Sau 2,5 năm đóng cửa vì dịch Covid-19, ngày 23/9 vừa qua, Vương quốc Bhutan đã chính thức mở cửa trở lại cho du khách quốc tế mà không có bất kỳ yêu cầu cũng như hạn chế phòng dịch nào.
Bhutan là quốc gia kỳ bí với dân số chỉ khoảng 800.000 người, được bao bọc bởi các ngọn núi cao, trong đó có 20 ngọn núi cao hơn 7000m. Hàng năm, nơi đây đón khoảng 300.000 khách du lịch quốc tế, trong đó có 200.000 khách đến từ các nước châu Á.
Toàn cảnh thị trấn Paro, nơi có sân bay duy nhất kết nối Bhutan với thế giới bên ngoài. Bhutan được bao bọc bởi các ngọn núi cao, nơi cao nhất đạt 7.553 m. Nhà cửa ở Bhutan thường xây thấp nhằm tránh hậu quả của động đất (Ảnh: Nguyễn Đức Hùng).
Bên cạnh nhóm các du khách đến Bhutan, quốc gia nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ, ngắm cảnh còn có nhóm du khách đến đi lễ ở vương quốc Phật giáo với rất nhiều pháo đài, tu viện, đền cổ kính và linh thiêng nằm rải rác trên các triền núi khắp đất nước.
Tu viện Tashichho Dzong là một trong những công trình kiến trúc ấn tượng bậc nhất Bhutan, ở thủ đô Thimphu. Nơi đây hiện đặt văn phòng thư ký, ngự phòng của Vua và một số bộ (Ảnh: Nguyễn Đức Hùng).
Tu viện Paro Dzong tọa lạc trên sườn đồi trong thị trấn Paro. Tu viện này cũng là trụ sở hành chính của thị trấn Paro (Ảnh: Nguyễn Đức Hùng).
Tu viện phật giáo nổi tiếng nhất của Bhutan mà du khách nào cũng đến là Tiger's Nest, một tu viện cổ nằm cheo leo trên vách đá cao 900m, ngay trên miệng thung lũng Paro (cách khoảng 900m so với đáy thung lũng), trên độ cao 3.108 m so với mực nước biển.
Tu viện Punakha (Punakha Dzong) ở thành phố Punakha, thủ đô cũ của Bhutan cho đến năm 1955, là một trong những tu viện lâu đời và linh thiêng bậc nhất Bhutan (Ảnh: Nguyễn Đức Hùng).
Truyền thuyết kể rằng, xưa kia, đức Liên Hoa Sinh - người có công truyền bá Phật giáo Tây Tạng Kim thừa vào Bhutan - đã cưỡi trên lưng của một con hổ cái đi đến đây và ngồi thiền định ở nơi này.
Chính vì thế tu viện có tên là Tiger's Nest (tức Hang Hổ). Ngôi đền đầu tiên của tu viện được xây dựng vào năm 1692, xung quanh hang động Taktsang Senge Samdup nơi đức Liên Hoa Sinh được cho là đã ngồi thiền trong ba năm, ba tháng, ba tuần, ba ngày và ba giờ vào thế kỷ thứ 8.
Hang Hổ nhìn từ trên xuống (Ảnh: Nguyễn Đức Hùng).
Theo anh Nima Yoezer, hướng dẫn viên du lịch người Bhutan, người dân Bhutan nào cũng hành hương đến Tiger's Nest ít nhất một lần trong đời.
"Người ta tin rằng mọi lời cầu nguyện sẽ được ban phép và trở thành hiện thực và những ai lên đây sẽ có được sức mạnh thể chất và tinh thần để vượt qua những gian nan thử thách ở phía trước", anh Nima chia sẻ.
Xuất phát chinh phục Hang hổ (Ảnh: Nguyễn Đức Hùng).
Điểm xuất phát để leo Tiger's Nest nằm cách thị trấn Paro khoảng 10km nhưng mất tới 30 phút chạy xe ô tô do đường đi hẹp và quanh co.
Quãng đường từ điểm xuất phát dưới thung lũng lên tới tu viện dài khoảng 6km. Đường đi khá dốc và quanh co, lúc leo lên và tụt xuống, chủ yếu đi dưới cánh rừng thông và sồi cổ thụ.
Sau khoảng 2 tiếng, đi được nửa chặng đường, chúng tôi dừng ở quán cafe Taktshang để nghỉ ngơi. Quán có một view cực đẹp nhìn bao quát tu viện Tiger's Nest nằm chênh vênh trên đỉnh núi xanh rờn phía trước mặt.
Hàng năm có hàng chục nghìn du khách tìm cách chinh phục Tiger's Nest, tuy nhiên, theo đánh giá của anh Tshering Tashi, Giám đốc Công ty Du lịch Jojos Adventure Bhutan, chỉ khoảng 60-70% lượng du khách thành công.
Những người còn lại phải bỏ cuộc giữa chừng vì lý do sức khỏe và họ thường dừng chân ở ngôi đền nhỏ cạnh quán cà phê Taktshang nơi có thể nhìn thấy toàn bộ tu viện Tiger's Nest và vái vọng từ xa.
Quán cà phê Taktshang nơi nhiều người không thể lên được Tiger's Nest có thể đứng đây vái vọng (Ảnh: Nguyễn Đức Hùng).
Điểm check in chụp ảnh đẹp nhất là mỏm đá cách tu viện khoảng 20 phút leo bộ. Từ đây có thể nhìn xuống và chụp được tu viện ở khoảng cách gần.
Mất khoảng 2,5-3 tiếng cho du khách leo từ chân núi lên đỉnh và mất khoảng 2-2,5 tiếng để từ trên tu viện xuống dưới chân núi. Người dân địa phương chỉ mất khoảng 45-60 phút để lên được tới đỉnh.
Du khách có thể trải nghiệm đi ngựa lên gần Tiger's Nest và tự đi xuống (Ảnh: Nguyễn Đức Hùng).
Du khách có thể trải nghiệm đi ngựa lên gần tu viện và sau đó đi bộ khoảng 400 bậc thang lên tới cổng của tu viện. Tuy nhiên, ngựa chỉ có thể đưa du khách lên, du khách phải tự đi xuống núi vì lý do an toàn.
Hiện có khoảng 50-60 nhà sư đang sinh sống và tu tập ở tu viện. Hôm chúng tôi đến có 150 nhà sư trẻ người Bhutan hành hương tới đây. Bên cạnh người dân địa phương và nhóm du khách người Việt, chúng tôi còn gặp hai đoàn du khách 20 người đến từ Mỹ và châu Âu.
Nhóm du khách 12 người Mỹ trong đó có người đi xe lăn nhưng vẫn chinh phục thành công Tiger's Nest nhờ có sự hỗ trợ của bạn đồng hành và người dân địa phương (Ảnh: Nguyễn Đức Hùng).
"Nhóm chúng tôi không phải là những người theo đạo Phật nhưng đến Bhutan để du lịch 12 ngày đêm và lên đây thăm tu viện cổ và linh thiêng. Nhóm tôi có một người đi xe lăn nhưng chị ấy, với sự giúp đỡ của người dân địa phương, cũng đã lên tu viện thành công", anh Peter, 45 tuổi, đến từ New York cho biết.
Tiger's Nest - Hang Hổ nằm chênh vênh trên vách núi (Ảnh: Nguyễn Đức Hùng).
Tu viện Tiger's Nest bao gồm 4 điện thờ chính có các pho tượng lớn được tạc rất công phu cũng như nhiều bức bích họa mô tả ngài Liên Hoa Sinh tu hành và hoằng pháp, những vị Phật, Bồ tát và các vị thần trong Phật giáo.
Rất tiếc là hầu hết các tu viện ở Bhutan đều không cho chụp ảnh ở bên trong để tỏ lòng tôn kính cũng như để bảo vệ các di tích.
Du khách tham quan tu viện được các nhà sư ở đây mời tham gia các buổi cầu nguyện và sau đó được các vị sư trụ trì chúc phúc cho từng người.
Sau khi tham quan các điện thờ và cầu nguyện, chúng tôi dành thời gian đứng ngắm thung lũng xanh rì và cánh rừng rậm bạt ngàn phía dưới và thấy lòng thật thanh thản.
Thời gian đẹp nhất để đến thăm Tiger's Nest là vào mùa thu (Ảnh: Nguyễn Đức Hùng).
Thời gian đẹp nhất để đến thăm Tiger's Nest là vào mùa thu khi khí hậu mát mẻ và vào mùa xuân khi cây cối đâm chồi nở lộc. Mùa hè thời tiết nắng nóng còn mùa đông tuyết phủ kín, đường trơn trượt nên thường chỉ người dân địa phương mới lên đây vào thời gian này.
Theo Nguyễn Đức Hùng/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/du-lich/chinh-phuc-hang-ho-tren-vach-da-cao-hon-3000m-o-bhutan-20221014132515373.htm