“Hôm nay những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn”, “Chúng ta đều có một sứ mệnh không được quên trong đời: ta đến cuộc đời này không phải để đau khổ và bất hạnh, mà để được hạnh phúc. Mọi người hãy hạnh phúc nhé!”...
Đó là dòng chữ lan tỏa năng lượng tích cực trên tấm biển treo ở cao ốc bên đường tàu điện chạy qua, to vừa đủ để những ai (cụ thể là 3 chị em nhân vật chính vốn sống ở quê, mỗi sớm mai đi tàu lên thành phố làm việc) đều có thể đọc được, trong Nhật ký tự do của tôi (My liberation notes), và dòng chữ đầy phấn chấn hiện lên giữa hòn đảo Jeju xinh đẹp thay cho lời kết phim Blues nơi đảo xanh (Our Blues, vừa kết thúc cuối tuần qua). Cả hai phim đều thuộc top đầu trong 10 chương trình/phim được yêu thích trên một nền tảng chiếu phim tại VN, nằm trong số những phim có tỷ suất người xem cao nhất tại thời điểm phát sóng ở Hàn Quốc. Cũng như Điệu Cha-Cha-Cha làng biển (Hometown Cha-Cha-Cha, 2021) hay Hospital Playlist (2020 và 2021), Điên thì có sao (It’s okey to not be okey, 2020), Khi hoa trà nở (When the camellia blooms, 2019)..., trong những bộ phim thật bình dị, nhẹ nhàng mà tinh tế và tiệm cận tâm lý, cảm xúc người xem ấy, tinh thần chữa lành (healing) len lỏi và neo giữ, kết nối thật đẹp giữa hiện thực và phim ảnh.
Nhật ký tự do của tôi là hành trình chữa lành, cứu rỗi và giải phóng chính bản thân đối với người xem
Những trang “nhật ký”, những điệu cha-cha-cha, blues tuy không lôi cuốn ngay từ đầu, cũng không đầy drama hay gây sốc khiến khán giả phải chú ý ngay, nhưng bằng những gì bình thường nhất, chân thực (đến khắc nghiệt) nhất, cứ thế xâm lấn dần vào tâm trí những ai lỡ “ghé mắt”. Để rồi từ khi nào, dòng phim ấy bỗng chuyển hóa thành hành trình tự giải tỏa sự bức bối, xoa dịu nỗi cô đơn, chữa lành những thương tổn, lấp đầy những thiếu thốn và giải phóng chính bản thân mình. Khi những bộ phim này kết thúc, mạng xã hội hiện lên không ít những dòng trạng thái bày tỏ sự xúc động, vì thời gian xem phim cũng là khoảnh khắc cảm thấy bình yên, dễ chịu, thoải mái khi được giải tỏa, được đối diện và vượt qua nỗi buồn/đau, tìm thấy mục đích sống và được tiếp thêm niềm hy vọng…
Theo biên kịch - nhà sản xuất Lê Thị Kiều Nhi (Giám đốc YA Film): “Phim chữa lành là bộ phim phản ánh đúng những thực trạng và vấn đề tâm lý xã hội đang hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, và ẩn trong đó là những thông điệp rất đời mà có khi mỗi người vì lý do nào đó bỏ qua hay lãng quên. Nếu một bộ phim đánh đúng vào tâm lý sẽ tạo được sức hút và lôi kéo đông đảo khán giả quan tâm hơn so với các phim thông thường”. Bà ví dụ, Gạo nếp gạo tẻ hay Về nhà đi con vì sao được quan tâm nhiều, bởi đó là những câu chuyện rất đời thường và phản ánh đúng tâm lý của hiện trạng xã hội khiến ai cũng thấy mình đâu đó trong phim, để xem xong, dường như ai cũng muốn sống tốt hơn, cho chính mình lẫn cho người thân.
Thế nhưng, những bộ phim có tính chữa lành như thế của ta chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cảnh phim chạm cảm xúc người xem trong Blues nơi đảo xanh
Thiếu sự quan tâm đến sức khỏe tinh thần
“Tôi không nghĩ phim về đề tài chữa lành là “quá khó” với các nhà làm phim Việt, ở phương diện chuyên môn nghề nghiệp. Điều khiến cho phim về đề tài này thiếu ở VN là vì chúng ta thiếu sự quan tâm đến vấn đề sức khỏe tinh thần. “Chúng ta” ở đây là xã hội nói chung, và khán giả - nhà đầu tư - nhà làm phim nói riêng”, đạo diễn Khoa Nguyễn (đạo diễn phim Người lắng nghe: Lời thì thầm, tác phẩm điện ảnh có yếu tố chữa lành) nhìn nhận. Theo anh, về mặt thị trường phim Việt, rõ ràng các bộ phim có đề tài đơn giản, nhẹ nhàng, dễ xem, dễ hiểu như: tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, thanh xuân vườn trường… đang chiếm ưu thế; và khán giả vẫn chuộng xem các bộ phim được kể “trực quan sinh động” hơn là các bộ phim đi sâu vào những vấn đề nội tâm để chia sẻ và chữa lành.
Đạo diễn Khoa Nguyễn cho rằng, điều quan trọng nhất với một bộ phim, đặc biệt là phim về đề tài chữa lành, vẫn chính là kịch bản. “Đó phải là một kịch bản vừa mang câu chuyện hấp dẫn, vừa có được sự đúng đắn về mặt khoa học, ở phương diện tâm lý và chữa lành. Có được cả hai là đã khó, lại phải dung hòa được cả hai càng khó hơn”, anh cho biết, và nói thêm rằng: “Diễn viên chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả kể chuyện của phim, đặc biệt là phim chữa lành. Bởi phim ở đề tài này, khán giả cần tìm thấy sự đồng cảm sâu sắc giữa mình với nhân vật, với câu chuyện được kể, từ đó mới tìm thấy được sự xoa dịu trong và sau khi xem phim. Vậy nên, chất lượng diễn xuất của diễn viên - người thổi hồn cho nhân vật và câu chuyện, sẽ là yếu tố quyết định phần lớn cho sự đồng cảm và được xoa dịu của người xem. Mà thực tế, hiện trạng diễn viên nhiều mà vẫn thiếu ở ta vẫn còn là điều “khổ lắm nói mãi”.
Ở góc độ người viết, nhà văn - biên kịch Hạnh Ngộ cho biết, chị cũng trăn trở không ít khi dòng phim chữa lành bị bỏ ngỏ; bởi không chỉ khi đại dịch xảy đến mà trước đó, hay cả sau này, bản thân mỗi người đều có những mất mát, buồn đau, tổn thương cần được vỗ về, an ủi, mà phim ảnh có chức năng và khả năng làm tốt những điều đó. “Được chia sẻ trong kịch bản những điều này là niềm hạnh phúc của người viết, người làm phim, nhưng để hiện thực hóa nội dung này thì quá ít và cũng hơi manh mún”, chị nói. “Có thể đã và đang có các nhà sản xuất tiến hành mà chưa công bố. Dù vậy, tôi rất cảm ơn sự nhắc nhở về nội dung đang thiếu khuyết này, đây cũng là một tham khảo để nhà làm phim có thể quan tâm hơn, mạnh dạn hơn, nhìn nhận đúng hơn giá trị mà dòng phim này mang lại, để làm điều gì đó thiết thực hơn”, nhà biên kịch Hạnh Ngộ cho biết và tiết lộ, một bộ phim chữa lành do chị viết kịch bản, gồm 8 tập, đã hoàn thành, đang kết nối với các đơn vị phát sóng để ra mắt.
Theo Nguyên Văn/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/bo-ngo-dong-phim-chua-lanh-post1468696.html