TP HCM có đủ tiềm năng và nguồn lực để nhiều sản phẩm du lịch về đêm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, nếu được đánh thức sẽ góp phần không nhỏ cho việc phát triển kinh tế đêm
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, nhận định TP HCM được đánh giá là "thành phố không ngủ" nên việc quy hoạch đồng bộ, bài bản các tuyến phố đi bộ sẽ góp phần tích cực phát triển du lịch, vui chơi - giải trí, ẩm thực, mua sắm gắn với phát triển kinh tế đêm...
Tiềm năng lớn của "thành phố không ngủ"
Chiều muộn cuối tuần rồi, chị Thùy Vân (ngụ TP HCM) có chuyến đi bằng buýt đường sông từ bến tàu thủy Bình An (TP Thủ Đức) về bến Bạch Đằng ở quận 1. Đi buýt đường sông một lúc, chị được ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn, khung cảnh thành phố về đêm đang lên đèn.
Cách đó vài trăm mét, phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng bắt đầu sáng đèn với nhiều hoạt động náo nhiệt, du khách từ khắp ngả đường đổ về trung tâm thành phố vui chơi, giải trí sau một tuần làm việc vất vả.
"Có đi buýt đường sông vào lúc chập choạng tối rồi đứng đón xe trước ga tàu thủy Bạch Đằng, ngắm khung cảnh xung quanh khu vực đường Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi - Nguyễn Huệ… mới thấy thành phố về đêm tuyệt đẹp. Tôi từng nhiều lần đi dạo buổi tối, lang thang qua các tuyến phố trung tâm thành phố, thưởng thức ẩm thực và thật sự cảm nhận một "thành phố không ngủ" - chị Thùy Vân nói.
TP HCM được đánh giá là “thành phố không ngủ”, cơ hội thúc đẩy sản phẩm du lịch về đêm phát triển, hấp dẫn du khách. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Từ nhiều năm qua, TP HCM đã được đánh giá là "thành phố không ngủ" với tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế đêm, du lịch giải trí về đêm. Những phố ẩm thực, mua sắm, vui chơi, giải trí, hoạt động biểu diễn văn hóa - nghệ thuật… đều đầy tiềm năng, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.
Sở Du lịch TP HCM cho hay hiện các sản phẩm du lịch ban đêm ở thành phố rất đa dạng, phong phú - từ không gian vui chơi ở các tuyến phố đi bộ, quán cà phê, nhà hàng, quán bar đến các câu lạc bộ đêm, các sô diễn nghệ thuật, tour đường thủy bằng buýt đường sông, ngắm hoàng hôn trên du thuyền hạng sang, thưởng thức ẩm thực đêm trên sông Sài Gòn, tham quan thành phố với xe buýt hai tầng Hop on - Hop off...
"Thành phố có nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật, sự kiện, lễ hội đường phố được tổ chức hằng năm vào ban đêm rất hấp dẫn để du khách trải nghiệm, khám phá nét văn hóa cộng đồng đô thị. Với những điều kiện thuận lợi, phát triển du lịch gắn với kinh tế đêm đang được TP HCM xác định là một giải pháp chiến lược để thúc đẩy sự phục hồi cho ngành du lịch của thành phố sau đại dịch; giúp nâng cao hoạt động thu hút du khách trong khuôn khổ chương trình "TP HCM chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City" - bà Bùi Thị Ngọc Hiếu nói.
Thời cơ vàng
Theo Sở Du lịch thành phố, du lịch đêm ở TP HCM càng thêm thuận lợi khi mới đây Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM có tờ trình về việc phê duyệt đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm thành phố.
Đề án trên thực tế đã được ấp ủ từ lâu. Đó là từ năm 2020, TP HCM đã có quyết định phê duyệt đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố. Trong đó, có đề cập việc thực hiện tổ chức không gian đi bộ khu vực trung tâm thành phố nhằm hướng tới mục tiêu lâu dài giảm lưu lượng ôtô đi vào các khu trung tâm; góp phần nâng cao tính hấp dẫn, thúc đẩy hoạt động du lịch, thương mại và dịch vụ ở khu trung tâm. Bởi khu vực này có nhiều công trình di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc - văn hóa đặc sắc.
Bên cạnh đó, gần đây, một số quận, huyện có đề xuất điều chỉnh giao thông trên một số tuyến đường để tổ chức phố đi bộ.
"Việc nghiên cứu đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm thành phố là cần thiết nhằm nghiên cứu toàn diện về tiêu chí, thiết kế, quy hoạch các giai đoạn thực hiện để có lộ trình triển khai các tuyến phố đi bộ chất lượng, cùng kế hoạch tổ chức giao thông phụ trợ để nâng cao mức độ an toàn, cơ hội giải trí cho người dân và du khách đến tham quan" - đại diện Sở GTVT nêu.
Cụ thể, đề án sẽ tổ chức thực hiện các tuyến phố đi bộ tại khu vực trung tâm trong giai đoạn 2022-2025, trên các tuyến đường, khu vực (theo 3 giai đoạn cụ thể) như vòng xoay Công trường Quốc tế, Phạm Ngọc Thạch, Công xã Paris, Lê Lợi, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Đồng Khởi, Công trường Lam Sơn, Tôn Đức Thắng, Hàm Nghi…
Đáng chú ý, trong tờ trình đề án các tuyến phố đi bộ có đề cập đến các hạng mục phụ trợ để tăng tính hấp dẫn như điểm thu hút giải trí, thư giãn, nghệ thuật, lưu niệm, ẩm thực… Theo đơn vị tư vấn đề án, kinh nghiệm ở Việt Nam cho thấy các hoạt động văn hóa, giải trí, đặc trưng được tăng cường triển khai ở những tuyến phố đi bộ tạo sự thu hút tham gia của người dân, từ đó lan tỏa tích cực đến du lịch và thương mại.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, đánh giá những tuyến phố đi bộ thời gian qua giúp tạo không gian đi bộ ở các trung tâm đô thị là xu hướng chung trên thế giới. Khu vực trung tâm có nhiều di tích lịch sử, công trình kiến trúc, văn hóa đặc sắc... cho nên việc mở thêm các tuyến đi bộ ở khu vực này góp phần nâng cao tính hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ; thúc đẩy phát triển các loại hình quán ăn, trung tâm thương mại, sinh hoạt âm nhạc, lễ hội ngoài trời.
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị và truyền thông Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour, cho hay ở các nước phát triển, khu vực trung tâm thành phố không chỉ là điểm du lịch dành cho du khách quốc tế mà còn hội tụ hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, mua sắm… cho du khách nội địa và dân địa phương. Trong đó, hoạt động vui chơi, giải trí về đêm tại các khu phố đi bộ cũng là một trong những đặc trưng không thể thiếu. Trong khi đó, TP HCM có đủ tiềm năng và nguồn lực để nhiều sản phẩm du lịch về đêm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, nếu được đánh thức sẽ góp phần không nhỏ cho việc phát triển kinh tế đêm của thành phố.
"Đề án phố đi bộ rất đáng quan tâm trong định hướng phát triển du lịch thành phố dành cho thị trường khách nội địa và quốc tế nên cần được quy hoạch, phát triển có điểm nhấn, làm nổi bật điểm đến này bằng cách tạo sự khác biệt, đặc trưng cho từng tuyến phố để thật sự hấp dẫn du khách" - bà Bảo Thu nói.
Xúc tiến hàng loạt sản phẩm du lịch về đêm Thời gian qua, một số quận - huyện đã và đang chủ động xây dựng kế hoạch để định hướng hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng về đêm, rất thuận lợi cho việc gắn kết với tour du lịch như: phố đi bộ Bùi Viện, Nguyễn Huệ (quận 1); phố thời trang, phố ẩm thực đêm Phùng Hưng - Lão Tử, phố vàng bạc (quận 5); phố đi bộ - thương mại - ẩm thực và văn hóa (quận 7); khu ẩm thực đêm tại tuyến đường Hà Tôn Quyền, chợ đêm Đầm Sen Square (quận 11); khu ẩm thực thủy hải sản đặc sắc Cần Giờ (chợ đêm Cần Giờ)... Một số quận, huyện khác cũng xúc tiến loạt sản phẩm du lịch về đêm khác với nhiều kỳ vọng như quận 3 đang triển khai phố đi bộ ở Hồ Con Rùa; huyện Hóc Môn, Củ Chi cũng có nhu cầu phát triển kinh tế đêm. |
Theo Thái Phương/ Người lao động
https://nld.com.vn/kinh-te/danh-thuc-tiem-luc-du-lich-dem-20220807210105696.htm