Hành lý ký gửi từ lâu đã là một vấn đề đau đầu với những người đi máy bay. Dưới đây là 7 cách giúp bạn giảm rủi ro thất lạc đồ khi di chuyển.
Hành lý ký gửi bị thất lạc là nỗi lo thường trực của người đi máy bay - Ảnh: Smarter Travel
Một số người khuyên cách "thoát nạn" tốt nhất là: Đừng ký gửi hành lý nữa.
Nhưng không phải lúc nào cũng có thể du lịch chỉ với một túi hành lý xách tay. Chẳng hạn khi đi nghỉ dài ngày, đồ cho những sự kiện đặc biệt… Vì vậy, cách giảm nguy cơ hành lý bị thất lạc (nhất là khi du lịch quốc tế) là điều được nhiều người quan tâm. Trong đó, lưu ý cần chú ý đầu tiên là: Những món đồ quan trọng nhất không bao giờ để trong hành lý ký gửi, chẳng hạn chìa khóa, thuốc, đồ trang sức…
Không để đồ quan trọng trong hành lý ký gửi. Khi đi xa cũng không nên mang theo những món đồ đắt tiền, dù để trong hành lý xách tay - Ảnh: Unsplash
Làm sạch vali
Trước khi đến sân bay, bóc/xóa tất cả các nhãn, thẻ được dán lên hành lý trong chuyến đi trước. Bởi nếu còn sót lại thông tin cũ, rất dễ khiến nhân viên sân bay nhầm lẫn khi đọc mã.
Sau đó, dán tên, thông tin liên lạc ở bất kỳ chỗ nào có thể trên hành lý. Đeo thêm thẻ có tên và số điện thoại bên ngoài. Đặt một thẻ tương tự bên trong phòng trường hợp thất lạc.
Đó là điều mà các biên tập viên hàng đầu của những trang du lịch thường làm. Thậm chí, có người còn cẩn thận làm một thẻ tên đặt trong túi hành lý xách tay để dùng cho trường hợp cần xác nhận. Chụp nhiều ảnh lại chiếc vali (cả trong và ngoài) nhằm có thể dễ dàng nhận dạng hơn trong trường hợp có vấn đề xảy ra.
Loại bỏ hết nhãn dán hành lý trong chuyến bay trước nếu còn - Ảnh: Travel + Leisure
Đến sân bay sớm...
Nếu có ý định ký gửi hành lý, không nên đến sân bay muộn. Làm thủ tục sớm cũng là một cách để tránh nhầm lẫn.
Hàng không thường nói rằng khách có thể ký gửi hành lý muộn nhất 30 phút trước khi máy bay khởi hành. Nhưng trong những phút cuối đầy bận rộn, khả năng nhân viên sân bay để sót cao hơn hẳn bình thường, đặc biệt khi họ không muốn bị phạt vì đóng khoang hành lý quá giờ quy định.
Nhưng cũng đừng ký gửi hành lý sớm quá
Các hãng hàng không thường khuyên hành khách nên đến sớm 2 - 3 tiếng trước giờ bay để làm thủ tục. Không có vấn đề gì nếu tiến hành ký gửi hành lý vào lúc này.
Nhưng một số người cẩn thận đến mức làm thủ tục sớm trước cả 4 - 6 tiếng so với giờ bay. Họ không biết rằng khi làm thủ tục quá sớm, hành lý có thể được chuyển vào khu vực giữ đồ thay vì khu vực sẵn sàng chất vào khoang hành lý của máy bay để đến đúng địa chỉ. Ngoài ra, gửi càng sớm nghĩa là thời gian hành lý rời khỏi tầm mắt càng lâu, đồng nghĩa với nguy cơ xảy ra vấn đề càng cao.
Muộn không tốt, nhưng sớm quá cũng không tốt - Ảnh: Unsplash
Kiểm tra các thẻ được dán lên hành lý ký gửi
Hãy để ý đến các thông tin được nhân viên hàng không dán lên hành lý ký gửi của bạn. Chú ý đến các vấn đề như: có khớp mã không, tên tuổi có đúng không, mã vạch có rõ ràng hay bị nhòe không… Nếu khách có quyền làm thẻ ưu tiên thì nên tận dụng quyền lợi này.
Nhìn hành lý chạy trên băng chuyền
Sau khi đã xác nhận thông tin dán trên hành lý là đúng, bạn cũng đừng vội bỏ đi. Hãy ở lại và theo dõi để đảm bảo hành lý được đưa lên băng chuyền hay thêm vào giỏ đúng cách, qua khu vực soi chiếu mà không bị nhân viên an ninh yêu cầu kiểm tra lại.
Quan sát hành lý đã được di chuyển vào đúng chỗ chưa - Ảnh: Unsplash
Thêm thiết bị theo dõi
Những tín đồ của Táo khuyết hẳn không xa lạ gì với Apple AirTag, thiết bị có kích thước nhỏ gọn chỉ tương đương một đồng xu để có thể gắn vào các đồ vật như túi xách, chìa khóa, balô, áo khoác,... Người dùng có thể xác định vị trí của chúng khi bị thất lạc thông qua các thiết bị của Apple như iPhone, iPad, và MacBook.
Ngoài ra, trên thị trường cũng có nhiều thiết bị tương tự, chẳng hạn LugLoc và Trakdot, rất hữu ích trong trường hợp hành lý bị thất lạc.
Những thiết bị như Apple AirTag cũng là công cụ hữu ích cho người đi du lịch - Ảnh: 6ABC
Giữ giấy tờ liên quan cẩn thận
Mọi giấy tờ liên quan đến chuyện bay và hành lý cần giữ đến khi chuyến đi hoàn tất. Nếu có vấn đề xảy ra, chúng chính là bằng chứng, giúp hành khách nhận được bồi thường khi cần.
Theo Thanh Linh/ Tuổi trẻ
https://dulich.tuoitre.vn/dung-ra-san-bay-voi-vali-ky-gui-chi-chit-nhan-dan-20220711105926408.htm