Hai tô cháo cá bầu đem lại bàn. Hỏi bà chủ mới biết cháo cá bầu là khi nấu nồi cháo đã nhừ vừa ăn thì cho bầu xắt nhỏ vào nấu tiếp đến khi bầu chín, nên gọi là "cháo cá bầu". Thì ra bầu là trái bầu.
Gọi đầu cá thì tô cháo không và đầu cá lóc để dĩa riêng - Ảnh: N.C.T.
Hôm về Củ Chi, đi đường Hương Lộ 2, bà xã tôi nói thôi sẵn đường đi luôn lên Trảng Bàng, Tây Ninh.
Đường Hương Lộ 2 chạy song song với quốc lộ 22 hay còn gọi là đường xuyên Á, từ Củ Chi lên đến Trảng Bàng phải tránh doanh trại quân đội có tên gọi thời trước 1975 là "căn cứ Đồng Dù" hay "căn cứ Củ Chi" thuộc tỉnh Hậu Nghĩa cũ.
Do vậy, đi đường Hương Lộ 2 Củ Chi, khi đến ngã ba tỉnh lộ 8 phải đi vòng theo đường bờ rào của doanh trại quân đội rồi mới trở lại đường Hương Lộ 2.
Một trong những quán cháo cá lóc bầu rau đắng được nhiều khách ghé ăn trên đường Hương Lộ 2, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: N.C.T.
Lúc tới ấp Trảng Lắm, từ ngã ba đường Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi vào, đến ngã tư Xóm Mới, thuộc xã Trung Lập Hạ có nhiều hàng quán dựng bảng ngoài lề đường mời gọi món "Cháo cá bầu rau đắng".
Tôi thấy món ăn lạ, bà xã tôi là dân Củ Chi mà nói lần đầu tiên mới thấy, nên ghé ăn cho biết.
Quán cháo cá bầu rau đắng nào cũng có người ngồi ăn. Tôi tấp xe vào một quán có nhiều xe gắn máy và xe tải đậu phía trước, kinh nghiệm chọn quán ăn khi đi đường dài.
Trong quán có nhiều người ngồi ăn và nhiều người đứng chờ mua mang về.
Bà xã tôi gọi 2 tô cháo cá. Tôi thấy cái đầu cá lóc hấp dẫn nên hỏi, cô chủ quán nói đầu cá lóc phải gọi riêng.
Tô cá lóc bầu thường có 3 khứa cá cùng với dĩa rau đắng, giá sống và các món gia vị hấp dẫn - Ảnh: N.C.T.
Hai tô cháo cá bầu đem lại bàn. Hỏi bà chủ mới biết cháo cá bầu là khi nấu nồi cháo đã nhừ vừa ăn thì cho bầu xắt nhỏ vào nấu tiếp đến khi bầu chín, nên gọi là "cháo cá bầu". Thì ra bầu là trái bầu.
Tô cháo cá bình thường có 3 khứa cá hay 1 khứa cá và 1 đuôi cá, còn gọi đầu cá thì tô cháo không, còn đầu cá lóc để dĩa riêng.
Trên bàn có dĩa rau đắng và giá sống cùng nhiều món gia vị hấp dẫn như hũ tương hột, tô đậu phộng rang, dĩa chanh ớt với gừng tươi và chai nước mắm trong.
Bà xã tôi cũng như nhiều người khách khác, sau khi ăn đều khen tô cháo cá lóc bầu Củ Chi ngon không thua kém cháo cá lóc rau đắng ở các quán dọc quốc lộ 1A từ Long An xuống Tiền Giang.
Con gái của bà chủ quán tên Cẩm Linh giờ thay mẹ đứng bán - Ảnh: N.C.T.
Ghé ăn riết quán cháo cá lóc bầu này thành thân quen. Tuần rồi chúng tôi về ghé ăn, bà chủ nói: "Tôi nay lớn tuổi rồi nên giao quán cho con gái làm chủ, đứng bán.
Con gái tên là Cẩm Linh nên sắp tới đặt tên quán là "Cháo cá bầu rau đắng Cẩm Linh". Lâu nay quán chưa có tên vì khách quen ở Củ Chi, nay phải có tên để nhiều khách mới ở Sài Gòn lên biết quán dễ tìm".
Theo Nguyễn Công Thành/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/chao-ca-bau-rau-dang-cu-chi-20220716092326728.htm