Sau bài viết “Về hình ảnh khu bảo tồn biển Hòn Mun xác xơ, ban quản lý nói gì?” đăng trên Tuổi Trẻ Online, nhiều bạn đọc thắc mắc hiện trạng thực tế của rạn san hô ở Hòn Mun như thế nào? Nguyên nhân và cách bảo vệ vịnh san hô đẹp nhất Việt Nam.
Những rạn san hô ở Hòn Mun xác xơ và không có nhiều sinh vật biển - Ảnh: MAI KHA
Tan hoang rạn san hô ở vịnh Nha Trang
Mấy ngày nay, dư luận bất ngờ trước hình ảnh san hô ở quanh đảo Hòn Mun - vùng lõi khu bảo tồn vịnh Nha Trang bị tàn phá nghiêm trọng.
Anh Mai Hoàng Kiên Kha, một thợ lặn có hơn 10 năm kinh nghiệm ở TP Nha Trang, cho biết khu vực đông bắc Hòn Mun (hay còn gọi là bãi Mama Hạnh) khá nổi tiếng vì san hô đẹp và nhiều du khách lặn biển để ngắm. Tuy nhiên, dưới đáy biển hiện tại san hô chết phủ trắng hàng trăm mét vuông.
"Tôi rất đau lòng khi tưởng rằng do dịch COVID-19, con người ít đến thì san hô sẽ phát triển nhưng thực tế san hô lại chết. Mà trong các tác nhân lớn có con người.
Vịnh Vân Phong cách đó không xa nhưng rạn san hô vẫn phát triển tốt. Trong khi khu bảo tồn Hòn Mun vừa được bảo vệ, lại kín gió thì san hô chết hàng loạt", anh Kha nói.
San hô bị gãy, hư hại hàng loạt - Ảnh: MAI KHA
Gần 20 năm đưa học viên nhặt rác nơi đáy biển, anh Nguyễn Văn Đức rất đau lòng khi thấy những rạn san hô trong vịnh Nha Trang bị hủy hoại.
"Tôi vừa mới lặn ở Hòn Mun cách đây 2 hôm, thấy san hô chết khoảng 70 - 80%. Nếu như các loài gây hại cho san hô như cầu gai hay sự nóng lên toàn cầu thì nó đã tồn tại từ rất lâu và độ ảnh hưởng của nó không nhiều và gây chết hàng loạt trong thời gian ngắn như vậy", anh Đức than vãn.
Theo anh Đức và một số hướng dẫn viên du lịch, cứ khoảng 17h - 18h, nhiều tàu cá lại thả lưới trong khu vực bảo tồn làm gãy, đổ san hô. Một số ngư dân còn lặn xuống biển bơm cyanua để bắt cá. Họ không biết rằng lớp vỏ polyp của san hô sẽ chết hàng loạt khi tiếp xúc với hóa chất.
Bên cạnh đó, các tour du lịch đưa khách ra đảo không quản lý chặt khách tự ý lặn, giẫm đạp bẻ san hô. Hơn hết những rác thải do con người xả ra cũng đang "giết" các rạn san hô khi rác bám vào khiến san hô không thể quang hợp.
"Thiên nhiên luôn có cách tự chữa lành vết thương, như Thái Lan họ sẵn sàng đóng cửa vịnh Maya gần 3 năm để bảo vệ và phục hồi san hô. Cái cần làm là chúng ta phải quy hoạch du lịch bài bản như 6 tháng chúng ta mở cửa cho khách, 6 tháng còn lại đóng cửa để cho vịnh phục hồi. Bên cạnh đó giáo dục ý thức của người dân phải biết bảo vệ môi trường, hệ sinh thái", anh Đức nói.
Vỏ bim bim che lên những rạn san hô khiến chúng không thể quang hợp - Ảnh: VĂN ĐỨC
Những mớ lưới thừa đang giết dần sinh vật biển - Ảnh: VĂN ĐỨC
Mỗi lần lặn biển anh Đức phải nhặt hàng ký rác thải - Ảnh: VĂN ĐỨC
Đừng đổ lỗi hoàn toàn do thiên nhiên!
Theo ông Huỳnh Bình Thái - trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang, sự suy thoái rạn san hô là kết quả bởi nhiều yếu tố như tăng nhiệt độ toàn cầu, mưa bão, sự bùng phát của các loài địch hại.
Khí hậu trái đất nóng lên, nhiệt độ nước biển tăng nên xảy ra hiện tượng tẩy trắng san hô (coral bleaching), gây những tác động nghiêm trọng với hệ sinh thái rạn san hô trên toàn thế giới. Đối với vịnh Nha Trang, năm 2020 tỉ lệ san hô cứng bị tẩy trắng lên đến 39,5%.
Cũng theo ông Thái, đợt khảo sát đầu năm nay lượng rạn san hô ở Hòn Mun dưới mức trung bình.
Trước đó, tháng 6-2020, dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến dịch vụ du lịch giảm, độ phủ san hô sống lên đến 61%. Song hiện nay khu vực đông nam đảo Hòn Mun, độ bao phủ san hô chỉ còn 14,5%.
Khu vực tây nam của Hòn Mun có tỉ lệ bao phủ san hô chỉ còn 7,8%. Khu vực tây bắc đảo Hòn Mun, nước sâu hơn 3m nên ít tình trạng gãy đổ, san hô chỉ còn 24,6%. Khu vực đông bắc, tỉ lệ bao phủ san hô đạt mức 41%.
Những mớ lưới đánh cá làm gãy, đổ các nhánh san hô - Ảnh: VĂN ĐỨC
Ông Nguyễn Tác An, nguyên viện trưởng Viện Hải dương học, cho rằng nguyên nhân san hô chết bên cạnh sự ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu… còn có tác động của các công trình xâm lấn biển.
Quá trình san lấp, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch và dân sinh tại các vùng ven bờ và ven đảo không chỉ làm mất diện tích rạn san hô mà còn đưa lượng trầm tích ra biển, gây lắng đọng trên bề mặt rạn làm san hô bị chết.
San hô mềm được nuôi nhân tạo tại Viện Hải dương học - Ảnh: MINH CHIẾN
Nuôi cấy san hô - giải pháp chữa lành hệ sinh thái biển
Ông Hồ Sơn Lâm - phó trưởng phòng kỹ thuật nuôi sinh vật biển, Viện Hải dương học - cho biết viện vừa thử nghiệm thành công sinh sản 3 loài san hô mềm (Sinularia, Sarcophyton, Cladiella) và loài hải quỳ (Stichodactyla haddoni) bằng phương pháp cắt mảnh.
"Phương pháp cắt mảnh san hô mềm và hải quỳ là biện pháp tạo ra số lượng lớn san hô, hải quỳ. Từ đó làm cơ sở cho việc xây dựng vườn ươm ở quy mô lớn giảm áp lực khai thác tự nhiên. Bên cạnh đó, sinh sản nhân tạo các đối tượng này góp phần bảo tồn, lưu giữ nguồn gene một cách hợp lý và bền vững. Đây cũng có thể là nguồn nguyên liệu cho quá trình phục hồi rạn san hô.
Trước đó Viện Hải dương học đã thử nghiệm phục hồi san hô ở vịnh Nha Trang và xác định 9 loài san hô cứng có khả năng phục hồi với tỉ lệ sống đạt trên 60%. Kết quả thử nghiệm được xem góp phần khôi phục các rạn san hô.
Nha Trang nhờ chuyên gia tìm phương án phục hồi rạn san hô
Chiều 11-6, lãnh đạo UBND TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã giao Ban quản lý vịnh Nha Trang làm việc với Viện Hải dương học, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga… để nhờ các nhà khoa học đánh giá, xác định nguyên nhân và tìm phương án phục hồi bảo tồn rạn san hô và hệ sinh thái tại vịnh Nha Trang.
"Tuần tới chúng tôi sẽ họp các ngành để sơ bộ đánh giá, tìm nguyên nhân, từ đó bàn giải pháp phục hồi và bảo tồn" - lãnh đạo TP Nha Trang cho hay.
Ông Huỳnh Bình Thái - trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang - cũng cho hay ngày 12-6, ban quản lý vịnh cùng một số đơn vị liên quan, các nhà khoa học sẽ đi khảo sát các khu vực san hô hư hại để đưa ra phương án xử lý.
Ban quản lý vịnh đã được UBND tỉnh giao phối hợp Viện Hải dương học thực hiện việc cấy, nuôi và phục hồi các rạn san hô dưới đáy biển.
Một tấm lưới đánh cá rớt ngay trên bề mặt san hô - Ảnh: MAI KHA
Những lon bia, vỏ chai kẹt giữa các rạn san hô - Ảnh: VĂN ĐỨC
San hô chết không phải hoàn toàn từ yếu tố thiên nhiên - Ảnh: MAI KHA
Các loài san hô khác được nuôi nhân tạo tại Viện Hải dương học - Ảnh: MINH CHIẾN
Phương pháp cắt mảnh san hô, hải quỳ sẽ là giải pháp để phục hồi hệ sinh thái bị tổn thương ở vịnh Nha Trang - Ảnh: MINH CHIẾN
Theo Minh Chiến/ Tuổi trẻ
https://dulich.tuoitre.vn/noi-dau-san-ho-chet-o-vinh-nha-trang-cuu-ngay-bay-gio-hoac-khong-bao-gio-20220611193141727.htm