Thuở khai sinh ''Size 0''
Không ai biết chắc khái niệm ''Size 0'' được khai sinh từ bao giờ. Giới thời trang ghi nhận vào thập niên 60, cô người mẫu Twiggy cao 1m68 và chỉ nặng có 40 kg đã mở đường cho xu hướng trọng dụng những người mẫu siêu gầy của các nhà mốt.
Cuối thập niên 80, giữa lúc các chân dài gợi cảm với ba vòng bốc lửa đang ''làm mưa làm gió'' các sàn diễn quốc tế, thì Kate Moss trở thành nhân tố lạ lẫm và khiến trào lưu người mẫu siêu gầy quay trở lại. Năm 1990, thương hiệu Calvin Klein gây tranh cãi gay gắt khi trình làng bộ sưu tập với hình gầy gò, xanh xao của Kate Moss.
Không ai biết chắc khái niệm ''Size 0'' được khai sinh từ bao giờ (ảnh: fashionbetty).
Tỷ lệ quần áo size 0 (76-56-81) của Kate Moss nhanh chóng trở thành số đo chuẩn rất nhiều thương hiệu cao cấp lúc bấy giờ. Liên tiếp sau đó, những cô gái với vẻ ngoài ''mình hạc xương mai'', bộ dạng ốm yếu xuất hiện trên các sàn diễn thuộc kinh đô thời trang quốc tế. Người ta dần bị ám thị rằng: Cứ phải thật gầy mới có cơ hội được các nhà mốt để mắt!
Dẫu bị lên án gay gắt nhưng ''size 0'' lại khiến các nhà thiết kế thích thú. Cố giám đốc sáng tạo của Chanel - ngài Karl Lagerfeld, luôn lấy hình tượng những cô gái siêu gầy làm chuẩn mực cái đẹp và cảm hứng cho các thiết kế của mình.
Thương hiệu Saint Laurent thường xuyên chọn các cô gái có hình thể mỏng, tỷ lệ mỡ rất thấp để diện trang phục hãng.
Sự thật nghiệt ngã của chốn mộng phù hoa
Trong ngành thời trang, quan điểm ''người mẫu chỉ là những chiếc mắc áo'' dần biến tướng và tạo ra một thế hệ những cô gái chán ăn, thèm giảm cân.
Sự thật nghiệt ngã của chốn mộng phù hoa là ép mình giảm cân (ảnh: Pinterest).
Chốn mộng phù hoa ''Làng Mốt'' luôn mang sức hấp dẫn của riêng nó. Điệu đà, kiêu kỳ, cao sang, duy mỹ... là những gì mà người ngoài cuộc vẫn luôn đánh giá về làng mốt nói chung hay ngành nghề người mẫu nói riêng. Và tất nhiên, đó cũng chỉ là chủ quan cảm nhận của những người ngoài cuộc. Còn đối với người trong cuộc, chuyện lại khác.
Từ lâu, những người trong cuộc - mà ở đây là các người mẫu, đã nắm rõ quy tắc sống còn để có thể trụ vững và thăng tiến trong nghề: Nhịn ăn, giảm cân và giữ dáng. Cao và gầy thôi là chưa đủ, nhiều người mẫu chấp nhận đưa tính mạng của mình vào vòng rủi ro, tất cả để đạt được trọng lượng cơ thể siêu nhẹ mà người ta vẫn gọi là "Size 0".
Ngất xỉu, run rẩy dưới cơn gió nhẹ, nhịn đói và chỉ uống nước cầm hơi... nhiều người mẫu ''size 0'' đã bỏ mạng vì luật ngầm khắt khe trong giới thời trang.
Truyền thông lên tiếng
Năm 2017, dư luận nước Nga rúng động trước thông tin người mẫu Katerina Laktionova bị mẹ bỏ xác vào vali và quăng ra biển. Theo kết quả khám nghiệm pháp y, khi ấy cô chỉ nặng 35kg và chết vì chứng biếng ăn. Hành động của mẹ Katerina là cách để bà... quên đi nỗi đau đớn, giày vò vì mất đi đứa con ép mình vào tiêu chuẩn ''size 0''.
Cái chết của Katerina Laktionova chỉ là hạt cát giữa một sa mạc được bao phủ bởi những hậu quả mang tên ''size 0''. Năm 2006, cô Ana Carolina Reston, một chân dài từ Brazil qua đời vì ăn uống thiếu chất trong thời gian dài. Bốn năm sau, người mẫu Isabelle Caro đột tử vì tự bỏ đói chính mình. Những cái chết như được báo trước, nhưng chẳng được mấy ai đoái hoài.
Người mẫu ngoại cỡ dần được lên ngôi (ảnh: medium).
Nhiều thời báo kịch liệt bài xích tư tưởng có phần độc hại này. Tờ New York Times cho rằng đây là ''hành vi vô đạo đức''. Tờ U.S. News và World Report gọi đây là ''một xu thế tàn nhẫn''. Để đạt được chỉ số cân nặng như trên, các người mẫu buộc phải tự bỏ đói chính mình, chỉ dám uống nước dưa leo để cầm hơi, sử dụng các chất gây nghiện... nhằm bỏ qua bữa ăn và nhanh chóng giảm cân.
Nhiều ý kiến chỉ trích, khi cho rằng những cô gái coi thường mạng sống mà lao vào guồng quay ép cân như những con thiêu thân trước ánh sáng. Nhưng đứng trước cơ hội phát triển sự nghiệp, tương lai, hay đơn giản là kiếm kế sinh nhai... họ phải làm gì đây?
''Da bọc xương'' chính là những từ ngữ để miêu tả họ - những người theo đuổi xu hướng này. Các BTV của tạp chí Vogue từng kinh hãi khi nhìn dàn mẫu run rẩy dưới điều hoà ở mức 26 độ C, cũng bởi cơ thể họ còn chẳng có lớp mỡ giữ ấm.
''Size 0'' bị loại bỏ
Trên đà phát triển và đào thải liên tục, trào lưu có phần độc hại bên trên cũng đi tới thời kỳ thoái trào. Edward Enninful - Tổng biên tập tờ Vogue Anh Quốc cho biết: ''Khi đọc Vogue, mọi người sẽ nhận ra mọi sắc tộc, kích cỡ đều đều được chào đón. 'Size 0' đã dần mất đi vị thế trước kia''. Ý kiến của Edward Enninful là tia sáng hi vọng về một ngày mà giới thời trang có cái nhìn cởi mở, chào đón mọi dáng hình cơ thể và thay đổi chuẩn mực sắc đẹp.
Việc hàng loạt người mẫu qua đời do tự bỏ đói đã khiến giới chức trách vào cuộc. Năm 2017, một đạo luật ở Pháp được ban bố nhằm nghiêm cấm các chân dài quá gầy được hành nghề. Bất cứ thương hiệu, nhà quản lý nào vi phạm đạo luật trên sẽ phải nộp phạt gần 1,9 tỷ đồng và ngồi tù 6 tháng.
Các thương hiệu thuộc 2 tập đoàn thời trang lớn là LVMH và Kering cũng cam kết chỉ làm việc với người mẫu từ size 1 trở lên. Thậm chí, người tạo ra những bức hình quảng cáo có người mẫu siêu gầy cũng bị phạt gần 1 tỷ đồng.
Người mẫu ngoại cỡ lên ngôi?
"Đẹp" mà không khoẻ, xem chừng cũng thật vô nghĩa. Versace và Dolce&Gabbana là hai trong số những nhà mốt chào đón những cơ thể ngoại cỡ. Jill Kortleve trở thành người mẫu ngoại cỡ đầu tiên sải bước trên sàn diễn vốn không chào đón khái niệm ''plus size'' như Chanel.
Đặc biệt, show Savage x Fenty của Rihanna đã cho thấy những cải cách theo hướng tích cực nhằm đa dạng chuẩn mực cái đẹp, chứng mỉnh rằng trang phục dù hạng trung hay cao cấp cũng dành cho tất cả mọi người.
Theo Thái Hà/ GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/su-that-nghiet-nga-ve-size-0-va-nguoi-mau-ngoai-co-post600471.html