NSƯT Thanh Tú khóc nghẹn ngào trong đám tang nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương. Trong trí nhớ của mọi người, có một nhà biên kịch Lê Phương sống giản dị, khiêm nhường.
Lễ tang nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương bắt đầu diễn ra vào 7h30 sáng nay (20/05) tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 8h45 cùng ngày. Sau đó, thi hài của nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương sẽ được hỏa táng tại nghĩa trang Công viên Thiên Đức, Phù Ninh, Phú Thọ.
Trong trí nhớ của mọi người có một nhà biên kịch Lê Phương sống giản dị, khiêm nhường (Ảnh: Hữu Nghị).
Ông Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tới viếng nhà biên kịch Lê Phương (Ảnh: Hữu Nghị).
Ông Nguyễn Thế Kỷ viết sổ tang, ghi nhận những đóng góp quan trọng của nhà biên kịch Lê Phương và chia buồn cùng bà quả phụ (Ảnh: Hữu Nghị).
NSND, đạo diễn Đặng Nhật Minh (đứng thứ 2 từ phải sang, hàng đầu) tới viếng người đồng nghiệp (Ảnh: Hữu Nghị).
NSƯT Thanh Tú tới viếng nhà biên kịch Lê Phương (Ảnh: Hữu Nghị).
NSƯT Thanh Tú khóc nghẹn ngào thương tiếc ông (Ảnh: Hữu Nghị).
NSƯT Quỳnh Trang dẫn đầu Đoàn Nghệ thuật múa đương đại Việt Nam viếng nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương (Ảnh: Hữu Nghị).
Trong không khí của buổi tang lễ, nhiều người có mặt đã xúc động khi nhớ về nhà biên kịch Lê Phương (Ảnh: Hữu Nghị).
Nhà biên kịch Trịnh Thị Thanh Nhã, vợ của nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương xót xa tiễn biệt chồng. Bà Thanh Nhã chia sẻ với PV Dân trí, Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Điện ảnh Việt Nam phối hợp cùng gia đình tổ chức tang lễ, tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đọc điếu văn.
Nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương từ biệt cõi tạm để lại nhiều thương (Ảnh: Facebook Trịnh Thanh Nhã).
Nhà văn Lê Phương tên thật là Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1933 tại làng Thiết Úng, thôn Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ông tham gia quân đội năm 16 tuổi, từng gia nhập đơn vị khảo sát chuẩn bị chiến trường cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Năm 23 tuổi, ông hoạt động trong vai trò một chiến sĩ đặc tình thuộc Cục Bảo vệ chính trị Bộ Quốc phòng.
Năm 1960, ông trở thành nhà báo rồi nhà văn chuyên viết về công nhân. Bất khuất là cuốn tiểu thuyết đầu tiên về vùng mỏ của Lê Phương được Nhà xuất bản Lao động in lần đầu năm 1963.
Nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương qua đời lúc 20h44 tối 14/5, hưởng thọ 90 tuổi (Ảnh: Facebook Trịnh Thanh Nhã).
Năm 1977, nhà văn Lê Phương bắt đầu đến với ngành điện ảnh. Ông viết không nhiều, nhưng mỗi bộ phim được làm từ kịch bản của ông đều để lại những ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả như Nơi gặp gỡ của tình yêu hay những kịch bản được chính ông chuyển thể từ tiểu thuyết của mình (Cơn lốc biển chuyển thể từ tiểu thuyết Bất khuất)… Biệt động Sài Gòn cũng chính là tác phẩm thành công nhất do Lê Phương viết kịch bản.
Từ sau năm 1990, ông bắt đầu viết phim truyền hình, nổi tiếng với bộ Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ. Sau đó, ông cùng bà xã Trịnh Thanh Nhã viết chung nhiều phim dài tập như Ngã ba thời gian, Con nhện xanh, Mã số thần kỳ, Nước mắt đàn bà, Tổ ấm, Chiều không nhạt nắng...
Theo Phương Nhung và Hương Hồ/ Dân trí
https://dantri.com.vn/van-hoa/nsut-thanh-tu-oa-khoc-trong-le-tang-nha-bien-kich-phim-biet-dong-sai-gon-20220519230203129.htm