Dù đã lên kế hoạch rất kỹ để có thể đón khoảng 100.000 người từ 29 tháng Chạp đến mùng 6 Tết nhưng Đà Lạt vẫn “thất thủ” với lượng du khách đến đây quá đông trong những ngày qua.
Dù đã nhiều du khách rời Đà Lạt nhưng tối mùng 5, Đà Lạt vẫn đông đúc ở khu vực trung tâm - Ảnh: THIÊN KHẢI
Đến tối mùng 5 Tết, dù một lượng khách không chịu nổi cảnh đông đúc đã rời khỏi Đà Lạt nhưng hiện tượng quá tải vẫn không giảm.
Hiện tượng quá tải đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực trung tâm thành phố: quanh chợ Đà Lạt, hồ Xuân Hương và các tuyến đường nội ô như Phan Đình Phùng, Đinh Tiên Hoàng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo.
So với thời điểm trước dịch (năm 2019), việc ùn ứ, quá tải ở các tuyến đường lan ra cả các khu vực ngoại ô. Anh Đinh Văn Biên, một người làm nhiếp ảnh tại Đà Lạt, cho biết: "Chưa bao giờ đi từ trung tâm ra hồ Tuyền Lâm mà lâu đến thế".
Xe cộ đậu tràn lan trên đường vào Thung thũng Tình yêu - Ảnh: THIÊN KHẢI
Anh Biên và nhiều người chịu không nổi cảnh ùn tắc đành phải quay về. Tuy nhiên, việc quay về cũng không hề dễ dàng vì ách tắc giao thông bủa vây.
Ông Trần Viễn Sơn (du khách TP.HCM) có phòng khách sạn đến ngày mùng 6 Tết nhưng đã rời Đà Lạt trưa ngày mùng 5. Ông nói: "Ở lại cũng không vui chơi gì được vì ở đâu cũng quá tải dịch vụ, đi lại cũng không được thì vui chơi không thể thoải mái".
Hành trình đến Đà Lạt của ông Sơn cũng không dễ dàng gì, ông đã mất hơn 12 giờ để "nhích" từ Sài Gòn đến Đà Lạt. Và sau đó gia đình ông phải chịu cảnh chen chúc để có bữa ăn trong các hàng quán đông đúc. "Muốn kiếm một chỗ không nổi tiếng trên mạng để ăn cho qua bữa đi chơi cũng không được vì chỗ nào cũng đông", ông Sơn nói.
Du khách tụ tập bên hồ Xuân Hương tự tổ chức ăn uống - Ảnh: THIÊN KHẢI
Bà Lê Thủy, chủ homestay Nhà Của Tre, cho biết: "Một ngày chúng tôi nhận 120 cuộc gọi tìm phòng. Phải thông báo với khách là đã hết phòng từ trước Tết là một điều rất áy náy với những người làm các dịch vụ du lịch có tính cơ bản như lưu trú".
Một số du khách than phiền vì nhiều dịch vụ đều tăng giá bằng hình thức phụ thu phí phục vụ khoảng 30% so với giá ngày thường. "Tới Đà Lạt rồi thì cứ chơi cho hết dịp lễ chứ thực ra đông quá, cái gì cũng đắt hơn bình thường nên tự dưng mất vui", chị Trịnh Thị Lệ (du khách TP.HCM) cho biết.
Theo Đội cảnh sát giao thông Công an TP Đà Lạt, sau 2 ngày Đà Lạt đã đón hơn 100.000 lượt khách, vượt dự kiến ban đầu của TP. Đà Lạt.
Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng cho biết du khách đến Đà Lạt không trải đều như những năm trước mà dồn vào những ngày từ tối mùng 2 đến mùng 4 Tết nên khiến thành phố này "vỡ trận".
Sáng mùng 5 Tết, nhiều nhóm du khách tập trung ở bờ hồ Xuân Hương để tìm phòng khách sạn - Ảnh: M.VINH
Đã có một số du khách không tìm được phòng hoặc phải ngủ lều quanh bờ hồ nên UBND TP. Đà Lạt đã mở đường dây nóng hướng dẫn du khách tìm phòng ở những khu lưu trú còn trống.
UBND TP. Đà Lạt nhận định kế hoạch đón khách tập trung vào an toàn chống dịch nên khâu tổ chức đón khách chưa đạt như mong muốn. Mặt khác, thành phố không lường được lượng khách tự phát – không đăng ký trước ở các điểm lưu trú – lại tăng mạnh.
Khách đi không có kế hoạch khiến phát sinh một số tiêu cực, hình ảnh không đẹp trong đợt du lịch Tết. Theo ghi nhận, khách đến Đà Lạt du xuân không có kế hoạch trước chiếm 20% tổng lượng khách Đà Lạt (tính đến tối mùng 5 Tết), tức khoảng 20.000 lượt khách.
Chợ đêm Đà Lạt ùn ùn du khách bất chấp tỉnh Lâm Đồng vẫn đang áp dụng giãn cách để chống dịch - Ảnh: THIÊN KHẢI
Trục đường dẫn vào chợ đêm Đà Lạt tối mùng 5 Tết - Ảnh: THIÊN KHẢI
Lực lượng cảnh sát giao thông vất vả ở tất cả các nút giao thông nhưng không giảm được ùn tắc - Ảnh: THIÊN KHẢI
Du khách ngồi kín từ khu Hòa Bình xuống tận chợ Đà Lạt - Ảnh: THIÊN KHẢI
Các ngõ ra vào Đà Lạt nêm cứng ô tô - Ảnh: M.VINH
Theo Tuổi trẻ
https://dulich.tuoitre.vn/o-at-khach-du-xuan-da-lat-tro-thanh-bien-nguoi-20220205221704122.htm