Nhiều năm trôi qua, tôi dần quen với Tết thành phố, nhưng vào ngày gió mùa ập đến bất ngờ, tôi vẫn không khỏi xao xuyến, nhớ nhung. Nhớ về ngôi nhà gỗ đơn sơ, về xóm núi heo hút với ngày mổ lợn Tết đầy tất bật mà ấm no vô cùng.
Những món ngon ngày Tết ở bản Dao tôi - Ảnh tác giả cung cấp
Cuối năm, khắp các bản Dao vang dội tiếng rìu, tiếng búa chặt củi Tết, chuẩn bị cho một kỳ nghỉ đông kéo dài. Cho đến khi củi đã đầy kho, cải đã lên ngồng, cũng là lúc người dân thảnh thơi, chọn ngày mổ lợn, báo cáo tổ tiên bắt đầu đón Tết.
Tuy không phải là một nghi lễ bắt buộc, nhưng mổ lợn Tết đã trở thành truyền thống bao đời của người Dao bản tôi. Đó là một ngày đẹp nhất và không trùng với ngày Hợi tháng chạp mỗi năm.
Từ nhỏ chúng tôi đã quen với điều đó, bất chấp lạnh giá, cứ khoảng 2-3h chị em tôi đã hò nhau dậy để giúp bố đun nước. Bố tôi mài dao, chờ nước sôi và mấy chú bếp đến hộ nữa là sẽ bắt đầu.
Mổ lợn lấy công cũng là một nét văn hóa của bản tôi, vừa giúp đỡ, vừa đổi công, vừa là đến ăn mừng cùng gia đình hàng xóm nhân ngày vui tiễn cuối năm.
Khi trời vừa sáng, nồi canh lòng đắng nghi ngút khói bốc lên. Món này làm từ các phần nội tạng, nấu với rượu và gừng, hương vị rất đặc biệt mà tôi nghĩ rằng chỉ những người đàn ông Dao bản tôi mới ăn được. Lũ trẻ như tôi lúc ấy được cử đi hái rau thơm, nào là rau húng, củ xả, lá chanh…
Vừa đi, vừa có nhiệm vụ mời các bà, các thím trưa nay đến nhà mình ăn cơm. Tôi với em tôi thường chia nhau mỗi người đi một ngả để tiết kiệm thời gian còn về thưởng thức món thịt nướng của bà nội.
Thịt chín, bà phải đưa chúng tôi ra ngoài sàn phơi thóc ăn cho những người đàn ông bận rộn trong kia đỡ sao nhãng công việc. Bà dùng cây kéo cắt thịt thành từng miếng nhỏ, chia đều các cháu, miệng đứa nào đứa ấy nhoe nhoét mỡ nhưng vẫn còn thòm thèm.
So với các dân tộc miền núi phía Bắc, dân tộc Dao vốn không mạnh về ẩm thực, cái được nhiều người biết đến nhất chính là những bài thuốc thảo dược gia truyền như thuốc tắm bà đẻ, thuốc ngâm chân, thuốc sâu răng,… nên một mâm cơm ngày lễ Tết hay ngày mổ lợn cũng đều là những món chế biến đơn giản, không cầu kỳ.
Món mà tôi thích nhất là canh xương đu đủ xanh. Món này được nấu trong nồi quân dụng to với bộ xương xẩu vừa được lọc ra từ mình lợn.
Bánh chưng gói ngày Tết ở bản Dao tôi - Ảnh tác giả cung cấp
Điểm đặc biệt là miếng đu đủ để nguyên vỏ, nếu ăn không quen sẽ cảm thấy có vị đắng một chút, nhưng tôi nghiện vị ấy. Thêm mấy bông hoa hồi và thảo quả rừng khô, một bó xả nữa là nồi quân dụng có to hơn thế nữa cũng sẽ không bị thiu bao giờ.
Tiếp theo là món thịt áp chao, phần thịt ba chỉ ngon nhất, cắt thành miếng vuông bằng bàn tay, tẩm gia vị, trong đó bắt buộc phải có là hạt dổi. Ướp 30 phút rồi đổ vào chảo gang rán xì xèo đến khi cháy cạnh, thái thành từng miếng vừa gắp, bì giòn, thịt ngọt, miếng mỡ chảy ra hòa với cơm nóng thật không có gì bằng.
Món mà tôi thấy bà nội và mẹ thích nhất là thịt nạc nộm lá húng. Đó là loại húng mọc bờ ao, có lông tơ nhỏ, thân rất mềm. Những miếng thịt nạc ngon nhất, thái mỏng và đều, đảo qua lửa to, đổ nước cốt chanh và lá húng trộn đều là hoàn thành. Món này chế biến cực kỳ đơn giản, lại phải ăn nóng mới ngon, nên thường tới lúc lên mâm mới làm.
Món dồi luộc không thể thiếu trong mâm cơm mổ lợn Tết. Vị nó đặc trưng với các hàng dồi sau này tôi ăn ở chỗ là trong nhiên liệu quê tôi có kèm húng vịt, loại rau thơm không được chuộng cho lắm nhưng lại rất hợp với món này.
Một món không thể thiếu ở bất kỳ mâm cỗ nào của người Dao quê tôi, đó chính là món thịt luộc. Cho dù con lợn đó mỡ hay nạc thì vẫn phải có món thịt luộc, thậm chí trong phong tục cưới, thịt luộc càng mỡ càng tốt.
Nam nữ Dao đến dự đám cưới sẽ mời nhau uống rượu và ép nhau ăn thịt mỡ, mẹ tôi hồi trẻ từng sợ đi đám cưới bởi phong tục này. Nhưng phần lớn thanh niên đều rất thích thú, vì mỗi năm chỉ vài dịp có thịt lợn ăn và ngắm trai xinh gái đẹp, ngấy một chút có sao đâu mà!
Rồi thì sườn xào mặn miếng dài bằng ngón tay, lòng già xào lá chanh, rau cải cay chấm gừng giã muối,... Chỉ từng đó xếp ra bát đĩa đầy ú ụ là thành mâm cơm ấm cúng tiễn năm cũ qua, chuẩn bị đón Tết về.
Thầy cúng dâng một miếng thịt luộc lên ban thờ, đọc bài báo cáo tổ tiên xong là khởi cỗ. Mỗi năm 3-4 mâm, cũng chỉ toàn anh em thân thích và xóm giềng, luân phiên nhau từ khoảng 15 tháng chạp trở đi. Tiếng nói cười, tiếng chạm chén uống rượu giòn giã đến tận chiều mới tàn tiệc.
Khi khách ra về, mỗi người làm bếp được mẹ tôi biếu một miếng thịt to, đó cũng là cái lệ của bản, trong số thịt treo trên gác, cũng phải những mười mấy dây không phải của nhà mình.
Sau đó mẹ tôi gói bánh chưng gù đen, vừa gói vừa chỉ bảo mấy chị em gái chúng tôi về cách xếp lá, đổ gạo, đặt miếng thịt ba chỉ làm sao cho vừa vặn, ngâm bánh, luộc bánh sao cho dền... Tôi lúc nào cũng cảm thấy mẹ như một nghệ nhân gói bánh, từ cách gói bánh chưng gù, bánh sừng bò, hay bánh chuối, bánh ngô đều rất ngon và đẹp.
Gói xong bánh là đến lượt treo thịt, thịt đã được ướp muối, hạt dổi, mắc khén từ trưa, giờ chỉ việc xâu lạt vào lỗ đã chọc sẵn sau đó treo lên gác bếp nữa thôi.
Trước hôm mổ lợn, mẹ thay thanh tre mới, sửa lại cái gác thật kiên cố cho hàng chục cân thịt được treo lên. Thịt này mà ra riêng đi làm rẫy, thái miếng mỏng, mỡ trong veo xào lên với củ kiệu là thành đặc sản rồi.
Bản Dao tôi, nơi phủ sương quanh năm - Ảnh tác giả cung cấp
Nhớ Tết xưa mới thấy cuộc sống đổi thay quá nhiều. Cuộc hành trình mưu sinh thực sự là một khoảng cách lớn giữa những con người ruột thịt với nhau.
Tuy thế, tôi vẫn hy vọng rằng, kỷ niệm là thứ không dễ gì phôi pha, tình thân là một mối quan hệ thiêng liêng không có gì thay thế được.
Hy vọng chúng ta luôn nhớ và hết lòng trân trọng những năm tháng ấy. Hy vọng rằng, dù Tết xưa hay Tết nay, mỗi chúng ta vẫn luôn có một mái ấm để trở về, để sum vầy, yêu thương.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/ngay-mo-lon-tet-ban-dao-toi-20211214093924506.htm