Năm 2008, bộ phim "Slumdog Millionaire" (Triệu phú ổ chuột) ra mắt rồi tạo hiệu ứng toàn cầu, giành 8 giải thưởng Oscar danh giá. Bên cạnh đó, phim còn là một bài học ý nghĩa về cuộc sống.
Triệu phú ổ chuột do đạo diễn người Anh - Danny Boyle "nhào nặn", Christian Colson sản xuất và Simon Beaufoy viết kịch bản. Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết Triệu phú khu ổ chuột xuất bản vào năm 2005 của tác giả, nhà ngoại giao Ấn Độ - Vikas Swarup. Sau hơn chục năm ra mắt, phim vẫn xứng đáng là một trong những bộ phim truyền cảm hứng hay nhất mọi thời đại.
Triệu phú ổ chuột từng tạo cơn sốt toàn cầu vào năm 2008.
Phim được dàn dựng và quay tại Ấn Độ và kể lại câu chuyện đổi đời của một chàng trai trẻ Jamal Malik xuất thân từ khu phố ổ chuột Juhu ở Mumbai khi cậu tham gia trong trò chơi truyền hình Who Wants to Be a Millionaire? (Ai là triệu phú?) phiên bản Ấn Độ.
Jamal Malik (Dev Patel đóng) tham gia cuộc thi vì muốn tìm lại người bạn gái thân từ thời thơ ấu - Latika. Anh hi vọng cô có thể nhìn thấy anh trên truyền hình.
Jamal đã trả lời đúng gần hết các câu hỏi và khiến người dẫn chương trình Prem Kumar nghi ngờ: đây là thiên tài hay kẻ gian lận. Thậm chí, trong giờ giải lao, Prem còn cố tình mớm cho Jamal đáp án sai nhưng chàng thanh niên đến từ khu phố ổ chuột chỉ tin vào kiến thức của mình.
Sự giả dối dù dưới vỏ bọc nào, cũng không bao giờ có thể chạm được đến lòng tin của một người với tâm hồn hoàn toàn trong sáng và chân thật.
Sau khi thắng 10 triệu rupee (khoảng 200.000 USD) và tiến tới câu hỏi cuối cùng có giá trị 20 triệu rupee, trò chơi hết giờ và sẽ tiếp tục vào hôm sau. Prem báo cảnh sát bắt Jamal vì nghi ngờ anh gian lận. Tại đồn, Jamal bị tra tấn buộc phải khai ra làm sao một "người sống ở khu ổ chuột" lại trả lời đúng tất cả các câu hỏi.
Triệu phú ổ chuột nói về cuộc đời và hành trình đổi đời của một thanh niên đến từ khu phố ổ chuột - Jamal.
Lý lẽ của họ chỉ đơn giản là: "Giáo sư, bác sĩ, luật sư, những người có kiến thức bình thường chưa từng đoạt trên 60.000 rupees. Anh ta đã đạt 10 triệu rupees. Làm sao mà một kẻ sống ở khu ổ chuột có thể biết câu trả lời?". Họ cho rằng, cần đi học, cần có bằng cấp, cần có địa vị, mới có khả năng trả lời được hết những câu hỏi thuộc mọi lĩnh vực trong chương trình "Ai là triệu phú?".
Jamal đã kể lại cuộc đời đầy khốn khổ của mình ứng với từng câu trả lời, khiến ông thanh tra phải gọi lời giải thích của anh là "hợp lý một cách kỳ quái" và cho phép anh trở lại chương trình để tham gia câu hỏi cuối.
Kiến thức của Jamal không đến từ những buổi học, kiến thức của anh đến từ những trải nghiệm đau khổ của một đời sống đói nghèo trong khu ổ chuột, là những lần nhảy xuống hố phân, là khi chứng kiến người mẹ thân thương của mình bị đánh chết vì mâu thuẫn tôn giáo, là quãng thời gian bị bắt đi ăn xin ăn cắp... là những gì mà khi đưa ra câu trả lời đúng, Jamal chỉ ước rằng, giá như mình chưa từng biết câu trả lời, giá như anh có thể đã quên được chúng.
Từ cuộc sống vất vưởng, cậu bé mồ côi bụi đời đã chiến thắng bất công và nghịch lý, trở thành anh hùng trong mắt của hàng triệu người dân nghèo khổ, gieo vào tim họ niềm tin rằng, cuộc sống vẫn sẽ có những phép nhiệm màu.
Dàn diễn viên "nhí" phần lớn là những trẻ em đến từ khu phố ổ chuột tại Ấn Độ lần đầu được đặt chân tới Mỹ tham dự lễ trao giải Oscar năm 2009.
Sau khi ra mắt tại Liên hoan phim Telluride và được trình chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế Toronto và Liên hoan phim London, Triệu phú ổ chuột đã được công chiếu trên toàn thế giới vào năm 2009. Phim nhận được 10 đề cử giải Oscar năm 2009 và giành được 8 giải, nhiều nhất trong các bộ phim tham dự giải thưởng năm đó.
Ngoài giải thưởng danh giá Phim xuất sắc nhất, Triệu phú ổ chuột còn giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản chuyển thể hay nhất, Biên tập phim xuất sắc nhất, Hòa âm xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất, Nhạc phim hay nhất (A.R. Rahman) và Ca khúc trong phim hay nhất (ca khúc Jai Ho).
Bộ phim cũng giành được 5 giải lựa chọn của Nhà phê bình (Critics' Choice Awards), 4 giải Quả cầu vàng và 7 giải BAFTA. Với kinh phí chỉ 15 triệu USD, bộ phim của đạo diễn Danny Boyle mở ra những hy vọng thành công mới cho dòng phim độc lập.
Đáng nói hơn, phim cũng mở ra một tương lai tươi sáng cho dàn diễn viên "nhí" vốn xuất thân từ những gia đình ở khu phố ổ chuột tại Ấn Độ. Sau bộ phim, các diễn viên Ấn Độ này có cuộc sống tốt đẹp hơn, tiếp cận văn minh và được học tập.
Qua các mảnh đời của nhân vật, Triệu phú ổ chuột mô tả quãng thời gian 20 năm của thành phố Bombay (nay trở thành Mumbai), Ấn Độ. Cuộc sống trái ngược giữa các trung tâm thương mại sầm uất và các tòa nhà chọc trời với những thân phận đáy cùng của xã hội bị bỏ quên, bị bóc lột, bị chèn ép... được thể hiện sinh động trong phim.
Triệu phú ổ chuột giành được 8 trong số 10 đề cử Oscar năm 2009.
Bộ phim vừa phản ánh bức tranh xã hội tại quốc gia phân hóa giàu nghèo mạnh mẽ như Ấn Độ, vừa khéo léo truyền tải thông điệp nhân văn về giá trị con người và tình yêu. Do vậy, khi phim được trình chiếu, hàng loạt cuộc biểu tình phản đối tại Ấn Độ đã diễn ra bởi người dân Ấn Độ cho rằng, phim đã làm xấu bộ mặt của đất nước này với những hình ảnh đói nghèo, tối tăm...
Bài học rút ra từ Triệu phú ổ chuột tuy quen thuộc nhưng chưa bao giờ là sai: Sống chân chính, ngay thẳng, khiêm nhường và chịu khó học hỏi, biết mình có gì và biết mình chưa có gì, thì cuộc sống hiện tại dù khó khăn vẫn có thể nếm trái ngọt trong tương lai.
Ở cuối phim, nam chính Jamal đã gặp lại mối tình đầu Latika. Sau tất cả những năm tháng khó khăn, hạnh phúc đã mỉm cười với chàng trai tốt bụng và chân thành Jamal.
Sau khi xem xong bộ phim, nhiều người cho rằng ý nghĩa lớn nhất của Triệu phú ổ chuột chính "vượt lên số phận", "chiến thắng số phận" hay "hãy tự mình quyết định số phận". Bộ phim nhắn nhủ với người xem bài học về sự nỗ lực vươn lên, về sức mạnh của tình yêu và niềm tin cuộc sống.
https://dantri.com.vn/van-hoa/nhung-bai-hoc-y-nghia-tu-bo-phim-trieu-phu-o-chuot-20210927235527056.htm