Không chỉ sao chép các thắng cảnh trong nước, nhiều điểm đến Việt Nam còn đạo nhái kiến trúc của nước ngoài.
Cầu Vàng ở Sóc Trăng với bàn tay Phật được sơn móng T.T.P
Tràn lan cầu Vàng
UBND H.Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng vừa đình chỉ thi công, xử phạt hành chính một chủ quán cà phê xây dựng không phép trên khuôn viên đất rộng lớn hơn 2.200m2. Thậm chí sẽ buộc tháo dỡ các công trình bên trong.
Trên khu đất này, ông Hồ Chí Toại (chủ quán) xây dựng hàng loạt công trình sao chép những cảnh đẹp của thế giới như Vạn lý trường thành, Lạc sơn đại Phật (Trung Quốc); Cối xay gió (Hà Lan), tượng Nhân sư (Ai Cập)... Đặc biệt, ông Toại còn "chế" cầu Vàng (Đà Nẵng) và đặt tượng Phật khổng lồ lên trên cầu với đôi bàn tay sơn móng nâng đỡ cây cầu...
Cầu Vàng ở Sóc Trăng chỉ là một trong hàng loạt những điểm đến "nhái" bị công chúng phản hồi tiêu cực thời gian qua. Cây cầu nổi tiếng thế giới nằm trên núi Bà Nà (Đà Nẵng) còn xuất hiện nhiều phiên bản khác trong nước, chỉ riêng Đà Lạt đã có hai. Trong đó có cầu Vàng nằm ở cánh đồng hoa cẩm tú cầu rộng hơn 2 ha tại Trại Mát. Chủ vườn hoa thu tiền vé du khách vào tham quan, chụp ảnh. Một cầu Vàng khác cũng ở Đà Lạt, tại khu du lịch ở thôn Túy Sơn, xã Xuân Thọ, cũng thu tiền vé du khách.
Cầu Vàng ở Đà Lạt với hai bàn tay sơn đốm P.V
Trên mạng, du khách không khỏi "choáng ngợp" với những lời quảng cáo quá trớn về các công trình đạo nhái này. Chẳng hạn "Cầu Vàng Đà Lạt - phiên bản đẹp không kém gì bản gốc ở Đà Nẵng". Tuy nhiên, những ai đến đây sẽ nhanh chóng thất vọng.
"Nghe những bài ca ngợi trên mạng nên chúng tôi đã tìm đến. Nhưng tới nơi mới biết cây cầu là thảm họa thiết kế, từ đường nét kiến trúc cho đến sơn phết lẫn hình dáng đều thô thiển, không thể chấp nhận được. Nó quá nhỏ bé, được đặt trên một bàn tay gồ ghề xấu xí và hai đầu cầu trống hoác, không kết nối", chị Phương Lan, TP.HCM, bức xúc. Chị từng tham quan cầu Vàng hàng thật ở Đà Nẵng và cho rằng, các chủ cơ sở du lịch nên tôn trọng sáng tạo bản quyền của người khác và đừng bôi bác bằng thứ hàng giả xấu lạ.
Kỳ quan thế giới phiên bản "cực kỳ lỗi"
Pura Luhur Lempuyang, hay cổng trời nằm ở phía đông Bali (Indonesia), trên cao nguyên Lempuyang ở độ cao 1.775m so với mực nước biển, luôn thu hút đông đúc du khách đổ xô đến chụp ảnh. Hai cánh cổng chia đôi là đặc trưng của thiết kế kiến trúc Bali, tượng trưng cho hai nguồn năng lượng trái ngược nhau luôn tồn tại và bổ sung để tạo ra trạng thái cân bằng...
Cổng trời Bali hàng "pha ke" ở Đà Lạt P.V
"Thế nhưng, chẳng hiểu vì lý do gì mà ở Việt Nam, các điểm tham quan du lịch lại sao chép kiến trúc của người Bali, để xây dựng nơi dành cho khách check-in, kiếm lợi. Vấn đề nghiêm trọng hơn là cách mình xây dựng lại kiến trúc của người khác trông rất xấu và không phản ánh đúng với nguyên bản", chị Phương Lan nêu quan điểm. Công trình mà chị Linh nhắc đến có tên Cổng trời Bali ở Đà Lạt, nằm trong đồi thông gần cáp treo Đà Lạt.
Không chỉ nơi này, nhiều điểm đến khác ở Việt Nam còn copy tràn lan các sản phẩm của du lịch Bali như tổ chim, xích đu "tử thần" Bali Swing ở Quảng Bình... Thậm chí, nhiều điểm đến ở Sa Pa, Đà Lạt... còn sao chép cánh cổng Torii Nhật Bản, biểu tượng truyền thống của đất nước mặt trời mọc. Du khách cũng dễ dàng bắt gặp những điểm check-in với kiến trúc Hàn Quốc, Trung Quốc... tại các điểm tham quan nổi tiếng trong nước.
Năm 2019, khu du lịch Thung lũng tình yêu gây sốc nhiều người khi cho ra đời 30 kỳ quan thế giới tại Đà Lạt. Gây sốc là bởi, những mô hình kỳ quan này được xây dựng khá hời hợt, nhưng được quảng bá rầm rộ để thu hút khách. Những kỳ quan "pha ke" ở đây có đấu trường La Mã, tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn, nhà hát Sydney, tháp đôi Petronas, Cối xay gió Hà Lan, Angkor Wat, tượng Nữ thần Tự do...
"Việc làm mô hình các kỳ quan nhân loại để thu hút khách tham quan phổ biến trên thế giới, nhưng phải tinh tế và gần giống với thực tế nhất. Còn tại nơi này, kỳ quan trông nhếch nhác. Chúng ta không phải copy kỳ quan là xong, chúng phải được đặt ở nơi phù hợp với cảnh quan xung quanh mới trở nên hấp dẫn", anh Tân (TP.HCM) nói.
Đây là "phiên bản cực kỳ lỗi" của Nhà hát con sò (Nhà hát Opera Sydney) danh tiếng của kiến trúc nước Úc và thế giới, cao khoảng 2m BAOVANHOA
Thiếu sáng tạo sản phẩm du lịch
Ông Phan Đình Huê, chuyên gia du lịch, cho rằng Việt Nam có ít sản phẩm du lịch mới có giá trị. Cầu Vàng trên Bà Nà Hills là một trong số ít sản phẩm có giá trị được con người sáng tạo ra. Bởi vậy cầu Vàng luôn được đánh giá cao và bị sao chép.
"Trong phát triển du lịch cần phải có sáng tạo sản phẩm, phải mới, mang tính khác biệt của điểm đến mới thu hút được du khách. Nạn sao chép sản phẩm du lịch rất phổ biến ở nước ta, chỉ thỏa mãn nhu cầu tức thời, không bền vững", ông Huê nói thêm, đạo nhái sản phẩm du lịch của nước ngoài còn đánh mất bản sắc văn hóa của điểm đến.
Năm 2019 tại Trung Quốc xuất hiện một cây cầu mới xây có nhiều điểm tương đồng với cầu Vàng Đà Nẵng. Cư dân mạng khẳng định đó là hàng "pha ke" của cầu Vàng. "Chúng ta cười nhạo họ đạo nhái nhưng có bao giờ nghĩ rằng, chúng ta cũng đang bị người Indonesia chỉ trích vì sao chép xấu xí Cổng trời Bali của họ?", ông Huê đặt dấu hỏi.
Theo Vi Nguyễn/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/hang-pha-ke-boi-bac-thang-canh-xin-post1511351.html