Sự xuất hiện của phim "remake", phim chuyển thể... tạo sự đa dạng hơn cho thị trường bên cạnh phim kịch bản gốc
Phim "remake" (phim làm lại hoặc Việt hóa) đã gặt hái một số thành tích tại thị trường phim Việt nhưng trong quá trình đó cũng gặp không ít khó khăn, áp lực như các dòng phim khác.
Khó mời người giỏi
Tại cuộc tọa đàm "Phim remake: Từ mô phỏng đến sáng tạo" diễn ra gần đây, nhiều vấn đề đã được đặt ra, như quyền lực của đạo diễn trong phim "remake", những thuận lợi và áp lực làm dòng phim này...
Cuộc tọa đàm trực tuyến diễn ra trong khuôn khổ hội thảo khoa học quốc tế "Văn học và điện ảnh Việt Nam, Hàn Quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa" do Khoa Văn học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM phối hợp Quỹ Korea Foundation tổ chức, cùng sự hỗ trợ của Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và Phát triển nguồn nhân lực, CLB Sân khấu và Điện ảnh, CLB Cây Bút Trẻ và NXB Tổng hợp TP HCM.
Phim “Tiệc trăng máu” là tác phẩm “remake” có doanh thu cao. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết làm phim luôn có áp lực, có khó khăn và thuận lợi tùy theo từng dự án chứ không phải chỉ riêng phim "remake". Riêng với phim "remake", một trong những áp lực là định kiến vẫn còn rất lớn, gây khó khăn cho nhà sản xuất trong việc mời người giỏi cùng tham gia dự án, nhất là đạo diễn. Đa phần định kiến này đến từ "cái tôi" có sẵn trong mỗi người, ai cũng muốn sáng tạo, muốn làm phim kịch bản gốc và vì thế họ sẽ xem xét nhiều vấn đề khi đến với phim "remake".
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh dẫn chứng khi tâm đắc với phim "Perfect Strangers" của Ý (sau này Việt hóa lại thành "Tiệc trăng máu") và đi vào sản xuất thì không biết mời đạo diễn nào thực hiện phim. Ban đầu, anh không dám mời đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, người từng nói không làm phim "remake" nữa sau thành công của phim "Tháng năm rực rỡ". Xoay vòng tìm kiếm, lựa chọn, anh vẫn thấy không người nào làm phim này phù hợp hơn đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nên cố gắng mời hợp tác và nhận được sự đồng ý.
Một áp lực khác của phim "remake" là khâu kịch bản. "Biên kịch có thể hiểu bộ phim để xử lý làm lại sao cho phù hợp văn hóa Việt nhất. Tuy nhiên, họ làm theo kiểu chủ động như cách hiểu của bản thân là chính, không thể đối thoại trực tiếp cùng biên kịch của kịch bản gốc để hiểu tường tận ý nghĩa từng cảnh phim" - đạo diễn Phan Gia Nhật Linh giải thích.
Đích đến vẫn là phim hay
Trong khi đó, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết phim "remake" vốn là dòng phim xuất hiện đã lâu trên thế giới và cũng không xa lạ với Việt Nam. Trước đây, điện ảnh Việt mỗi năm sản xuất phim không nhiều với số lượng rạp ít ỏi, lượng biên kịch đủ đáp ứng nhưng theo đà phát triển hiện nay (không tính giai đoạn dịch bệnh), mỗi năm có đến 50 phim. Lượng biên kịch không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường và vì thế có sự xuất hiện của phim "remake", phim chuyển thể... tạo sự đa dạng hơn cho thị trường bên cạnh phim kịch bản gốc.
Thực tế, lượng phim "remake" trên thị trường phim Việt đang dần đi vào ổn định, không quá nhiều nhưng cũng không thiếu. Qua giai đoạn ồ ạt, nở rộ ban đầu thì phim "remake" lại trở thành một dòng phim như bao dòng phim khác đã và đang phát triển trên thị trường. "Kịch bản hay luôn thiếu ở cả thế giới chứ không riêng gì ở thị trường Việt. Vì thế, chúng ta thấy Hollywood họ cũng làm lại nhiều phim của nước khác. Hàn Quốc cũng mua bản quyền làm lại các phim hay, vẫn tạo tiếng vang" - đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhận định.
Trước nỗi lo nhà làm phim "remake" không được công nhận bằng giải thưởng, khó đi xa khỏi quốc gia, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng một số phim làm lại của Hàn Quốc, Hollywood đến với khán giả Việt và các nước khác, qua đó chứng minh các phim loại này vẫn có thể đi xa nếu được làm hay.
Ngoài ra, việc phim "The Departed" (tựa Việt: "Điệp vụ Boston") thắng 4 giải Oscar năm 2007, trong đó có giải "Phim xuất sắc nhất" cho thấy phim "remake" hay vẫn được vinh danh như bao phim khác. Bộ phim của đạo diễn Martin Scorsese này có kịch bản được viết dựa trên kịch bản phim "Vô gian đạo" của điện ảnh Hồng Kông.
"Phim hay, tạo được sự đồng cảm với số đông khán giả mới có cơ hội đi xa, muốn đi xa hơn thì phải hay hơn. Một phim hay hay không là do chính người thực hiện chứ không phải vì nó là phim "remake", phim chuyển thể, phim kịch bản gốc..." - đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhận định. Nhiều khán giả khi đến rạp sẽ không quan tâm đó là một phim làm lại, một phim kịch bản gốc hay một phim chuyển thể văn học mà chỉ đơn thuần vì cảm xúc, vì cảm thấy phim hay, phù hợp với mình.
"Những phim được chọn "remake" đa phần là phim có các vấn đề được đặt ra mang tính toàn cầu, những vấn đề nước nào cũng có và mang tính thời đại. Nếu các phim "quá Mỹ", "quá Trung Quốc", "quá Hàn Quốc"... nghĩa là nhiều nét riêng mà chỉ nền văn hóa đó có thì khó để làm lại. Một câu chuyện được kể bằng lăng kính của mình, cách ứng xử, nét văn hóa của mình thì đã trở thành một phim của mình rồi. Điều quan trọng còn lại là phim phải chạm được vào cảm xúc khán giả" - đạo diễn Phan Gia Nhật Linh khẳng định. Anh nói thêm rằng áp lực vốn có khi phải làm một phim "remake" đều không đáng gì so với áp lực phải làm một phim hay, được khán giả công nhận. Đây mới là áp lực lớn nhất!
https://nld.com.vn/van-nghe/nhieu-ap-luc-khi-lam-phim-remake-20211129212337826.htm