Thị trường điện ảnh Việt đã xuất hiện những bộ phim được đầu tư kinh phí sản xuất lên đến 50 - 60 tỉ đồng, trong đó có việc đầu tư lớn cho bối cảnh khiến khán giả trầm trồ.
Công phu, bài bản
Với phim Em và Trịnh hay Trịnh Công Sơn, dù phần nội dung có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng không thể phủ nhận phim giàu cảm xúc nhờ hình ảnh được quay rất đẹp với những bối cảnh tái hiện thời thập niên 1960 với gác Trịnh, cầu Tràng Tiền..., hay hình ảnh hồi đầu thập niên 1990 của Nhà hát TP.HCM, chợ Bến Thành, nhà hàng nổi bên bến Bạch Đằng, dinh Độc Lập... Đạo diễn cũng chú trọng những tiểu tiết mỹ thuật ở phục trang, đạo cụ, từ vé tàu ở ga Huế, bao thư, hộp đựng kỷ vật đến những tờ nhạc ố màu thời gian. Nhà sản xuất Em và Trịnh cho biết đã mất tới 2 năm nghiên cứu, tìm tòi tư liệu và trải qua quá trình gian nan để phục dựng bối cảnh những năm 1960, 1990.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nói: “Thách thức lớn đến từ việc toàn bộ chuyện phim đều diễn ra trong quá khứ nên không thể tận dụng nhiều bối cảnh hiện đại sẵn có. Một trong những cảnh quay khó nhất thuộc giai đoạn Trịnh Công Sơn lên B’Lao (Lâm Đồng) dạy học. Ê kíp lấy bối cảnh tại một bìa rừng ở Tà Năng (Lâm Đồng), lối đi khó vào, phải di chuyển bằng xe công nông. Khi tổ thiết kế xây xong trường học mái lá trên một quả đồi và chuẩn bị quay, trường bất ngờ bị bão giật sập khiến đoàn phim phải chờ một tháng dựng lại bối cảnh. Còn với ngôi nhà Trịnh sống ở B’Lao, để tạo sự “hoang vu”, ê kíp đã vận chuyển hàng trăm cây bụi mọc hoang trên vách núi trồng lại xung quanh căn nhà. Ngoài ra, con đường dẫn vào nhà cũng được trải cỏ khô trộn với đất để tạo cảm giác lối mòn thường xuyên có người di chuyển. Với cảnh quay ở cà phê Tùng - Đà Lạt, ê kíp dựa vào tư liệu của gia đình chủ quán để tái dựng phần mặt tiền. Cột điện trụ tròn được bọc lại thành cột điện trụ vuông như xưa. Phần lề đường được thiết kế để tạo cảm giác phủ xi măng - thay vì gạch lát như hiện tại. Bảng cà phê Tùng được phục dựng, sơn màu đỏ”.
Phim 578: Phát đạn của kẻ điên vừa ra rạp hồi cuối tháng 3 của đạo diễn Lương Đình Dũng cũng dành kinh phí lớn trong số 60 tỉ đồng để quay hình ở nhiều bối cảnh có địa hình khó khăn và tập trung vào dựng cảnh ở phần hành động - những màn giao đấu căng thẳng. Bối cảnh VN hiện lên trong phim rất đẹp với những cung đường đèo dốc hiểm trở ở vùng rừng núi Tây Bắc như Sơn La, Yên Bái, đèo Đá Trắng (Hòa Bình), Tràng An (Ninh Bình), khung cảnh hoành tráng của màn đối đầu với hàng trăm container 30 tấn của cảng Đình Vũ (Hải Phòng)…
Khung cảnh xa hoa quý phái trong phim Gái già lắm chiêu. Đoàn phim cung cấp
Đầu tư mạnh cho cả phim “nhà giàu” lẫn “nhà nghèo”
Trước đó, khán giả cũng “lóa mắt” với bối cảnh tiền tỉ của Tiệc trăng máu, Gái già lắm chiêu phần 3 và 5: Những cuộc đời vương giả, Chị chị em em... khi phim bày ra vô số cảnh nội thất siêu sang, hàng hiệu chất đống… Không chỉ phim nói về giới nhà giàu mới cần bối cảnh tiền tỉ, mà phim về dân lao động như Bố già của Trấn Thành cũng có mức độ đầu tư cao cho những cảnh quay khi chịu chi mạnh tay, sẵn sàng xả nước tràn đường để quay cảnh phố ngập nước, hay phân đoạn tiêu tốn hơn 1 tỉ đồng quay one shot (1 cú máy) đặc tả hẻm nhỏ xô bồ giữa lòng Sài Gòn. Ngoài ra còn có Lật mặt: 48 giờ, Hai Phượng, Trạng Tí phiêu lưu ký... cũng chi lớn cho bối cảnh.
Phim Tiệc trăng máu khi quay đoàn phim đã tự dựng một căn hộ sang trọng với kinh phí 3 tỉ đồng vì không thể tìm được địa điểm ưng ý và muốn đáp ứng được tất cả các yêu cầu đặt ra
Đạo diễn NGUYỄN QUANG DŨNG
Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, phim Tiệc trăng máu khi quay đoàn phim đã tự dựng một căn hộ sang trọng với kinh phí 3 tỉ đồng vì không thể tìm được địa điểm ưng ý và muốn đáp ứng được tất cả các yêu cầu đặt ra. Theo anh, căn hộ trong phim không chỉ đơn thuần là một bối cảnh, nó còn như “xương sống” - là một nhân vật trong phim, chứng kiến toàn bộ sự việc để có tính kể chuyện. “Bối cảnh hoàn hảo nên việc chuẩn bị tiền kỳ được linh động hơn, ánh sáng cũng được kiểm soát một cách tốt nhất, diễn viên có thể tập trung tuyệt đối cho diễn xuất, giúp tiến độ làm phim được đẩy nhanh”, Nguyễn Quang Dũng nói lý do vì sao phải đầu tư mạnh khâu này.
Thực tế cũng đã có nhiều phim đầu tư lớn cho bối cảnh như Kiều của Mai Thu Huyền, Cậu Vàng - đạo diễn Trần Vũ Thủy…, hay cả như 578: Phát đạn của kẻ điên mới đây đã không thành công về chuyên môn lẫn doanh thu khi ra rạp. Tuy nhiên, việc chất lượng phim phải được nâng tầm thông qua khâu bối cảnh dụng công để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu thưởng thức của khán giả, thể hiện tính chuyên nghiệp của ê kíp đoàn phim là việc cần thiết và nên làm.
Theo Phan Cao Tùng/Thanh niên
https://thanhnien.vn/boi-canh-tien-ti-cua-phim-viet-post1469912.html