Tháng 5 vừa rồi, bạn tôi than: "Đi nhà hàng nào cũng thấy măng tây 7 món". Nước Anh đang ở đỉnh mùa măng tây hằng năm, diễn ra trong vài tuần, kéo dài tới cuối tháng 6.
Tôi đáp: "Cậu sướng mà không biết đường hưởng, ăn một thức vào đúng thời điểm đỉnh cao hương vị của nó là một phúc lành".
Tôi nói vậy bởi những nhà "tương lai học của thực phẩm" gần đây đưa ra những viễn cảnh, mà với họ, là một thế giới ăn uống ly kỳ dưới ánh sáng chói lọi của công nghệ thực phẩm tân tiến, còn với tôi là sự cáo chung của niềm vui ăn uống.
Tất nhiên, Lisa Dyson, CEO và đồng sáng lập của Air Protein - một công ty khởi nghiệp tại California (Mỹ), không đồng ý với tôi. Air Protein sử dụng protein tạo từ không khí thông qua quá trình biến đổi CO2 thành nguyên liệu có thành phần dinh dưỡng tương tự protein động vật - một công nghệ mà NASA từng ấp ủ từ thập niên 1960 để giải quyết vấn đề dinh dưỡng cho phi hành đoàn trong những chuyến bay dài ngày vào vũ trụ.
Hàng chục, hàng trăm triệu đôla đang được đầu tư vào các protein thay thế và thứ thịt từ không khí này, mà các nhà phát minh hào hứng, có thể là một trong những chìa khóa để nuôi sống 9,8 tỉ người trên thế giới vào năm 2050.
Hiện có hơn 2 tỉ người mà thế giới này không thể nuôi nổi theo nghĩa đơn sơ nhất là đủ thức ăn cho họ. Liên Hiệp Quốc dự đoán con số này còn tăng nhanh nữa dưới sức ép khốc liệt của biến đổi khí hậu.
Nếu hành tinh này ấm lên 2,7oC vào năm 2040 như dự đoán, hệ quả sẽ rất tàn khốc. Và giờ thì hạn hán đang diễn ra, lũ lụt, thời tiết khắc nghiệt, khủng hoảng lương thực… tất cả đều đã có trên bàn nghị sự chính trị.
Chỉ có điều, trên bàn ăn thì rất có thể rồi sẽ không bao giờ thấy cọng măng tây mập mạp mà bạn tôi đang được ăn (mà lại còn chê) ở Anh, hay bơ California - thứ quả đang bị dự báo là sẽ tuyệt chủng vào năm 2050.
Và rồi trên bàn ăn tương lai, buổi sáng sẽ có một tách trà làm bằng nguyên liệu tổng hợp trộn chất tanin, một đĩa bánh xốp được tiêm các chất dinh dưỡng chuyên biệt.
Bữa trưa là món cá mà Đại học Touro đã tìm tạo ra bằng cách nhúng cơ cá vàng vào huyết thanh bò hoặc món bánh rau mầm của Chloe Rutzerfeld được lấy ra từ máy in 3D với lớp vỏ làm bằng bột có chứa đất ăn được, bên trong có các loại hạt nảy mầm, chui ra khỏi các lỗ nhỏ trên vỏ bánh. Bữa tối là thịt giả.
Và thực đơn cho tương lai đại loại như sau:
Năm 2032, tức 10 năm nữa, các cửa hàng tạp hóa sẽ tích trữ protein nuôi cấy tế bào. Tế bào gốc được thu thập, đưa vào lò phản ứng sinh học và cung cấp các chất dinh dưỡng như glucose để chúng phát triển thành thịt gà, thịt bò, thịt heo và thậm chí cả vịt.
Mấy loại thịt thay thế hiện nay - những món thực ra là mô phỏng thịt, được làm từ nguyên liệu thực vật - sẽ nhanh chóng thành "xưa rồi Diễm".
Bởi mấy món protein này không cần trang trại để trồng, không thải khí methane, không gây ra vấn đề như xử lý phần thải bỏ của động vật khi giết lấy thịt, ít có khả năng chứa vi khuẩn như salmonella.
Đấy sẽ là hamburger nuôi cấy từ tế bào, như của Upside Foods, được "pha chế gia giảm" trong phòng thí nghiệm ở Berkeley, California. Đấy là phô mai được làm từ bột protein không có nguồn gốc từ bò đã được cấp bằng sáng chế. Đấy là món Hummus được làm bằng đậu gà đã được chỉnh sửa gene.
Hay salad ăn kèm với xà lách romaine lấy từ một trang trại thẳng đứng trong trung tâm thành phố đông đúc (nơi dân số được dự đoán sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050) vốn không cần đất, khỏi cần luôn cả ánh nắng lẫn mưa. Một ly nước siêu lọc từ các nguồn nước hiếm hoi còn lại (cả nước thải, tất nhiên). Côn trùng hơi khó nấu nướng nên sẽ ở dạng bột hay viên để nuốt ực cái là xong.
Mà nhai hay nuốt cũng có thể rồi khỏi cần. Tảo biển với các amino acid và omega-3 quý giá sẽ không nuôi trồng kịp để đáp ứng số miệng ăn tăng lên ầm ầm, thế thì con người có thể tự trồng tảo trong khi thở khi đeo một chiếc mặt nạ đặc biệt. Cuộc sống cộng sinh với tảo thông qua thiết kế đặc biệt đó sẽ cho phép con người có khả năng bán quang hợp, trở nên giống thực vật bằng cách lấy thức ăn từ ánh sáng.
"Tại sao phải đi tìm lắm loại thức ăn mới dựa trên những gì chúng ta có một cách rất hữu hạn bây giờ, nếu ta có thể thiết kế lại cách chúng ta cung cấp nhiên liệu cho cơ thể một cách đầy đủ?" - Michael Burton & Michiko Nitta, hai tác giả của Algaculture - dự án khoa học viễn tưởng, nơi nghệ thuật truyền cảm hứng cho các nhà khoa học nói trên - đã hỏi rất nghiêm túc và nhận được không ít gật gù.
Vào năm 2042, tức 20 năm nữa, thì nỗi ấm ức của nhiều bà nội trợ hiện nay sẽ giải tỏa hết. Sẽ chẳng cần (và chưa chắc có cơ hội) nấu một nồi thịt kho hột vịt hay tô canh chua chà bá cho bữa cơm chung toàn gia với 5-6 miệng ăn nữa.
"Dinh dưỡng được cá nhân hóa" - cụm từ thời thượng này đang trồi lên trên bề mặt truyền thông của ngành thực phẩm. Hãy nhớ tới gương mặt hài lòng của trưởng bộ phận R&D của PepsiCo khi giới thiệu một miếng dán trên da - thứ sẽ báo cho bạn biết khi nào bạn cần bổ sung nước, chất điện giải và nhiều dưỡng chất khác, nôm na nhanh gọn là uống ngay một chai Gatorade của họ.
Và rồi buổi chiều, chiếc đồng hồ đeo tay sẽ kêu bíp bíp, báo hiệu lượng natri của bạn đang cao và gần đó một chỗ bán một tube thức uống giải quyết ngay nguy cơ tăng huyết áp này.
Ấy thế mà bạn tôi lại chê món măng tây thơm ngon đúng mùa và người Singapore vẫn đang trong cơn bực bội vì không có gà tươi cho món cơm gà quốc hồn...
Theo Thủy Tiên/ Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/mang-tay-com-ga-va-tuong-lai-an-uong-20220613103222082.htm