giấc mơ của mẹ" (đạo diễn Nguyễn Minh Chung), "Thương ngày nắng về 2" (đạo diễn Bùi Tiến Huy - NSƯT Vũ Trường Khoa), "Rồi 30 năm sau" (đạo diễn Nguyễn Quang Minh), "Bão ngầm" (đạo diễn Đinh Thái Thụy), "Duyên kiếp" (đạo diễn Chu Thiện - Hồng Phú Vinh) đều có ưu điểm, hạn chế riêng. Song, cả 5 phim đều chinh phục được khán giả nên rất khó dự đoán tác phẩm chiến thắng.
Thế mạnh phim chuyển thể cải lương
Trong số các phim truyền hình lọt vào tốp 5 vòng bầu chọn Giải Mai Vàng năm nay, "Rồi 30 năm sau" và "Duyên kiếp" có điểm chung là đều thuộc dòng phim bối cảnh xưa, được chuyển thể từ các vở cải lương kinh điển.
Trong đó, phim "Rồi 30 năm sau" chuyển thể từ vở cải lương cùng tên của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng. Phim lấy bối cảnh tại Long Xuyên những năm 1940, kể về gia đình ông Đại (Huỳnh Phú đóng) nợ nần chồng chất vì sự hoang phí của người vợ. Hải (Thanh Trúc đóng) - con gái ông Đại - bị bọn côn đồ bắt cóc trừ nợ nhưng may mắn được Ba Thành (Minh Đăng đóng) cứu giúp thoát nạn. Hải nhận lời làm vợ Ba Thành để trả nghĩa, bất chấp sự phản đối của mẹ - muốn gả cô cho gia đình gia thế. Nhiều biến cố xảy ra dẫn đến các tình huống trớ trêu về sau.
"Rồi 30 năm sau" có nhiều điểm cộng về một câu chuyện đã được kiểm chứng qua thành công của vở cải lương kinh điển, dàn diễn viên diễn xuất tốt và đồng đều, bối cảnh sông nước quen thuộc và gần gũi. Tác phẩm có điểm trừ là lan man, dài dòng, một số tình tiết bị cho là thiếu hợp lý. Tuy nhiên, nhìn chung, phim truyền tải được thông điệp về luật nhân quả, chinh phục được nhiều khán giả.
"Duyên kiếp" cũng chuyển thể từ vở cải lương cùng tên của soạn giả Hoàng Song Việt. Nội dung phim xoay quanh chị em Lan (Oanh Kiều đóng) - Huệ (Trương Mỹ Nhân đóng) và hai người chủ tớ Thành (Huỳnh Đông đóng) - Hai Lương (Bạch Công Khanh đóng). Phim có ưu điểm là diễn viên diễn xuất tốt, bối cảnh gần gũi, quen thuộc nhưng hạn chế là tình tiết còn lê thê, dài dòng.
Những vở cải lương kinh điển được nhiều khán giả, nhất là ở miền Tây, rất yêu thích. Câu chuyện trong các vở này được nhiều người thuộc thế hệ 6X, 7X thuộc nằm lòng. Vì thế, khi được chuyển thể sang phim truyền hình, những tác phẩm này tiếp tục chinh phục khán giả như một lợi thế sẵn có từ cốt truyện cải lương thành công.
Nhà biên kịch Đông Hoa nhận định cả "Duyên kiếp" lẫn "Rồi 30 năm sau" có nhiều điểm chung nên so kè gay gắt với nhau trong bảng bầu chọn so với những phim khác. Dự đoán tác phẩm nào sẽ chiếm ưu thế về phiếu bầu của khán giả là rất khó. Khán giả có suy nghĩ và sự chọn lựa riêng. Vì thế, kết quả chung cuộc chỉ có thể chờ đến đêm trao giải mới biết tác phẩm nào giành chiến thắng.
Phim “Giấc mơ của mẹ”
Phim “Thương ngày nắng về 2”
Phim “Rồi 30 năm sau”
Phim “Duyên kiếp”
Phim “Bão ngầm” (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Sức hút từ chuyện tình yêu, gia đình
Nếu "Duyên kiếp" và "Rồi 30 năm sau" cùng chuyển thể từ cải lương thì "Giấc mơ của mẹ" và "Thương ngày nắng về 2" đều được Việt hóa từ phim truyền hình Hàn Quốc. Cả 2 phim này cùng khai thác về tình mẫu tử, tình cảm gia đình đan xen với tình yêu, tình người.
Trong đó, "Giấc mơ của mẹ" xoay quanh bà Thanh (NSND Hồng Vân đóng), người mẹ tần tảo cả đời vì chồng là ông Quốc (NSƯT Hữu Châu thủ diễn) và các con. Đến mãi sau này, các con mới thấu hiểu nỗi lòng của bà. Phim lồng ghép nhiều chi tiết làm nổi bật màu sắc văn hóa Việt Nam, từ các món ăn đến cách sinh hoạt trong gia đình.
"Giấc mơ của mẹ" được nhà sản xuất đầu tư lớn từ bối cảnh đến chọn lựa dàn diễn viên. Phim khai thác chủ đề gia đình, gần gũi và được thực hiện ở trường quay rất quy mô.
NSND Hồng Vân dù đã không ít lần hóa thân thành người mẹ trên màn ảnh nhỏ nhưng hình ảnh bà Thanh trong "Giấc mơ của mẹ" vẫn có sự khác biệt. Các diễn viên trẻ khác như Trần Ngọc Vàng cũng lột tả được nhân vật mình thể hiện một cách chân thật. Một câu chuyện đủ hấp dẫn, các tình tiết bi hài kịch trong phim không gượng ép, khiến người xem thích thú.
Phim "Thương ngày nắng về 2" tiếp tục khai thác về bà Nga (NSƯT Thanh Quý đóng) - một phụ nữ góa chồng, bán bún riêu nuôi dạy 3 con gái. Các cô con gái đã trưởng thành, người thì lập gia đình và đối mặt những khó khăn trong cuộc sống "mẹ chồng nàng dâu", người thì gặp những thăng trầm trong tình yêu, riêng người con gái út chập chững vào đời với những rung động ban đầu. Bà Nga dõi theo các con, lo lắng và luôn là hậu phương vững chắc để họ tựa vào mỗi khi gặp biến cố trong đời
"Thương ngày nắng về 2" và "Giấc mơ của mẹ" cùng khai thác câu chuyện về tình cảm gia đình một cách thú vị, cuốn hút. Sự thú vị, cuốn hút này giúp cả 2 phim đều chinh phục được khán giả. "Tôi thấy rất khó lựa chọn bởi cả 2 phim đều có thế mạnh riêng và cơ hội đồng đều trong cuộc đua giành Giải Mai Vàng" - nhà biên kịch Kim Ngọc nhận xét.
Phim còn lại trong tốp 5 là "Bão ngầm", tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn - trung tá Đào Trung Hiếu. Nội dung phim kể về hành trình điều tra của đại úy Đào Hải Triều (Hà Việt Dũng đóng) cùng các trinh sát trong việc phá đường dây ma túy xuyên quốc gia. Điểm nhấn của "Bão ngầm" là cốt truyện hay, dàn diễn viên đồng đều và diễn xuất tốt. Tuy nhiên, phim cũng có những "hạt sạn" là một số tình tiết còn lan man, chưa hợp lý.
Theo NSND Đào Bá Sơn, "Bão ngầm" thuộc thể loại phim hình sự, khai thác về cuộc đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm cùng cuộc sống của những chiến sĩ công an. Ông cho rằng phim này chinh phục được khán giả và vào vòng bầu chọn Giải Mai Vàng là xứng đáng.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/van-nghe/binh-chon-giai-mai-vang-hang-muc-phim-truyen-hinh-co-hoi-chia-deu-cho-5-tac-pham-2022121820501437.htm