Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc tiền kiểm phim trên mạng là bất khả thi, nhưng cũng có những lo ngại việc gỡ nội dung sai phạm trên mạng không còn nhiều ý nghĩa vì người xem đã kịp tải xuống.
Ngày 25/5, cho ý kiến tại hội trường về dự án Luật Điện ảnh sửa đổi, đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) nêu thực trạng phim chiếu rạp và phim truyền hình chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ, nhưng phim trên mạng gần như không chịu sự kiểm soát nào.
Do vậy, theo đại biểu, quy định như dự án luật về phổ biến phim trên không gian mạng là rất phù hợp với điều kiện hiện nay. Tuy vậy, để có nguồn nhân lực, kỹ thuật kiểm soát phim trên không gian mạng, đại biểu kiến nghị trong luật cần bổ sung nội dung Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông.
Cùng vấn đề trên, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho rằng, đối với một xã hội số, một không gian mạng mênh mông, không biên giới như hiện nay, thì việc quy định tiền kiểm phim trên không gian mạng là bất khả thi và không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, cần có sự bình đẳng giữa điện ảnh Việt Nam với các dịch vụ OTT (Ảnh: Quốc Chính).
Do vậy, đại biểu đồng tình với quy định hậu kiểm đối với hình thức phổ biến phim trên không gian mạng. Đồng thời bổ sung một số nội dung quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phổ biến phim, gỡ bỏ phim vi phạm, biện pháp quản lý phim, phổ biến phim trên mạng để tạo cơ sở cho công tác hậu kiểm.
Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) nhiều dịch vụ OTT xuyên biên giới đang ngang nhiên tấn công vào tâm thức người xem. Đại biểu lấy ví dụ cụ thể từ khi xâm nhập thị trường Việt Nam, Netfix đã phổ biến ít nhất 3 phim có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ đất nước. Từ phim "Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta" đến "Bà Ngoại trưởng" và gần đây nhất là "Bill Gates".
"Gỡ bỏ các nội dung sai phạm là một việc làm không nhiều ý nghĩa vì người xem đã kịp tải xuống để đăng tải trên các nền tảng khác", đại biểu Phạm Trọng Nhân nói và đề nghị ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra và tra Quốc hội cân nhắc kỹ việc hậu kiểm với việc phổ biến phim trên không gian mạng, để làm thế nào khi luật có hiệu lực thì các nền tảng xuyên biên giới không có bất kỳ cơ hội nào xâm lấn bờ cõi tư tưởng văn hóa người xem.
"Nên bỏ nguyên tắc tiền kiểm đối với điện ảnh Việt Nam"
Còn theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM), với những quy định về cấp phép kiểm duyệt, kiểm soát, phân loại phải bình đẳng giữa điện ảnh trong nước và nước ngoài tại Việt Nam với các nền tảng OTT (dịch vụ gia tăng trên nền tảng Internet: phát thanh, truyền hình, nhắn tin…) cung cấp sản phẩm điện ảnh xuyên biên giới qua các mạng xã hội.
"Tiền kiểm cùng tiền kiểm, hậu kiểm cùng hậu kiểm. Tất nhiên, đối với các nền tảng OTT xuyên biên giới thì cách thức kiểm soát cũng phải phù hợp với điều kiện công nghệ và khoảng cách địa lý, nhưng phải bảo đảm nguyên tắc bình đẳng với điện ảnh trong nước nếu họ xâm nhập thị trường Việt Nam", ông Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm.
Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường việc tiền kiểm phim trên mạng là khó khả thi.
Tranh luận với đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) cho biết, cá nhân ông thống nhất với dự thảo luật đã chỉnh lý theo hướng giao chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng (không phân biệt OTT trong nước hay OTT xuyên biên giới) tự phân loại, chịu trách nhiệm phân loại, còn cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hậu kiểm.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, phương án trên đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng và được đa số đại biểu Quốc hội đồng tình.
Đại biểu đoàn Quảng Bình đánh giá, dịch vụ OTT có nhiều ưu điểm và cũng rất khác với phim chiếu rạp. "Số lượng phim rất lớn, liên tục cập nhật qua dịch vụ này, nếu tiền kiểm thì khó khả thi và bảo đảm tính kịp thời. Hiện nay, một năm chúng ta mới kiểm duyệt 350 phim còn tồn đọng, thì với hàng nghìn phim thì việc này sẽ rất khó khả thi", đại biểu Cường nêu quan điểm.
Đại biểu đoàn Quảng Bình còn cho rằng, việc tiền kiểm có những hạn chế là làm cho doanh nghiệp OTT mất chủ động, người dân mất cơ hội tiếp cận nhiều phim hơn, tiếp cận sớm đối với phim, làm tăng chi phí kiểm duyệt, tăng thủ tục tuân thủ.
Tranh luận với ý kiến của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, nội dung phát biểu của ông là đề nghị nguyên tắc bình đẳng giữa điện ảnh trong nước với các dịch vụ OTT. Vì điện ảnh trong nước thì buộc phải tiền kiểm nên bị ràng buộc, trói buộc, cản trở làm mất đi sức cạnh tranh với dịch vụ OTT.
Do đó, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, để bình đẳng với dịch vụ OTT, chúng ta cũng nên bỏ nguyên tắc tiền kiểm đối với điện ảnh Việt Nam. "Nếu sai phạm ở Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có khả năng xử lý, có khả năng ngăn chặn", ông Nghĩa nói và tin rằng, các nhà sản xuất điện ảnh Việt Nam luôn có trách nhiệm tuân thủ đến mức cao nhất với tác phẩm để giành lấy khán giả trên thị trường trong nước.
Phát biểu tiếp thu, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, ban soạn thảo đã cố gắng ghi chép một cách đầy đủ, trên tinh thần cầu thị, tiếp thu một cách nghiêm túc các ý kiến đại biểu đóng góp.
"Chúng tôi nghĩ rằng đây là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm với một mong muốn có một Luật Điện ảnh vừa đáp ứng được cả hai chuyên ngành thể hiện lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và đồng thời thể hiện cả một lĩnh vực kinh tế", ông Hùng nói.
Theo Quang Phong/ Dân trí
https://dantri.com.vn/van-hoa/so-luong-phim-tren-mang-rat-lon-neu-tien-kiem-kho-kha-thi-20220526005659335.htm