Từ gánh hàng rong đến tiệm cháo bàn ghế gọn gàng, cháo lòng Bà Út chỉ bán độc nhất món cháo lòng dân dã, vậy mà đã 80 năm... Cháo lòng Bà Út dù mấy lần chuyển dời địa chỉ vẫn hút khách nhiều thế hệ ở Sài Gòn.
Cháo lòng Bà Út là một trong những tiệm ăn lâu đời nhất Sài Gòn - Ảnh: MINH ĐỨC
Thật kỳ lạ là món cháo lòng vốn không hẳn thuộc về ẩm thực dân gian Việt Nam, mà xuất phát của nó có cả Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc, nơi người ta nấu cháo với các nguyên liệu tưởng như không ai "dòm ngó": sụn, thịt heo vụn, phần béo của ruột, gan, phổi...
Cháo lòng trong con mắt người bản xứ thường là món "nhậu" với rượu đế được nấu từ gạo. Ngày xưa, cháo lòng "rẻ bèo" bao nhiêu thì bây giờ, để chế biến các nguyên liệu nội tạng từ heo sạch, người đầu bếp phải vừa giỏi vừa có tâm bấy nhiêu.
Đổi dời địa chỉ tới bốn lần, nhưng vì vẫn quanh con đường Cô Giang nên thực khách vẫn trung thành với Bà Út - Ảnh: MINH ĐỨC
Khi nguồn nguyên liệu từ thịt heo ngày một tăng, thậm chí khó chọn mua, thì để nấu được món cháo lòng nấu huyết thơm ngon sạch sẽ chẳng hề dễ dàng, ngoại trừ dân chuyên nghiệp như bà Út, người đã truyền nghề cho đến đời cháu chắt của mình từ hơn 80 năm trước!
Vì giữ được độ vệ sinh đảm bảo, mùi vị không đổi mà người ta cứ quay về với cháo lòng Bà Út bất kể người đứng bếp giờ đã là con cháu của bà.
Nghe kể lại, tiệm cháo nhiều lần dời đổi địa chỉ nhưng món ngon thì kiểu gì khách cũng tìm tới, cuối cùng tiệm cháo cũng yên vị ở con đường yên tĩnh Cô Giang bên hông chợ Bến Thành.
Tô cháo có giá từ 45.000 đồng - Ảnh: MINH ĐỨC
Mở bán từ sáng sớm tới tận chiều tối, mỗi phần cháo đầy đủ bao gồm các nguyên liệu quen thuộc như tim, gan, lưỡi, bao tử, huyết, phèo, và đặc biệt là dồi chiên được làm theo công thức gia truyền, không huyết, vị ngọt nhẹ không ngấy.
Tất nhiên sẽ không thể thiếu chút giá tươi, một chén nước mắm nguyên chất đậm đặc được pha chút đường để hợp khẩu vị của các khách ưa thích khẩu vị miền Nam. Nếu thành phần làm nên món cháo lòng Bà Út không khác các tiệm cháo lòng, thì hương vị của nó ghi điểm với thực khách.
Dồi là đặc sản của quán, có bán riêng theo ký, phải đặt trước - Ảnh: MINH ĐỨC
Trong khi cháo được nấu huyết không bị nở do rang gạo từ trước, thì những tim, gan, lưỡi, bao tử, phèo... được làm mới hằng ngày, từ nguồn cung uy tín mà chỉ cần ngửi mùi thơm tự nhiên cũng khiến thực khách nhớ hoài.
Không như cháo lòng kiểu miền Bắc được nấu sệt, cháo lòng theo cách gọi chung của người miền Nam là cháo nấu huyết loãng nước, có màu huyết như hình, thường ăn kèm với bánh quẩy để chắc bụng. Muốn thơm ngon hơn thì cháo lòng không thể thiếu tiêu xay, hành lá, một ít ngò rí dậy mùi.
Tô cháo lòng huyết đậm đà hương vị quê hương - Ảnh: MINH ĐỨC
Cháo lòng vốn có vị mằn mặn vừa ăn, nhưng nếu đỡ ngán có thể chế thêm ít nước mắm chua ngọt để vị cháo bắt miệng, chén nước chấm này cũng được dùng ăn bánh quẩy.
Nhìn chung cháo lòng dễ ăn nhưng không dành cho những ai có hệ tiêu hóa kém vì các thành phần của cháo lòng khó tiêu hơn các thực phẩm khác.
Cháo lòng mau no nhưng cũng dễ đói. Có lẽ những ưu khuyết của món ăn dân dã này lại càng khiến nó thú vị và dễ đi vào lòng người, như chính cái tên.
Nắng hay mưa, tiệm cháo vẫn đón khách mỗi ngày - Ảnh: MINH ĐỨC
Theo Đức Noise/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/tiem-chao-long-khong-thay-mon-doi-vi-suot-80-nam-o-sai-gon-20220616073752298.htm