Khi nói đến Chợ Lớn, ai cũng nghĩ ngay tới khu vực quận 5, quận 6, nhưng thực tế quận 11 (TP.HCM) cũng là một trong những quận có nét đặc trưng của Sài Gòn - Chợ Lớn.
Giao viên Hồ Văn Tiến hướng dẫn các học viên cách phân loại phân kim ở lớp chế tác kim hoàn tại chợ Thiếc, quận 11
Tour "Có một Chợ Lớn rất khác" được xây dựng dựa trên tài nguyên đặc trưng cộng đồng người Hoa ở Việt Nam, với các điểm đến du lịch, văn hóa gần gũi vừa được TP.HCM khảo sát, đánh giá để đưa vào làm thương mại.
Tour bắt đầu bằng ghé thăm chợ Thiếc, đây là ngôi chợ truyền thống chuyên mua bán các mặt hàng vàng bạc từ lâu đời. Nơi đây còn lưu giữ trọn vẹn nếp sống, cung cách sinh hoạt, chế tác đồ thủ công của người Hoa tại Sài Gòn - Chợ Lớn từ ngày xưa.
Chợ Thiếc được hình thành từ khoảng năm 1945, với những quầy, sạp đơn sơ. Khoảng những năm thuộc thập niên 70 của thế kỷ 20, chợ Thiếc được xây dựng lại bằng gạch và tiếp tục được tu bổ thường xuyên từ năm 1986 cho đến nay.
Đặc biệt nơi đây là một trong những chợ kim hoàn lớn của thành phố, chuyên chế tác, gia công, sửa chữa, mua bán vàng, bạc, đá quý, đồ trang sức… Ngay trên tầng 1 của chợ là một "trường học nghề" chuyên về mỹ nghệ - kim hoàn.
Chợ Thiếc nổi tiếng là chợ kim hoàn lớn của thành phố
Ông Nguyễn Văn Dưng, chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM, tự hào đây là "ngôi trường" duy nhất ở Việt Nam đào tạo bài bản về nghề kim hoàn. Hiện mỗi năm Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp mỹ nghệ kim hoàn đào tạo khoảng 400 học viên từ khắp nơi trên cả nước, thậm chí các nước lân cận cũng đến đây học.
Với sự hiện đại hóa máy móc, ngành chế tác vàng có nhiều thay đổi, các lớp học về nghề này cũng điều chỉnh để phù hợp với thị trường, phần lớn học viên học để về làm chủ cửa hàng vàng chứ không chỉ để làm thợ.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng thắp nhang vòng khi viếng chùa Khánh Vân Nam Viện, quận 11
Một điểm không thể bỏ qua là Khánh Vân Nam Viện trên đường Nguyễn Thị Nhỏ, phường 16. Ngôi đạo quán hiếm hoi của người Hoa ở Sài Gòn này được hình thành từ năm 1936, do một số đạo sĩ ở Quảng Đông (Trung Quốc) sang và truyền bá đạo Lão (Đạo giáo) vào cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn, lấy tên là Khánh Vân Nam Viện.
Cụm từ “Khánh Vân Nam Viện” được lý giải rằng nguồn gốc của chùa từ Khánh Vân Động, Nam là miền Nam Việt Nam, còn viện tương tự như chùa.
Đây là ngôi đạo quán hiếm hoi và lớn nhất miền Nam, mang yếu tố tổng hợp của "tam giáo đồng nguyên" (Phật giáo - Đạo giáo - Nho giáo). Ngoài là nơi hành hương của cộng đồng người Hoa tại thành phố, Khánh Vân Nam Viện còn là điểm đến tham quan của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Khám phá một dấu ấn văn hóa của người Hoa thì du khách không thể bỏ qua phòng truyền thống của Đoàn lân - sư - rồng Thắng Nghĩa Đường, tìm hiểu về một thế giới kỳ lân đầy sắc màu và đậm nét văn hóa tinh hoa truyền thống lẫn hiện đại.
Đoàn lân - sư - rồng Thắng Nghĩa Đường thuộc môn phái Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật, có quá trình hình thành và phát triển tại Việt Nam được 43 năm.
Ông Huỳnh Chí Dân, truyền nhân đời thứ 3 của môn phái Hồng Thắng - Thái Lý Phật tại Việt Nam, tự hào cho biết một trong những sự kiện quan trọng của Thắng Nghĩa Đường chính là việc thành lập Tổ quán môn phái Thái Lý Phật, có tên là “Thắng Nghĩa Tổ Quán” vào năm 2018.
Ông Huỳnh Chí Dân (bìa trái) hướng dẫn và giới thiệu khách tham quan Quảng Châu Bắc Thắng Quán (Thắng Nghĩa Đường)
Tháng 8-2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings đã trao tặng bằng xác lập kỷ lục Việt Nam và bằng tôn vinh giá trị kỷ lục cho đoàn với nội dung "Đoàn lân - sư - rồng đầu tiên xây dựng Tổ quán và phòng truyền thống, nhằm lưu giữ và tôn vinh các giá trị, tư liệu của môn phái Thái Lý Phật tại Việt Nam".
Văn hóa người Hoa dung hòa và giao thoa với văn hóa Việt đã tạo nên bản sắc chung độc đáo trong từng nét múa lân - sư - rồng, từng chiếc lồng đèn, từng món ăn đặc sản. Những khu phố Hoa, bởi thế không chỉ có mỗi há cảo và thuốc bắc.
Tour không thể thiếu thưởng thức ẩm thực, sau khi ghé Khánh Vân Nam Viện bắt mạch, bốc thuốc tại một tiệm thuốc Bắc xưa, khách có thể tham quan cung đường ẩm thực Hà Tôn Quyền chuyên bán sủi cảo.
Khách sẽ được trải nghiệm, học cách làm và ăn trưa với món sủi cảo nổi tiếng của người Hoa và thưởng thức món ngon này.
Theo bà Trần Thị Bích Trâm - phó chủ tịch UBND quận 11, khi nói đến Chợ Lớn ai cũng nghĩ ngay khu vực quận 5, quận 6, nhưng thực tế quận 11 cũng là một trong những quận có nét đặc trưng của Sài Gòn - Chợ Lớn.
Các điểm đến du lịch, văn hóa hay tâm linh ở trên địa bàn rất đời thường, gần gũi với đời sống và các điểm đến được giới thiệu trong chùm tour này cũng theo định hướng đó.
Khách được hướng dẫn làm sủi cảo và ăn sủi cảo mình làm ra tại một quán hàng trên phố ẩm thực Hà Tôn Quyền, quận 11
Thực hiện định hướng, chiến lược của UBND TP.HCM về tiếp tục hoàn thiện, nâng chất sản phẩm du lịch theo hướng mỗi quận - huyện và TP Thủ Đức có ít nhất một sản phẩm du lịch.
Bà Trần Thị Bích Trâm cho biết trong năm 2022 quận đã chủ động rà soát hệ thống các tài nguyên du lịch để có phương án kết nối, xây dựng tour tuyến du lịch.
Hiện quận đang phối hợp với Công ty lữ hành Chim Cánh Cụt khai thác một số tài nguyên để hình thành tour du lịch một ngày có tên “Có một Chợ Lớn rất khác", với các điểm đến “Khánh Vân Nam Viện - Đoàn lân - sư - rồng Thắng Nghĩa Đường - chợ Thiếc (ngành vàng) - ẩm thực Hà Tôn Quyền - trải nghiệm làm cốc sứ - thưởng thức quán trà người Hoa…
Theo N. Bình - Ảnh: T.T.D/ Tuổi trẻ
https://dulich.tuoitre.vn/co-mot-cho-lon-rat-khac-20221005164337162.htm