Đĩa cơm tấm gồm cơm, trứng, thịt, bì, dưa chua, mỡ hành trộn đều quyện vào nhau, cộng hưởng với chút mặn ngọt chua cay xuất sắc của nước mắm… ăn là ghiền, "quê tôi đó, tôi đã ăn đến mòn răng".
Đĩa cơm tấm nhuyễn Long Xuyên chánh hiệu mà khách xa đến An Giang nhất định tìm ăn - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Nguyên liệu dùng để nấu món cơm tấm Long Xuyên phải là hạt tấm mẳn, nấu chín vừa tới, canh lửa, thêm nước để đạt được độ tơi xốp.
Thịt nạc khìa chung với trứng vịt cho thấm đều gia vị, áo lớp vỏ ngoài màu điều, sau đó xắt sợi mỏng cộng với bì, dưa chua, mỡ hành áp lên vắt cơm tấm nhuyễn còn bay hơi nóng hổi... chan muỗng nước mắm chua ngọt sền sệt mới hoàn hảo.
Đĩa cơm tấm ấy lẽ ra cũng bình thường, dân Long Xuyên ăn thành lệ, ăn riết ghiền, rồi thành thương hiệu của một thành phố được du khách "săn đón" dù chỉ ăn một lần cho biết cũng đáng.
Đĩa cơm tấm 2.000 đồng trong ký ức
Bọn trẻ chúng tôi, thế hệ 9X không biết món cơm tấm Long Xuyên có từ khi nào, hồi tiểu học ngày nào cũng túm tụm đi ăn cơm tấm trước cổng trường.
Lớn lên được đi xa hơn khỏi làng xã, ra thành phố Long Xuyên học cấp ba, được lê la khắp phố, từ đó mới biết cơm tấm không chỉ có ở mỗi cổng trường, khắp các con đường ngõ hẻm đều có.
Những năm 2005, khi tôi đang là học sinh tiểu học, nhóm bạn 3 cô gái cứ hẹn nhau mỗi sáng ra quán cơm tấm dì Bảy. Thấy khách "mối" đến, dì không cần hỏi, liền bưng ra 3 đĩa cơm tấm kèm 3 chú thích khác nhau: không mỡ hành, không bì, không dưa chua.
Đĩa cơm tấm sườn quán của dì Bảy vẫn ngon mê ly, chiều theo thực khách (không để bì, mỡ hành) - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Mặc dù cơm tấm phải có đầy đủ thịt, bì, dưa chua, mỡ hành và nước mắm ớt đặc sệt thì mới đủ vị. Nhưng trong ký ức của chúng tôi ngày ấy, đĩa cơm 2.000 đồng là thức quà sáng "thần thánh" ăn mắc ghiền. Dì Bảy thấy thương đám nhóc nên chỉ lấy 1.500 đồng/đĩa, thối lại cho mỗi đứa 500 đồng ăn kem.
Dì Bảy hơn 30 năm vẫn miệt mài bên hàng cơm tấm dù có chút xê dịch vài thước vuông qua lại theo quy hoạch mở rộng đường, xây lại trường của thành phố. Còn lũ trẻ chúng tôi đã 17 năm rời trường, thỉnh thoảng lại tạt ngang ủng hộ dì đĩa cơm, mức giá 20.000 đồng/đĩa cơm lớn, 10.000 đồng/đĩa cơm em bé cũng vừa phải.
Ký ức vẫn còn, dì Bảy vẫn ở đó với quán cơm vỏn vẹn 2 bàn cho học sinh ngồi mỗi sáng, lớp lớp học trò khôn lớn trưởng thành. Chắc họ cũng giống như tôi, dù đi xa bao nhiêu, ăn bao món ngon vật lạ trên đời, nhưng hương vị đĩa cơm tấm ngày xưa vẫn mãi nguyên vẹn trong lòng đứa trẻ 10 tuổi.
Không sang trọng cũng chẳng bình dân
Ngày nay, cơm tấm Long Xuyên đã thành thương hiệu vang danh gần xa, khách ăn cơm không chỉ những đứa học trò, những cô chú công chức ăn sáng để đi làm… mà trở thành "đặc sản" được du khách tìm thưởng thức khi đến An Giang cả ngày lẫn đêm.
Có những quán tuổi đời hơn nửa thế kỷ, mở chi nhánh ở các thành phố lớn như TP.HCM, thành phố Cần Thơ.
Một "dân Long Xuyên" chánh hiệu đi ăn cơm tấm vì ngán bữa cơm chiều - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Dân Long Xuyên ăn cơm tấm kiểu ghiền, bất cứ khi nào thèm là ăn, không kể sáng trưa chiều tối. Trung tâm thành phố có rất nhiều quán cơm ngon, có quán phục vụ du khách đến 23h. Những quán cơm lâu đời, cơ ngơi nhiều thế hệ có thể kể tên như: Cây Điệp, Hướng Dương, Loan, Phượng… bán cả ngày lẫn đêm.
Giá cả cũng tùy nơi và tùy khẩu vị mà chênh lệch 20.000 - 35.000 đồng/đĩa cơm tấm, tùy thương hiệu, món ăn đa dạng, nguyên liệu tăng theo bão giá leo thang, cũng dễ hiểu khi đĩa cơm chất lượng ở những quán kể trên giá lên đến 45.000 - 60.000 đồng/đĩa đối với những biến tấu khác của cơm tấm như: cơm tấm sườn, cơm tấm sườn cọng, cơm tấm gà nướng, cơm tấm heo quay… ăn gì cũng có. Khách đông nườm nượp, thấy ham.
Ngoài ra, nhiều quán cà phê trong thành phố cũng đưa cơm tấm vào thực đơn ăn sáng, ăn trưa mà độ ngon không thua ngoài quán. Giá cả dao động 25.000 - 35.000 đồng/đĩa, không quá "chát".
Còn các cô cậu học học sinh, sinh viên vẫn "trung thành" với quán cơm gần trường mình, vì giá hiện tại chỉ nằm ở mức 15.000 đồng/đĩa. Ai muốn thêm thịt, thêm cơm, thêm trứng… trả thêm 5.000 đồng no nê ngon lành tới giấc tan học.
Quán cơm tấm không tên, mà chỉ cần nói gần trường đại học cũ thì ai cũng biết - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Cũng là đĩa cơm tấm nhuyễn đặc trưng với thịt nướng, thịt khìa, trứng vịt khìa lên màu đỏ au xắt sợi mỏng để lên trên cơm.
Gắp miếng bì, dưa chua củ cải, dưa chua rau muống mỗi thứ một ít để xung quanh rồi chan muỗng mỡ hành lên, chén nước mắm ngọt đặc sệt thêm chút ớt cay luôn là vị "trùm cuối" không thể thiếu.
Đĩa cơm nóng hổi nhiều màu sắc lại thơm phức bày ra trước mặt, lấy muỗng tưới nước mắm lên trộn cho đều. Múc muỗng cơm đầy để vào miệng vừa có cơm nhuyễn tơi xốp, chút dai dai của bì thịt, chút chua giòn của dưa chua ăn ngay mới vừa vặn làm sao. Sáng sớm đang đói chắc chắn phải ăn 2 đĩa mới thỏa cái bụng.
Đĩa cơm tấm nhuyễn mà thực khách luôn cảm thấy "ăn không đủ no" phải kêu thêm - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Vậy đó, cơm tấm đã len lỏi vào ký ức của bao thế hệ chúng tôi từ nhỏ đến khi trưởng thành, ra đời đi làm tứ tán tỉnh xa. Nếu bất giác có ai đó nhắc nhớ đến cơm tấm Long Xuyên lại được dịp khoe khoang rằng "quê tôi đó, tôi đã ăn đến mòn răng".
Để rồi cũng có đêm thèm ăn cơm tấm quay quắt, bắt chuyến xe đò từ TP.HCM về ngay, sáng chạy tọt ra quán cơm tấm kế bên Trường đại học An Giang cũ (cách chỉ đường của dân Long Xuyên mà khi đến đây bạn hỏi người nào cũng biết, tin chắc vậy!) ăn cho đã thèm, rồi đi tiếp cũng vui.
Theo Đặng Tuyết/ Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/mot-vong-com-tam-long-xuyen-an-la-ghien-20220804094549724.htm