Trong tiết trời 10 độ C của miền Bắc, nhiều người từ Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh... đã tới phiên chợ Âm Dương (chợ Âm Phủ) huyền thoại xứ Kinh Bắc mỗi năm chỉ họp một lần vào đêm mùng 4 rạng ngày mùng 5 Tết âm lịch.
Chợ Âm Dương (chợ Âm Phủ) chỉ họp phiên duy nhất vào đêm mùng 4 Tết (tức ngày 4-2) và kết thúc vào sáng mùng 5 Tết (tức ngày 5-2) tại làng Ó, nay là khu Xuân Ổ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh.
Với người dân làng Ó, ngày mùng 5 Tết rất ý nghĩa vì vừa là ngày hội làng, vừa là ngày mừng chiến công vua Quang Trung Nguyễn Huệ đánh tan 20 vạn quân Thanh xâm lược bờ cõi.
Theo ông Nguyễn Xuân Hùng - trưởng khu Xuân Ổ, chợ Âm Dương được bắt đầu từ chiều tối mùng 4 Tết.
Dẫn lại tích xưa, ông Hùng cho hay chợ Âm Dương diễn ra tại Bãi Hồ để người đã mất gặp lại người thân, người quen trên trần gian. Như quan niệm cũ, người sống sẽ thắp hương, đốt vàng mã, đốt nến hoặc ngọn đèn dầu để kết nối với thế giới bên kia.
Không chỉ có người già mới đốt vàng mã cho người âm ở chợ Âm Phủ, nhiều bạn trẻ trải nghiệm mua vàng mã bằng cách thả tiền giấy vào nước sau đó hóa vàng cho người đã khuất không nơi nương tựa theo phong tục xưa
Những mâm cháo trắng sau khi làm lễ sẽ được bày ra một bàn lớn gần ngã ba chợ Âm Dương để những người đói ăn có một bữa no ngày đầu xuân năm mới
"Chợ Âm Dương là cơ hội để người sống cúng cho người đã khuất để thế giới yên ổn. Chợ Âm Dương còn mang mục đích "mua may, bán rủi". Trong chợ, người mua không ai mặc cả, người bán không đếm lại tiền người mua trả", ông Hùng nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, người tới chợ sẽ mua những sản vật nông nghiệp như củ cà rốt, quả cà chua, quả gấc, quả đu đủ, quả táo... để cầu may mắn nhưng tuyệt đối không mặc cả.
Thay vì đưa tiền cho người bán, người mua sẽ thả tiền vào chậu nước, nếu tiền nổi lên thì đó là tiền của người âm, nếu tiền chìm xuống thì đó là tiền của người dương.
Một vài cụ lão ở làng Ó kể, trời sáng, người dân ra kiểm đếm tiền bán hàng thì thấy cả vỏ hến, hòn đá cuội... Dù vậy, mọi người đều vui vẻ và coi đó là điềm lành, hứa hẹn một năm buôn bán, làm nông nghiệp thuận lợi.
Trong khung cảnh tối om như mực, ánh nến le lói trong từng gian hàng là thứ duy nhất dẫn lối người đi chợ. Theo ánh nến hiu hắt, người đi chợ sẽ được đưa tới các gian hàng bán rượu, cau, trầu, hàng mã, hương...
Qua 12h đêm, chợ vãn, nhiều người đi chợ ngồi lại với nhau để uống nước, mời nhau miếng trầu, hát quan họ Bắc Ninh...
Khi chợ vãn, người dân mặc trang phục truyền thống, hát quan họ Bắc Ninh với làn điệu cổ như "mùng 5 hội Ó", "dọn quán bán hàng", "khách đến chơi nhà"...
Một gian hàng tại chợ Âm Phủ chỉ le lói ánh sáng từ ngọn nến
Cô gái trẻ tên Minh (23 tuổi, ngụ TP Hà Nội) thích thú khi được uống thử loại rượu nếp chỉ có tại chợ Âm Phủ
Nhấn mạnh về chi tiết con gà đen được bán ở chợ, nhiều người dân cho rằng đó là quan niệm của các cụ ngày xưa, vì tin đó là biểu tượng thần bí, con gà đen cả lông, cả xương, cả thịt sẽ rất đặc biệt.
Một chi tiết đặc biệt khác ở chợ Âm Dương là mâm cháo cúng được bày ở giữa ngã ba chợ để những người không nơi nương tựa có một bữa ăn ấm lòng ngày Tết.
Nơi linh thiêng nhất làng Ó là khu di tích đình, đền, chùa Xuân Ổ gắn với ý chí quật cường, trí tuệ hơn người, lòng dũng cảm của mẹ con nữ anh hùng Lý Huệ Nương, Lý Quý Minh.
Vào thời nhà Trần, Lý Quý Minh cùng với vua tôi nhà Trần đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ nhất (năm 1258).
Theo Hà Quân/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/di-cho-am-phu-noi-tieng-nhat-dat-bac-20220205040933404.htm