Tại cố đô Huế, có một đấu trường Hổ Quyền dành cho những cuộc đấu sinh tử giữa voi và hổ, độc nhất vô nhị trên thế giới hiện còn tồn tại nguyen vẹn với tuổi đời gần 200 năm.
Nằm cách trung tâm TP.Huế khoảng 4 km về phía Tây, đấu trường Hổ Quyền triều Nguyễn và độc nhất vô nhị trên thế giới, tọa lạc tại Tổ 1 Trường Đá, P.Thủy Biều, TP.Huế, Thừa Thiên - Huế. Đây cũng là điểm tham quan du lịch hấp dẫn, nằm trong quần thể di tích Cố đô Huế.
Nhìn trên cao xuống, đấu trường Hổ Quyền có hình tròn được tạo thành với 2 tường thành đồng tâm LÊ HOÀI NHÂN
Đấu trường của những trận tử chiến voi - hổ
Theo sử sách triều Nguyễn, thú tiêu khiển tổ chức những trận đấu giữa voi và hổ có từ thời chúa Nguyễn Hoàng. Sau này, khi triều Nguyễn chính thức được thiết lập tại Kinh đô Huế, đấu trường voi hổ được xem là thú vui giải trí thịnh hành qua nhiều triều đại.
Đến năm 1830, vua Minh Mạng chọn một vùng đất tại chân đồi Long Thọ cách không xa kinh thành Huế (đấu trường Hổ Quyền bây giờ) để xây dựng một trường đấu kiên cố dành cho những trận tử chiến. Những cuộc đấu như vậy được tổ chức không chỉ mang tính chất mua vui, giải trí cho vua quan và người dân mà còn để khích lệ tinh thần thượng võ.
Bảng tên chữ Hán Hổ Quyền đã bị rơi rụng nhiều nét LÊ HOÀI NHÂN
Cửa chính của đấu trường Hổ Quyền LÊ HOÀI NHÂN
Là một người con gốc Huế, gia đình có 4 đời sống bên cạnh đấu trường Hổ Quyền, bà Tống Thị Nguyệt (84 tuổi, Tổ 1 trường đá, P.Thủy Biều, TP.Huế) luôn mang trong mình một mảng ký ức riêng về đấu trường Hổ Quyền. Qua lời kể của cha, bà nhớ như in những trận đấu sinh tử của voi và hổ.
“Cha tôi kể, ngày xưa đường ở đây to và đẹp lắm. Vua thường đi lên đây bằng thuyền, khi cập bến, sẽ được quân lính đưa lên đấu trường bằng kiệu để xem đấu voi hổ. Người dân cũng được lên đứng phía trên khán đài để thưởng thức. Trận tử chiến tại đấu trường Hổ Quyền diễn ra hàng năm và kết thúc khi voi quật chết hổ”, bà Tống Thị Nguyệt, kể.
Bà Lê Thị An Hòa (Trưởng phòng nghiên cứu Khoa học - Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế) cho biết: “Được gọi là đấu trường Hổ Quyền bởi vì đây là một đấu trường mà bên trong chỉ có 5 chuồng nuôi hổ. Trước trận đấu, hổ trong chuồng đó đi ra, còn voi sẽ được đưa từ bên ngoài vào. Ngày xưa và hiện tại chỉ có duy nhất một đấu trường voi hổ tại Việt Nam. Trên thế giới chỉ có đấu trường bò tót của Italia, không có đấu trường nào voi hổ như thế này”.
Kiến trúc độc đáo
Về mặt kiến trúc, đấu trường Hổ Quyền có nét tựa đấu trường La Mã. Tuy nhiên, nó vẫn mang những nét riêng về văn hóa kiến trúc truyền Nguyễn. Từ trên cao nhìn xuống, nơi này có hình tròn như lòng chảo, với hai bức tường tròn đồng tâm bề thế bao quanh.
Đấu trường Hổ Quyền nhìn từ trên cao LÊ HOÀI NHÂN
Hai tường thành được xây lần lượt ngoài cao 4.75 m, vòng trong cao 5.9 m, nghiêng góc 15 độ tạo thế vững chãi. Công trình này được xây bằng chất liệu gạch vồ, đá thanh và vôi vữa (loại vật liệu phổ biến thời đó). Ngoài hệ thống tường thành, phía Bắc đấu trường có một cánh cửa lớn, với thiết kế 2 lá, cao 8 thước, rộng 7 tấc, phía trên cửa có ghi “Hổ Quyền” là nơi voi được đưa vào trường đấu.
Ở hai phía trái, phải của cửa chính, có hai lối đi với 24 bậc thang dẫn lên khán đài. Theo nghi thức, bên trái dành cho vua và các hoàng thân quốc thích, đại thần. Bên còn lại dành cho quan chức và binh lính.
Mặt trên của vòng thành đấu trường cũng là nơi để vua quan triều Nguyễn đứng xem voi hổ đấu nhau LÊ HOÀI NHÂN
Trên khán đài, chỗ ngồi của vua sẽ ở phía Bắc, quay mặt về hướng Nam. Khu vực này được xây cao và rộng hơn khán đài bình thường. Đối diện nơi vua ngồi là 5 chuồng cọp và hệ thống các cửa gỗ được đóng mở bằng các thanh gỗ to làm đòn bẩy, kéo dây từ trên xuống. Sân đấu là trọng tâm, được thảm cỏ xanh.
Trước thềm năm mới Nhâm Dần, có một số bạn trẻ đến đây để tham quan, chụp ảnh LÊ HOÀI NHÂN
“Trước thềm bước qua năm mới Canh Dần, mình cũng muốn đến đây để săn những hình ảnh về đấu trường Hổ Quyền vang danh một thời. Quả thật, khi bay flycam lên để có một cái nhìn tổng quan từ trên cao, mình đã phải trầm trồ vì độ hoành tráng và uy nghi của công trình này. May mắn hơn khi hôm nay thời tiết khá đẹp, mình đã bỏ túi được vài thước phim ưng ý để quảng bá du lịch Huế đến mọi người” anh Trần Đình Đức Hiếu (vlogger du lịch, TP.Huế) chia sẻ.
Trải qua hơn 200 năm theo thăng trầm lịch sử, đấu trường Hổ Quyền có thời gian xuống cấp. Đến nay, đấu trường đặc biệt này đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện trùng tu, và cơ bản đã hoàn thiện, sẵn sàng mở cửa đón khách du lịch gần xa...
Theo Bùi Ngọc Long - Lê Hoài Nhân/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/nam-dan-kham-pha-dau-truong-ho-quyen-doc-nhat-the-gioi-tai-viet-nam-post1424904.html