Hơn 2.000 năm trước, thành phố nghỉ mát dọc theo bờ biển phía tây của Italy từng là nơi chuyên tổ chức các buổi tiệc tùng xa hoa đình đám, phục vụ giới quyền lực giàu có ở Rome.
Nơi từng mệnh danh là "Las Vegas của đế chế La Mã"
Hơn 2.000 năm trước, thành phố Baia ở Italy từng được coi là "Las Vegas của đế chế La Mã", nổi tiếng là chốn ăn chơi xa hoa.
Vào dịp cuối tuần, giới quyền lực và những người giàu có ở Rome thường tới đây tổ chức những bữa tiệc linh đình. Các hoàng đế La Mã còn xây dựng nhiều biệt thự sang trọng, khu nghỉ dưỡng suối nước nóng và hồ bơi lát gạch khảm (mosaic), phục vụ thú vui cá nhân.
Khám phá thành phổ cổ dưới đáy biển (Ảnh cắt từ clip).
Theo tài liệu cổ để lại, Baia không chỉ sở hữu vô số thắng cảnh thiên nhiên hấp dẫn, còn được xây dựng bên bờ vịnh ở Naples. Người ta vẫn nói đây là phiên bản "thành phố tội lỗi" của Rome bởi nhiều buổi tiệc tùng thâu đêm suốt sáng. Vào thời kỳ hoàng kim, nơi này được cho là từng tiếp đón những nhân vật quyền lực nhất như Hoàng đế Nero hay Hoàng đế Julius Caesar.
Nhờ xây dựng trên miệng núi lửa nên người dân ở Baia đã phát minh ra loại hỗn hợp gồm vôi và đá núi lửa để xây dựng nên các cung điện, cổng vòm, nhà tắm xa hoa.
Một pho tượng cổ nằm trong thành phố (Ảnh: Andreas Solaro/AFP).
Tại sao thành phố này được xây trên miệng núi lửa? Bởi theo quan niệm của người Hy Lạp và La Mã cổ đại, họ tôn thờ các hố nham thạch như cổng vào thế giới dưới lòng đất.
Nhưng con người thời đại đó không biết rằng, những vị trí này gây ra nhiều thảm họa. Trải qua hàng trăm năm với sự trồi lên sụt xuống dần dần của vỏ trái đất do kết quả của các hoạt động địa chất, khiến thành phố sụp đổ.
"Nghĩa địa" dưới đáy đại dương suốt hàng trăm năm
Các nhà khảo cổ và địa chất đã phát hiện những bằng chứng cho thấy thành phố bị nhấn chìm trong hai thời điểm khác nhau, vào thế kỷ thứ 3 và thế kỷ thứ 5. Từ thời La Mã, những trận địa chấn khiến khu vực xung quanh Baia ảnh hưởng nặng nề, cuối cùng khiến nơi này sụp đổ.
Một hướng dẫn viên lặn chạm tay vào bức tranh khảm từ khu biệt thự dưới nước (Ảnh: AFP).
Khi mực nước biển dâng cao, tàn tích của thành phố sầm uất ngày nào bị nhấn chìm dưới vùng vịnh, đặt dấu chấm hết cho khu nghỉ dưỡng bậc nhất thời La Mã cổ đại. Các chuyên gia ước tính, tới thế kỷ thứ 8, bất cứ thứ gì còn sót lại của thành phố đều bị chìm hoàn toàn trong biển nước.
"Nghĩa địa" thành phố cổ đã nằm dưới đáy sâu suốt vài trăm năm. Cho tới thời điểm năm 1940, một phi công đã chia sẻ loạt ảnh chụp từ trên không, lộ ra những tàn tích còn sót lại, khiến thu hút sự chú ý của công chúng.
Kể từ đó, việc khám phá nơi này bắt đầu được tiến hành, nhưng do Baia có vị trí quá đặc biệt nên chỉ số ít các nhà khảo cổ mới đủ khả năng và quyết tâm nghiên cứu.
Tàn tích của "thành phố xa hoa" một thời (Ảnh: USA Today).
Đây là lúc các chuyên gia tìm thấy nhiều tàn tích cổ như phòng tắm nước nóng công cộng, các biệt thự và cả 3 ngôi đền hình mái vòm gồm đền Diana, đền Venus và đền Mercury. Dù đền thờ Venus được tìm thấy trong tình trạng bị sụp một nửa, nhưng vẫn còn lại dấu tích của ngôi đền hình bát giác. Các chuyên gia tin rằng, nơi này từng lưu giữ bức tượng của nữ thần La Mã. Kiến trúc ban đầu của đền có ban công nhìn về phía hồ bơi, có cửa sổ lớn hình vòm.
Ngoài ra, trên diện tích 177ha còn có những công trình vinh danh Hoàng đế Augustus, quảng trường được lát đá, bức tượng Octavia Claudia (em gái Hoàng đế Claudius) và thần rượu nho Dionysus...
Từ năm 2002, tàn tích thành phố cổ được công nhận là công viên khảo cổ học, mở cửa đón khách tham quan. Du khách có thể tới đây nhờ sử dụng bộ đồ lặn và ống thở chuyên dụng.
Hiện nay dọc theo bờ biển Baia là những khách sạn, bến du thuyền. Nhưng các nhà địa chất học đã cảnh báo về hoạt động núi lửa xung quanh khu vực này trong tương lai gần.
Theo Huy Hoàng/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/du-lich/tu-thanh-pho-an-choi-cua-gioi-quyen-luc-toi-nghia-dia-duoi-dai-duong-20220922125424985.htm