Ngày hội văn hóa du lịch Bạc Liêu và lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 với hàng loạt sự kiện thu hút du khách đã chính thức khai mạc. Đặc biệt, tham gia ngày hội có 500 nghệ sĩ từ các vùng miền.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ khai mạc Ngày hội văn hóa du lịch và lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 diễn ra tối 27-11 - Ảnh: TRUNG PHẠM
Tối 27-11, tại quảng trường Hùng Vương, TP Bạc Liêu đã diễn ra lễ khai mạc Ngày hội văn hóa du lịch Bạc Liêu và lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022.
Ông Lữ Văn Hùng, bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, cho biết sự kiện này diễn ra đến hết ngày 29-11, gồm 14 hoạt động với hơn 500 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên của các vùng miền về tham dự. Ngoài ra, trong khuôn khổ ngày hội này, Bạc Liêu cũng tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022 với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.
"Thông qua ngày hội, Bạc Liêu mong muốn giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc về văn hóa, du lịch và tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế, nhất là thu hút đầu tư, thu hút du khách đến với Bạc Liêu để đẩy mạnh phát triển du lịch và góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh phát triển", ông Hùng nói.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Bạc Liêu được biết đến là một trong những cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, quê hương bản Dạ cổ hoài lang bất hủ đặt nền móng cho sự phát triển của loại hình âm nhạc vọng cổ và nghệ thuật sân khấu cải lương.
"Năm 2014 cũng tại đây chúng ta vinh dự đón bằng của UNESCO vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thể hiện sự trân trọng, ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Đây không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Nam Bộ, của người Việt Nam mà còn là trách nhiệm của chúng ta cùng góp phần giữ gìn sự đa dạng các biểu đạt văn hóa trong kho tàng văn hóa thế giới", Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng lưu ý Bạc Liêu cần khơi dậy mạnh mẽ mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài để tập trung 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh đã xác định, trong đó đặc biệt lưu ý các yếu tố phát triển bền vững trong tất cả các khâu, tránh từng giai đoạn.
Sân khấu được dàn dựng với biểu tượng cây đờn kìm với ý nghĩa gợi nhớ tới nghệ thuật đờn ca tài tử, được xem là đặc sản và là niềm tự hào của vùng đất Bạc Liêu - Ảnh: TRUNG PHẠM
Ngoài ra, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn các sáng kiến, chương trình, dự án liên kết vùng, trước hết là hợp tác với các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng thực hiện các dự án đầu tư chung về cơ sở hạ tầng phục vụ cho sự phát triển kinh tế toàn vùng như cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Rạch Giá - Hà Tiên - Bạc Liêu, đường bộ hành lang ven biển, đường Nam Sông Hậu, Quản Lộ Phụng Hiệp…
"Chúng ta cần phải nhận thức sâu sắc hơn văn hóa là cội nguồn sức mạnh của dân tộc, là sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; giữ gìn và phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là tạo động lực cho phát triển bền vững, là thể hiện chữ hiếu của chúng ta với tổ tiên và cũng là trách nhiệm của chúng ta với thế hệ mai sau và với cả văn minh thế giới", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Chí Quốc/Tuổi trẻ
https://dulich.tuoitre.vn/500-nghe-si-ve-bac-lieu-trong-ngay-hoi-van-hoa-du-lich-va-le-hoi-da-co-hoai-lang-20221127214445399.htm