Tôi còn nhớ mãi ngày xưa ấy, trong cái lạnh cuối đông đầu xuân, bên bếp than hồng, mùi bột kết hợp đường trứng bốc lên thơm lừng ngày giáp tết…
Làm bánh thuẫn ngày nay ở Quảng Nam - Ảnh: LÊ TRUNG
Khoảng những năm thập niên tám mươi thế kỷ trước, các món ăn ngày tết phần nhiều là tự làm, tùy theo từng vùng miền và cây trái trong vườn để bà con ta tạo ra những món ăn ngày tết độc đáo, đậm bản sắc quê hương.
Về Huế, các làng quê nơi đây có nhiều món ăn ngày tết tự chế biến lắm công phu. Ngày ấy, làng tôi cũng có món ăn đặc trưng ngày tết: Bánh thuẫn!
Làng quê, nhà nào cũng có vườn, mỗi xóm có một bờ ao, ao là nơi dòng chảy nước ngầm để dùng chung sinh hoạt của mọi người trong xóm nhỏ.
Nhà tôi, hồi đó có mảnh vườn nhỏ cạnh bờ ao. Theo kinh nghiệm, bình tinh là loại cây thích đất gần nước nên Mạ tôi chọn cây bình tinh trồng nơi ấy.
Mỗi năm cứ độ cuối đông về là Huế mưa dầm và giá rét. Tranh thủ những ngày có nắng nhẹ là Mạ nhắc anh em tôi thu hoạch những hàng bình tinh vườn nhà.
Những củ bình tinh trắng xóa kết tinh từ lòng đất không phụ công chăm bón của Mạ. Rửa sạch, cả nhà ngồi mài để lắng tinh bột dưới đáy thùng. Hôm sau, dùng tấm vải lọc, đăng cho nước ra hết là được phần bột từ củ bình tinh.
Đem bột rải mỏng phơi khô, phải tranh thủ nắng ngày đông, lật trở để bột mau khô kịp tết về. Khi bột đã khô, chạm tay vào bạn sẽ cảm giác mịn màng mát lạnh.
Có những năm nắng yếu ớt, phải dùng chảo để hong khô bột, Mạ làm hối hả khẩn trương để kịp ngoài kia tết cận kề…
Những ngày giáp tết, gánh hàng chợ quê Mạ phải đi về kiếm thêm thu nhập chi tiêu ngày tết. Bột nở, trứng gà, đường mua về, thêm nước vào, anh em tôi thay nhau đánh đến khi nào đạt độ nở và nhuyễn thì dừng.
Cả ngày lo phiên chợ tết. Mạ dặn, tranh thủ hỏi thăm nhà bà con hàng xóm, nhà nào đã làm xong bánh thuẫn mình mượn khuôn về làm.
Bánh thuẫn xứ Quảng - Ảnh: LÊ TRUNG
Cái khuôn bánh thuẫn hồi ấy, ngày giáp tết là quý lắm đấy! Phải chờ, phải đợi, mới có mà làm. Có khuôn đem về, bên bếp than hồng, Mạ cho từng muỗng bột đã làm sẵn vào khuôn đậy lại. Chừng mười phút sau, mở ra là từng bánh thuẫn phồng lên vàng nhạt ôi chao thơm chi lạ.
Anh em chúng tôi ngồi quanh, thế nào mỗi đứa Mạ cho một cái với cái lửa đầu tiên. Vị ngọt bùi thơm bay lên mũi, cảm giác thú vị trong cái lạnh ngoài kia cuối đông đầu xuân…
Từng cái bánh thuẫn nở dậy đều được sắp ra nia theo từng đường tròn đồng tâm, rất đẹp bắt mắt. Sau đó, đặt lên trên bếp than hồng hong khô đều đượm lửa. Bánh khô vàng đều không quá già hoặc quá non lửa là được.
Hoàn tất xong, Mạ gói từng gói bảo quản dùng ngày tết. Gói này về nhà ngoại, gói kia về bên nội, gói cúng nhà thờ,… từng gói Mạ chu đáo, kỹ lưỡng dặn các con đem về nhà nội ngoại cúng tết.
Thời khắc giao thừa đến. Trên bàn thờ tươm tất ngày tết, ngoài các món bánh chưng, bánh tét,… không thể thiếu bánh thuẫn.
Ngày đầu năm mới, tay bắt mặt mừng bà con đến nhà thăm nhau, quây quần chuyện trò hỏi thăm chúc mừng năm mới. Ăn với nhau cái bánh thuẫn vị ngọt thanh, uống ly trà nóng thơm thấy niềm vui hứa hẹn năm mới tràn đầy…
Nhiều năm trở lại đây, khi cuộc sống kinh tế đi lên, các món ăn ngày tết cũng đi lên phát triển theo hướng thương mại hóa.
Giờ đây những ngày tết không còn cảnh chạy ngược, chạy xuôi. Nào là chặt cây chẻ lạt, hái lá dong lá chuối, mượn khuôn về làm bánh. Mà thay vào đó, cuối năm lên siêu thị mua về là có tất…
Cuộc sống luôn cuốn theo dòng chảy của nó nhưng tết xưa vẫn có thú vị riêng của mình. Dù nghèo, dù khó khăn nhưng giáp tết là sum vầy bên nhau, giúp nhau làm món ngon ngày tết.
Nên tết sau bao giờ món ngon ngày tết càng nhiều và càng ngon là vậy. Cái quý nhất là lưu truyền món ăn quê mình cho cháu con!
Theo Cao Ngọc Toản/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/cu-binh-tinh-tao-hinh-banh-thuan-20220118132559741.htm