Trở về quê đúng vào dịp giáp hạt, đi trên con đường dẫn về làng, hai bên là cánh đồng lúa bạt ngàn đang chuyển dần sang màu vàng, lòng tôi nao nao nhớ về miền ký ức, những kỷ niệm của một thời ấu thơ lam lũ như những con sóng vỗ vào những vết thương lòng đã lành da thịt...
Giống như bao gia đình khác ở trong làng, gia đình tôi ngày ấy cũng nghèo, túng thiếu cái ăn, cái mặc… Mẹ tôi đã hết sức cẩn trọng cân đong, đo lường mà nhà vẫn thiếu trước hụt sau. Cha mẹ tôi hết lòng chăm chỉ làm lụng, bán buôn vẫn không sao đắp đủ cho tám miệng ăn những ngày giáp hạt. Cố gắng duy trì ngày hai bữa ăn, độn củ nhiều nhìn chẳng thấy cơm, thức ăn chủ yếu là rau xanh, dưa cà muối mặn, cả tháng mẹ mới đi chợ một lần mua cục xương lợn về hầm trong cái nồi đầy nước. Hầu như bữa ăn nào thằng út cũng nước mắt lưng tròng vì đã cơm độn mà thức ăn lại chẳng có gì. Chị cả thương em dỗ mãi không được cũng khóc theo. Thường xuyên đói, càng đói càng thèm khát một bữa ăn cơm trắng đầu mùa gặt thật no.
Thân thương cơm gạo mới (Ảnh minh họa từ Internet)
Đợi mãi, đợi mãi rồi mùa gặt cũng đến. Tôi còn nhớ mùa gặt đến, cha tôi thường nhắc mẹ tôi "thả cửa" cho các con ăn cơm trắng thoải mái. Mẹ tôi cười, nụ cười thật hiền hậu đầy yêu thương của người phụ nữ thôn quê.
Gặt đám ruộng đầu tiên, cả làng tôi ai cũng phấn khởi; niềm vui, nụ cười luôn lộ rõ thường trực trên khuôn mặt của họ. Gặt, đập, xay, sàng sảy mẻ gạo mới đầu tiên thơm lừng. Mẹ tôi bụm từng bụm gạo cho vào nồi, chế nước vừa phải bởi gạo mới đầu mùa. Khi sôi, hơi cơm bốc lên tỏa ra mùi thơm mời gọi. Trong hương cơm như có cả mùi bịn rịn của ruộng đồng, mùi dìu dịu tinh khiết của nắng và cả mùi nồng mặn của những giọt mồ hôi. Mùi thơm gạo mới là mùi ấm no, hạnh phúc níu giữ, quấn quýt muôn người. Cơm thơm từ khi nấu, dẻo ngọt, đậm đà khi ăn, ngon cả khi vào trong bụng. Bình dị, mộc mạc, cảm giác vô cùng quyến luyến thân thương... Tôi hít hà từ khi cơm sôi đến khi chín để tận hưởng mùi thơm tuyệt vời ấy qua bao mùa gặt len lỏi vào ký ức, để lưu giữ lâu hơn cái nồng ấm của tình đất, tình người, cái ngọt ngào xen lẫn vị mặn mòi của mồ hôi công sức người nông dân.
Cơm chín, mẹ xới cơm, thức ăn bày lên mâm để cha cúng cơm mới mời tổ tiên, ông bà. Đây cũng như là lời cảm ơn đất trời và nguyện cầu đất trời ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng luôn bội thu.
Sau lễ cúng, cả nhà quây quần bên mâm cơm gạo mới trắng tinh, thơm phức, chuyện trò rôm rả; những nhọc nhằn ngày mùa tan vơi theo làn hương từ bát cơm thơm. Cơm gạo mới, ăn với thứ gì cũng ngon. Mộc mạc như vón tay lấy chút cơm rơi trên mâm chấm vào nước mắm cua đồng cũng đã tận hưởng đủ vị dẻo thơm ngon. Bữa cơm gạo mới là ước mơ, là niềm hạnh phúc khi thưởng thức "hạt ngọc trời ban", nuôi sống ta qua bao đời…
Sau bữa cơm gạo mới, rồi cả mùa gặt luôn được ăn no, không bao giờ phải ăn cơm độn, vậy nên trẻ con ở thôn quê không đứa nào không mong mỏi, nhớ nhung mùa gặt đến. Chắc rằng những đứa trẻ có gốc nông dân cùng trang lứa với tôi không ai không cảm nhận và lưu luyến những khoảnh khắc kỷ niệm về mùa cơm mới, mùa gặt. Với riêng tôi, đó là những ký ức ngọt ngào luôn hằn sâu, tái hiện không thể mờ phai trong đời xuôi ngược suốt mấy chục năm qua.
Theo Nguyễn Bá Thuyết/ Người lao động
https://nld.com.vn/van-nghe/than-thuong-com-gao-moi-20220705204719864.htm