"Anh tìm kiếm trên Google phở chua là nó chỉ ra ngay quán em luôn đó. Ở Sài Gòn nói chứ món này ít thấy...", giọng nói tự tin của cậu con trai cô Phượng, chủ tiệm, vang lên cùng nụ cười tươi.
Người Trung Hoa gọi món này là "Lường Pàn", nếu chuyển ngữ sang tiếng Việt thì gọi là "phở mát" - Ảnh: MINH ĐỨC
Mặc cơn mưa bất chợt buổi chiều ngày một lớn, khách vẫn luân phiên tìm đến tiệm phở chua Lạng Sơn trứ danh.
Phở chua Lạng Sơn đúng như cái tên của nó, tại Việt Nam món ăn này bắt nguồn từ các tỉnh phía Bắc, từ Hà Giang, Lạng Sơn đến Cao Bằng.
Không chỉ món ăn có vị chua thanh mát mà là phở nguội, sền sệt... rất hợp để thưởng thức ở xứ nhiệt đới. Vì sao món phở chua lại lấy tên địa danh Lạng Sơn, có lẽ vì sự nức tiếng của món ăn này ở Thất Khê - Lạng Sơn, truyền từ miền Bắc vào trong Nam.
Do thời tiết trở trời, các thành phần của phở chua Thành đã được bếp chuẩn bị trước, vì chủ yếu bán mang về do không còn chỗ ngồi - Ảnh: MINH ĐỨC
Vị cay xè của ớt xay khô trộn tóp mỡ và hoành thánh chiên giòn, khiến món ăn ngon lạ khó tả - Ảnh: MINH ĐỨC
Nằm trong khu chợ Bàn Cờ lẫy lừng các món ăn ngon của quận 3, tuốt hẻm sâu nhưng rộng, là tiệm phở nho nhỏ treo bảng hiệu "Phở chua Thành" - trước được truyền miệng là phở chua Lạng Sơn ngon nhất Sài Gòn.
Tiệm nhỏ, chỉ vừa đủ để đầu bếp là những người trong gia đình bà Uyên chuẩn bị thành phần, nguyên liệu làm nên món phở chua. Khách đến, xui lúc trời mưa, phải đi bộ khoảng 80m vào một hẻm nhỏ gần đó, nơi có mái che, bàn ghế inox đơn giản.
Trời mưa gió, khách ngồi ăn buộc phải làm quen với những vệt nước tạt qua vai, bù lại, món phở chua ngon lạ đã làm tan đi cái khó chịu của thời tiết vào mùa.
Ở đây không thể thiếu tóp mỡ sa tế siêu cay, tóp mỡ dai dai cay xè trộn với phở cũng ngon, mà vào tô cháo sườn hay bánh giò "bán thêm" tại quán cũng đã - Ảnh: MINH ĐỨC
Để chế biến món phở chua Lạng Sơn chánh gốc cần nhiều thời gian làm các công đoạn hoàn thiện các nguyên liệu chính của bát phở: gan gà, lòng gà, gà xé, khoai lang, lạc rang, đu đủ chua, xá xíu, rau thơm... Vị chua của món phở này được chế biến từ nước me với công thức độc quyền.
Bát phở tròn trịa bưng ra sẽ có bánh tôm phồng bên trên, rau sống trụng bên dưới, kèm một chén tóp mỡ sa tế thủ công. Muốn thưởng thức món ăn này, bắt buộc phải trộn đều các gia vị để nước me được hòa vào, cùng với vị cay xè của ớt xay khô trộn tóp mỡ và hoành thánh chiên giòn, khiến món ăn ngon lạ khó tả.
Những ai mê món phở truyền thống (phở bò, phở gà...) chắc chắn sẽ thấy vừa quen vừa lạ khi thưởng thức phở chua.
Cũng là bánh phở được trụng sôi, nhưng sợi bánh dai hơn để dễ trộn đều không bị nát. Kèm mỗi tô phở chua là chén nước dùng từ nước luộc vịt, để khách ăn không bị ngán. Món phở Lạng Sơn khi vào Sài Gòn tuy giữ được hương vị nhưng cũng đã thay đổi thành phần ít nhiều.
Thay vì thịt heo thì phở chua Thành dùng nhiều thành phần từ thịt gà. Dù đã thay đổi ít nhiều hương vị cho phù hợp khẩu vị người Sài Gòn (chẳng hạn nước sốt ngọt hơn so với vị ngoài Bắc), nhưng nhìn chung phở chua Thành vẫn là điểm hẹn lý tưởng cho bất kỳ ai muốn thử qua dư vị đặc sản này.
Phở chua Thành bán từ năm 1954 do bà Uyên đem từ quê vào Sài Gòn. Sau này có cô Phượng là con dâu của bà cùng cháu trai đứng bán - Ảnh: MINH ĐỨC
Theo Đức Noise/ Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/pho-chua-cay-xe-lang-son-ngon-la-o-sai-gon-20220625102943467.htm