Sau rất nhiều cố gắng chống chọi kể từ khi nhiễm Covid-19, ca sĩ Phi Nhung cuối cùng đã không qua khỏi và qua đời trưa 28.9 tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), khép lại một cuộc đời nhiều nước mắt hơn tiếng cười.
Phi Nhung từng khóc kể về cuộc đời buồn của mình. ẢNH: NSCC
Nguồn tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết trước khi mất, ca sĩ Phi Nhung được bác sĩ chẩn đoán bị biến chứng nặng của Covid-19 khiến phổi đông đặc, suy đa cơ quan kèm cơn bão Cytokyne... Cô hưởng dương 51 tuổi.
Kiên cường đến phút cuối đời
Quản lý của Phi Nhung cho biết trong 40 ngày nhập viện điều trị Covid-19, nữ ca sĩ luôn giữ tinh thần mạnh mẽ, kiên cường. "Trong thời gian điều trị, có lúc tình hình lạc quan, đôi khi bi quan nhưng Phi Nhung luôn kiên cường. Chúng tôi cảm ơn khán giả, đồng nghiệp đã cầu nguyện cho chị Nhung. Nhưng rồi tất cả 40 ngày cố gắng giờ đã không còn gì".
Phi Nhung nhập viện điều trị Covid-19 ở Bệnh viện Gia An 115 từ ngày 19.8. Lúc đầu cô tỉnh táo nhưng sau đó bệnh chuyển biến nặng nên được đưa sang Bệnh viện Chợ Rẫy vào tối 26.8. Người đại diện cho biết thêm cả ê-kíp và gia đình từ ngày đầu Phi Nhung nhiễm Covid-19 đã không thể lường trước được diễn biến bệnh của Phi Nhung chuyển nặng. Người thân Phi Nhung chia sẻ: “Ban đầu, ê-kíp và gia đình tin nữ ca sĩ chỉ điều trị khoảng hai tuần sẽ hồi phục. Bản thân chị sau khi nhận kết quả dương tính với SAR-CoV-2 vẫn cười nói: 'Không sao đâu, Nhung sẽ mạnh mẽ vượt qua'. Chúng tôi luôn tin chị sẽ làm được".
Quản lý của Phi Nhung là Dziễm Phạm cứ ngậm ngùi: “Nếu Phi Nhung bay về Mỹ sớm từ ngày đầu dịch thì đâu đến nông nỗi này. Nhưng Phi Nhung đã chọn ở lại vì muốn giúp lương thực, thực phẩm, nấu ăn cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, bị cách ly, phong tỏa ở Sài Gòn”.
Ngọn đèn trên tay Phi Nhung cũng đã tắt từ 28.9.2021. ẢNH: NSCC
Phi Nhung đã có kế hoạch về Mỹ từ tháng 7, nhưng chị đã thay đổi lịch trình, ở lại Việt Nam tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện. Phi Nhung đã đóng góp vào quỹ vaccine, kêu gọi mua máy thở gửi tặng bệnh viện, gửi gạo cho người nghèo, tham gia nấu ăn cho các bếp ăn tình thương tại TP.HCM. "TP.HCM đang tổn thương, nhiều người còn khổ vì dịch, tôi ở lại để giúp bà con. Khi mọi thứ ổn hơn, tôi đi đâu cũng không áy náy", Phi Nhung nói trước khi mắc Covid-19. Thế mà giờ đây, Phi Nhung đã ra đi vĩnh viễn.
Trước khi ra đi, chị còn bị cộng đồng mạng xỉ vả vì chuyện từ thiện và chuyện giữ tiền cát-sê của con nuôi - ca sĩ Hồ Văn Cường khiến chị khóc hết nước mắt. Khi ấy, Phi Nhung đã nói: “Hiện tại bây giờ càng làm từ thiện càng bị oan ức, nhưng tôi lại thích. Sống ngay thẳng thì không có gì phải sợ. Nếu có cơ hội và có thật nhiều tiền, tôi vẫn làm tiếp tục. Tôi rất hãnh diện khi được khán giả thương cho đến bây giờ. Nên tôi không sợ một số bạn ở cộng đồng mạng phá tôi. Họ chửi tôi như thế nào đi nữa, thậm chí hạ nhục tôi, tôi vẫn cười. Tôi là con nhà Phật và cũng là người mẹ của các chú tiểu, cuộc đời tôi sợ nhất là luật trời sai trái với lương tâm, còn tất cả chuyện gì tôi không quan tâm”.
Phi Nhung làm từ thiện suốt từ đầu mùa dịch thứ 4 ở Sài Gòn cho đến khi ngã bệnh. ẢNH: NSCC
Tuổi thơ mồ côi, thiếu tình thương
Phi Nhung sinh năm 1970 tại Gia Lai, sau đó sống ở nhiều tỉnh miền Trung như Khánh Hòa, Quảng Nam... Chị sang Mỹ định cư theo diện con lai từ năm 1989. Bố Phi Nhung là người Mỹ, còn mẹ là người Việt Nam, cô mang hai dòng máu Mỹ - Việt. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ nhỏ ở Việt Nam, chị đã phải chật vật kiếm sống bằng nghề may khi chỉ mới học hết lớp 6. Sau khi sinh chị, mẹ chị đi thêm bước nữa và Phi Nhung có thêm 5 người em cùng mẹ khác cha.
Năm 1982, mẹ Phi Nhung qua đời khi chị mới hơn 11 tuổi. Lúc này, chị phải sống với ông bà ngoại, tuổi còn nhỏ mà đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Chị phải kiếm tiền để lo cho 5 anh chị em cùng mẹ khác cha trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Phi Nhung từng bật khóc khi kể lại: “Tôi vốn thiếu tình thương của cha mẹ. Tôi ở với ông bà ngoại vì mẹ đi lấy chồng”. Vì là con lai nên Phi Nhung không được theo mẹ, bởi lẽ thời điểm đó, nhà nào mà có con lai hay bị chê cười, ảnh hưởng đến gia đình. “Từ nhỏ, tôi đã được để ở chùa, không được ở trong nhà, một tháng sau sinh, tôi mới được ngoại đem về. Lúc đầu ông ngoại không đồng ý, sau thấy dễ thương mới cho ở trong nhà. Mẹ tôi đi lấy chồng, tôi chưa bao giờ được gọi má, cũng không được gặp má”, Phi Nhung kể lại.
Đến năm 8 tuổi, Phi Nhung được mẹ kêu về ở chung với gia đình nhưng sau đó 2 năm, mẹ của nữ ca sĩ cũng qua đời. Phi Nhung từng nghẹn lời: “Tôi rất thần tượng má mặc dù má không có nuôi tôi. Không biết tại sao tôi rất thèm kêu chữ má nhưng có má bên cạnh thì không kêu. Không bao giờ dám nhìn mặt má, chỉ lén đừng nhìn. Tôi thèm lắm nhưng chỉ đến khi má chết, tôi mới dám cầm chân má và khóc. Tôi nói rằng sẽ thay má nuôi các em ăn học chứ tôi không thể nào bỏ các em được”.
Phi Nhung bên những đứa con nuôi ở Việt Nam. ẢNH: NSCC
Lý do Phi Nhung sống đơn thân, nhận 23 đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ hoặc có gia đình khó khăn làm con nuôi như chị chia sẻ là: “Từ đó cho tới lớn, tôi luôn nghĩ nếu mình làm ra tiền tôi sẽ xây nhà mồ côi, sẽ nuôi những đứa nhỏ không cha mẹ và cho chúng gọi bằng má để bù lại những gì mà hồi nhỏ tôi không có. Tôi muốn những đứa nhỏ mồ côi biết có má sướng như thế nào Tới bây giờ, tôi vẫn ở vậy để nuôi mấy đứa nhỏ. Tôi muốn chúng ra đường và nói có má”.
Phi Nhung là một trong những giọng ca trữ tình, dân ca được khán giả yêu thích hàng đầu. Cô có giọng hát ngọt ngào pha lẫn chất khàn rất đặc biệt. Những ca khúc khiến Phi Nhung ghi dấu ấn trong lòng khán giả như: Bông điên điển, Ai khổ vì ai, Tình đẹp mùa chôm chôm, Nhớ mẹ lý mồ côi, Con gái của mẹ, Phải lòng người con gái Bến Tre... Năm 1989, Phi Nhung sang Mỹ và gặp Trizzie Phương Trinh trong một buổi biểu diễn từ thiện tại một ngôi chùa ở Mỹ. Sau khi nhận ra tài năng của Phi Nhung, Trizzie đã mời chị đến California để theo đuổi ước mơ trở thành ca sĩ chuyên nghiệp... Trong vòng 4 năm (từ 1994-1998), Phi Nhung cho ra mắt liên tục hơn 15 CD để đáp ứng nhu cầu của khán giả. Trong giới nghệ thuật, Phi Nhung được mệnh danh là “Nữ hoàng băng đĩa”. Không chỉ có tài năng ca hát, Phi Nhung còn được biết đến với khả năng diễn xuất khá đặc biệt trong bộ phim: Trạng sư Trần Mộng Cát, Người mẹ điên… |
Theo Phan Cao Tùng/Thanh niên
https://thanhnien.vn/van-hoa/ca-si-phi-nhung-cuoc-doi-nhieu-nuoc-mat-hon-tieng-cuoi-den-khi-qua-doi-1456013.html