Gần đây, chất Việt đã được nâng niu nhiều hơn trong mỗi tác phẩm điện ảnh lẫn truyền hình. Khán giả đã được thưởng thức nhiều phim có nội dung hay từ các chất liệu văn hóa riêng, ngay cả khi đó là phim Việt hóa
Hầu hết các thị trường phim trong khu vực và trên thế giới đều nỗ lực xây dựng cho mình nét riêng, để khi nhắc đến khán giả có thể nhớ ngay.
Nâng niu chất Việt
Hollywood nổi bật những "bom tấn" hoành tráng, khai thác dày đặc chủ đề siêu anh hùng, mang đến sự tiên phong trong công nghệ làm phim. Hàn Quốc đậm nét bản địa từ những chủ đề xã hội hiện đại cho đến phim cổ trang. Thái Lan thành danh với phim kinh dị pha hài hước; còn phim Việt thì vẫn đang nỗ lực xây dựng nét đặc trưng riêng.
Việc tăng yếu tố bản địa là tín hiệu vui trong hành trình không hề dễ dàng này. Văn hóa Việt - chất liệu tạo nên yếu tố bản địa, mang đến sự gần gũi và chân thật cho người xem, gần đây đã được khai thác nhiều hơn trên màn ảnh.
Phim “Đêm tối rực rỡ” đậm chất Việt. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Một số phim điện ảnh tăng yếu tố bản địa có "Chuyện ma gần nhà", "Nhà không bán", "Đêm tối rực rỡ", "Nghề siêu dễ"… Phim "Chuyện ma gần nhà" khai thác những truyền thuyết đô thị Việt với câu chuyện truyền miệng về "cô Mía" trên xe nước mía quen thuộc, chuyện về ông kẹ và nhà ngoại cảm với yếu tố tâm linh không xa lạ cùng khán giả. Phim "Nhà không bán" tập trung vào những yếu tố tâm linh trong căn nhà cổ ở miền Tây cùng câu chuyện về những biến cố xoay quanh gia đình hội đồng xưa.
Phim "Đêm tối rực rỡ" đậm nét văn hóa Việt nhất khi mô tả chân thật phong tục tang ma của gia đình trung lưu miền Nam, tạo bối cảnh độc đáo cho việc đả phá những lề thói xấu: tư tưởng trọng nam khinh nữ, bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em, mê cờ bạc, vay nặng lãi… Phim "Nghề siêu dễ" là tác phẩm Việt hóa nhưng thay đổi 70% nội dung bản gốc, để tạo nên một câu chuyện gần gũi với người Việt. Phim nâng cấp phần ẩm thực, đưa yếu tố này trở thành điểm nhấn để quảng bá tác phẩm thông qua món cơm tấm sườn bò nướng vị phở.
"Tôi nghĩ ra ý tưởng về việc kết hợp giữa 2 hương vị truyền thống là phở và cơm tấm để tạo ra món ăn đặc trưng phong cách Việt cho phim. Tôi có trò chuyện cùng chuyên gia ẩm thực là Masterchef Việt Nam 2015 Nguyễn Thanh Cường để mô tả ý tưởng này. Cuối cùng, món cơm tấm sườn bò nướng vị phở ra đời sau nhiều lần thử đi, thử lại" - đạo diễn Võ Thanh Hòa cho biết.
Phim "Chuyện ma gần nhà" doanh thu hơn 60 tỉ đồng, "Nhà không bán" doanh thu 40 tỉ đồng, "Đêm tối rực rỡ" doanh thu hơn 21 tỉ đồng, "Nghề siêu dễ" đã hơn 47 tỉ đồng và vẫn đang trụ rạp. Ngoài phim điện ảnh, nhiều phim truyền hình kịch bản gốc lẫn Việt hóa được làm tốt, nổi bật được yếu tố bản địa như: "Lối về miền hoa", "Anh có phải đàn ông không?", "Thương ngày nắng về 2"…
Món cơm tấm sườn bò vị phở trong “Nghề siêu dễ”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Tạo đặc trưng riêng
Việc xem trọng các chất liệu văn hóa, tăng yếu tố bản địa là bước quan trọng trong việc hình thành nét đặc trưng riêng cho phim Việt. Nó không chỉ giúp mang đến sự gần gũi, chân thật mà còn góp phần tạo ra điểm nhấn khi đưa phim ra thị trường quốc tế. Qua đó, văn hóa Việt cũng được quảng bá đến với khán giả quốc tế nhiều hơn, tăng độ nhận diện cho phim Việt. Những dự án hứa hẹn góp thêm vào việc tạo đặc trưng riêng cho phim Việt sắp tới còn có: "Em và Trịnh", "Đất rừng Phương Nam", "Tết ở làng địa ngục"…
"Ở dòng phim kinh dị, hình ảnh càng thực tế, càng gần gũi mới thật sự đáng sợ. Khi bắt gặp những câu chuyện, hình ảnh trong văn hóa Việt, tôi luôn nghĩ cách đưa chúng vào phim ảnh. Tôi phát hiện rất nhiều mẩu chuyện hay giai thoại đáng sợ về các tục lệ, nghi thức hay lời nguyền. Đã có không ít câu chuyện hay bài đọc về chúng nhưng trên màn ảnh thì chưa nhiều. Chúng là nguồn chất liệu dồi dào để tạo ra những bộ phim kinh dị đậm chất Việt Nam" - đạo diễn Trần Hữu Tấn bày tỏ.
"Chúng ta không có lực lượng biên kịch vàng để những kịch bản gốc thuyết phục được nhà đầu tư, nên họ thường chọn sự an toàn bằng những kịch bản nước ngoài đã được kiểm chứng qua doanh thu phòng vé. Yếu tố bản địa rất quan trọng bởi chỉ có như thế khán giả bản xứ mới có thể khóc - cười cùng nhân vật" - đạo diễn Võ Thanh Hòa nhận định.
Nhiều câu chuyện đậm chất Việt, phản ánh cuộc sống, văn hóa, con người Việt sẽ dần dần góp phần hình thành nét riêng cho phim Việt. Người trong giới cho rằng sự hưởng ứng của khán giả với những tác phẩm tăng yếu tố bản địa, là một động lực tích cực để nhà làm phim nỗ lực hơn với các chất liệu văn hóa, dân gian lâu nay vẫn đang chờ được đưa lên màn ảnh.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/van-nghe/tang-yeu-to-ban-dia-trong-phim-viet-20220503203255853.htm