Đây là nơi sinh sống của khoảng 200 cư dân với thu nhập chính từ nông nghiệp. Mỗi ngày, họ chỉ dùng điện 3 tiếng buổi tối từ 20h đến 23h.
Nằm ở độ cao gần 4.000 m so với mực nước biển thuộc vùng Ladakh phía tây bắc Ấn Độ trên dãy Himalaya hùng vỹ, ngôi làng nhỏ Rumbak được hình thành cách đây khoảng 400 năm, trở thành điểm dừng chân của những đoàn lữ hành xuyên núi.
Ngôi làng nhỏ chỉ dùng điện 3 tiếng mỗi ngày (Ảnh: Daily Mail).
Lối vào làng rất hiểm trở khó khăn và gần như không có đường cụ thể. Từ xa xưa, người ta dùng những con lừa để vận chuyển hàng hóa khi cần thiết. Làng Rumbak hiện là nơi sinh sống của khoảng 200 cư dân với nông nghiệp là nghề chính.
Do nằm ở vị trí hiểm trở, hẻo lánh, người dân trong làng chỉ được cấp điện 3 tiếng mỗi ngày từ 20h đến 23h. Trong làng cũng chỉ có một chiếc điện thoại để bàn duy nhất dùng trong trường hợp khẩn cấp. Ở nơi vắng vẻ như vậy, xung quanh không có sóng điện thoại di động.
Đường tới đây rất khó đi, thường dùng lừa để vận chuyển hàng hóa (Ảnh: Daily Mail).
Những ngôi nhà ở Rumbak được xây theo phong cách Tây Tạng với mái bằng, tường sơn trắng, đồ gỗ làm thủ công tinh xảo đặt xung quanh các khung cửa sổ và cửa ra vào.
Theo phong tục của người dân địa phương, khách phương xa tới chơi phải để dép bên ngoài rồi mới vào trong. Mùa hè, người ta sẽ dùng phòng chính rộng nhất để tiếp đón khách. Khi mùa đông tới, nhiệt độ bên ngoài có thể hạ xuống -20 độ C với tuyết rơi dày, các thành viên trong gia đình sẽ quây quần lại cho ấm.
Người làng Rumbak thường mời khách phương xa thức uống truyền thống của địa phương. Đó là món trà bơ làm từ sữa bò yak. Loại trà này có màu hơi nâu pha thêm chút xanh của bơ. Đây cũng là món đồ uống phổ biến của người dân sống tại các vùng núi thuộc dãy Himalaya, nằm trải dài từ Nepal tới Ấn Độ, Tây Tạng...
Với những người Rumbak, món đồ uống nóng hổi này rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt khi sống ở nơi có khí hậu khắc nghiệt như vùng đất này.
Một người dân địa phương trên đường đi làm (Ảnh: Daily Mail).
Ngoài trà bơ, khách được mời thêm món tsampa trông khá giống cháo. Đó là món ăn gồm bột lúa mạch trộn bơ và trà để tạo thành thứ hỗn hợp đặc sệt. Người dân cho biết đây là món ăn sáng phổ biến tại địa phương, giúp họ no lâu hơn, làm việc được nhiều hơn, thậm chí không cần ăn trưa.
Theo chia sẻ, nhờ đất đai ở thung lũng màu mỡ nên những người định cư sớm bắt đầu trồng lúa mạch. Dù nằm ở nơi hẻo lánh, nhưng những năm gần đây, nơi này đang dần trở nên phổ biến và trong làng đã xuất hiện chỗ ở homestay dành cho du khách mê mạo hiểm đi bộ đường dài.
Theo Huy Hoàng/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/du-lich/ngoi-lang-nho-nam-o-vi-tri-sieu-heo-lanh-chi-dung-dien-3-tieng-moi-ngay-20220108155607673.htm