Hàng loạt sự kiện lạ lùng đã xảy ra với một con bò rừng từng sống trên thảo nguyên Bắc Mỹ cách đây khoảng 50.000 năm.
Tìm vàng nhưng tình cờ gặp phải... xác ướp
Một trong những sự kiện được quan tâm nhất khu vực Bắc Mỹ vào giai đoạn cuối những năm 1890 đó là "Cơn sốt vàng Klondike". Ước tính, hơn 100.000 người từ khắp nơi trên thế giới, lặn lội tìm tới vùng Alaska và phía tây bắc Canada để tìm vàng. Trong số đó, có những người được vận may mỉm cười và trở nên giàu có, nhưng phần đông ra về tay không.
Hàng trăm nghìn người đổ xô tới Bắc Mỹ để tìm vàng vào những năm 1890 (Ảnh: News).
Tới khoảng năm 1979, khi cơn sốt vàng gần như hoàn toàn hạ nhiệt, thì một nhóm thợ đào vàng vô tình phát hiện thấy xác ướp bò rừng thảo nguyên. Xác ướp con vật được bảo quản đặc biệt tốt, "ủ đông" tự nhiên ở vùng lãnh nguyên Alaska. Vị trí được phát hiện nằm gần thành phố bang Alaska (Mỹ).
Khi đó, mẫu vật quý hiếm này được đặt tên Blue Babe, là ví dụ duy nhất về bò rừng biston từ thế Canh Tân. Nhóm đào vàng nhanh chóng thông báo với Dale Guthrie, Giáo sư ngành khảo cổ học đến từ Đại học Alaska. Nhưng phải mất 3 năm, nhóm cộng sự của Giáo sư Dale mới phá băng và khai quật thành công xác bò rừng có kích thước lớn này.
Sau khi khai quật, xác bò rừng được nhồi và xử lý (Ảnh: NPR).
Thông qua phương pháp định tuổi bằng carbon phóng xạ, ban đầu, nhóm chuyên gia xác định, bò rừng đã chết cách đây khoảng 36.000 năm. Nhưng kết quả quá trình nghiên cứu gần đây đã thay đổi con số này thành 50.000 năm. Con vật có nhiều vết thương ở cổ và lưng. Có thể đó là vết cắn của sư tử Mỹ. Đây là một nhánh sư tử đã tuyệt chủng vào kỷ băng hà.
Vụ tấn công xảy ra vào mùa đông. Dường như bò rừng đã trốn thoát, nhưng lại chết cóng vì cái lạnh. Nhiệt độ xuống thấp kèm theo lớp băng tuyết phủ dày là yếu tố quan trọng để giữ xác ướp không bị phân hủy, cho tới khi nó được khai quật vào năm 1979.
Bữa tối kỳ lạ với món xác ướp bò hầm đóng băng
Khi xác ướp bò rừng được khai quật và đưa ra khỏi lớp băng, nó liền có dấu hiệu phân hủy. Nhóm chuyên gia lo mẫu vật không thể dùng nghiên cứu sau này nên phải tách riêng phần thịt, tủy, những phần còn lại bảo tồn vĩnh viễn tại bảo tàng Alaska, nơi khách du lịch có cơ hội tới chiêm ngưỡng.
Mẫu vật được trưng bày tại bảo tàng thuộc Đại học Alaska (Ảnh: News).
Nhóm nghiên cứu có sự hỗ trợ của chuyên gia nhồi xác động vật Eirik Granqvist đến từ Đại học Helsinki, Phần Lan. Sau đó, xác ướp bò rừng đã qua xử lý được mang đi trưng bày.
Và một sự kiện không ai nghĩ tới đã xảy ra. Khi đó, nhóm chuyên gia quyết định thử dùng một phần mẫu vật đặc biệt này để chế biến thành món bò hầm nhừ. Điều này không phải chưa từng có trong tiền lệ. Họ từng nghe nói các chuyên gia người Nga khai quật bò rừng, voi ma mút đóng băng ở vùng Viễn Bắc với phần thịt được bảo quản tốt tới mức có thể ăn.
"Để chúc mừng công việc của chuyên gia nhồi xác động vật Eirik Granqvis, chúng tôi đã thưởng thức món bò rừng hầm nhừ. Bữa tối bất thường diễn ra tại ngôi nhà ở Alaska. Một phần thịt được thái ra, ninh trong nồi có rau cùng một số nguyên liệu khác", Giáo sư Dale từng thuật lại sự kiện này.
Cũng theo mô tả của vị Giáo sư này, món hầm từ "thịt xác ướp bò rừng tuy được làm kỹ nhưng vẫn hơi dai, rõ vị thịt bò và không quá tệ".
Được biết, bữa tối có hơn 10 người cùng thưởng thức. "Khi rã đông, nó tỏa ra mùi thịt bò không thể nhầm lẫn, hòa trộn với chút mùi vị nấm. Không ai phải chịu tác động xấu nào từ bữa ăn", Giáo sư Dale kể lại.
Đến nay, mẫu vật bò rừng Blue Babe hiện vẫn được trưng bày tại Bảo tàng miền bắc thuộc Đại học Alaska.
Theo Huy Hoàng/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/du-lich/bua-toi-ky-la-voi-mon-ham-tu-thit-xac-uop-bo-rung-dong-bang-50000-nam-20221015221419329.htm