Những kịch bản sân khấu mới và những tọa đàm trực tuyến về đạo đức nghề nghiệp của nghệ sĩ rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay
Dư luận trong giới nghệ sĩ sân khấu gần đây bức xúc trước nhiều vụ lùm xùm làm xấu hình ảnh người nghệ sĩ qua chuyện thiếu minh bạch trong vận động từ thiện, quảng cáo hàng kém chất lượng, phát ngôn gây phản cảm, tác phong trên mạng xã hội không đúng chuẩn người của công chúng.
Dừng lại việc chạy theo giá trị vô hình
Qua những vụ việc này, nhiều nghệ sĩ nhận thấy đã đến lúc cần phải xây dựng lại cách hoạt động, làm nghề trong điều kiện bình thường mới.
Theo NSND Kim Cương, đại dịch Covid-19 là cơ hội để nghệ sĩ nhìn lại chính mình. Còn NSND Trần Minh Ngọc thì cho rằng đã đến lúc phải dừng lại việc chạy theo những giá trị vô hình trên mạng xã hội, dẫn đến những hệ lụy khiến một số nghệ sĩ bị cộng đồng mạng bủa vây, chỉ trích đến đau lòng.
Trên thực tế, không có quy định cấm nghệ sĩ tham gia các hoạt động xã hội nhưng cách làm và hình thức tự phát vừa qua trong vận động từ thiện, phát ngôn đấu đá, lên án nhau bất chấp hậu quả đã khiến môi trường văn hóa lành mạnh bị đe dọa. Ban Lý luận Phê bình - Hội Sân khấu TP HCM đã lên kế hoạch tổ chức tọa đàm trực tuyến về những vấn đề xoay quanh sự chuẩn mực trong phát ngôn, hành vi và sử dụng mạng xã hội của nghệ sĩ. Chuẩn không nên suy nghĩ đơn giản là cái thước đo cứng nhắc, nhất thành bất biến, mà nên hiểu là cái được lựa chọn để làm căn cứ đối chiếu, để hướng theo đó mà ứng xử, hành động cho đúng mực. Rất tiếc, không ít tên tuổi lâu nay được công chúng yêu mến đã đi lệch quỹ đạo.
NSND Trần Minh Ngọc cho rằng giá trị ảo trái với chuẩn mực một khi nghệ sĩ không ý thức đặt mình vào đúng vị trí kiểm soát được mọi vấn đề minh bạch, từ việc vận động từ thiện đến quảng cáo hàng kém chất lượng.
"Loạn chuẩn không những làm cho cái chuẩn bị biến dạng, méo mó mà còn khiến giá trị thẩm mỹ bị xa rời, không tuân theo những nguyên tắc làm nên giá trị chung đã được cộng đồng, xã hội tôn trọng, thừa nhận. Làm sao có thể chấp nhận khi bản thân nghệ sĩ là người của công chúng lại đi chửi nhau trên mạng xã hội, phát ngôn kém văn hóa, quảng cáo thuốc có hại cho sức khỏe người dùng?" - NSND Trần Minh Ngọc phân tích.
Một cảnh trong vở kịch “Bàn tay của trời” của Sân khấu Hoàng Thái Thanh được giới chuyên môn đánh giá cao về mặt chất lượng nghệ thuật
Chấn chỉnh hành vi của nghệ sĩ
Hầu hết các nghệ sĩ có tâm huyết đều hưởng ứng tích cực dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ trên báo chí, mạng xã hội sắp được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành. Dự thảo này được kỳ vọng sẽ chấn chỉnh những hành vi của nghệ sĩ, nhằm tạo nên làng giải trí nghệ thuật trong sạch sau những lùm xùm kéo dài thời gian qua.
Điều quan trọng hơn chính là ý thức nghệ sĩ công dân đối với sự cống hiến cho nghề, góp phần xây dựng những tác phẩm nghệ thuật nghiêm túc. NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, nhấn mạnh khi sàn diễn được sáng đèn trong điều kiện bình thường mới, đòi hỏi các khâu đầu tư sáng tạo, nhất là khâu tiếp thị với khán giả, đều phải đổi mới hoàn toàn.
"Ý tưởng cho các kịch bản mà tôi chuẩn bị lên sàn tập trước đợt giãn cách xã hội không còn phù hợp nữa. Đi qua đại dịch, mất mát trong đại dịch, cuộc sống đã khác. Đã đến lúc sân khấu cũng phải khác, đi cùng nỗi buồn, đi qua nỗi buồn và thanh lọc nỗi buồn bằng những tác phẩm phù hợp trong điều kiện bình thường mới" - NSND Trần Ngọc Giàu bộc bạch.
NSƯT Ca Lê Hồng cho rằng sân khấu cần mạnh dạn nhìn vào đúng điểm yếu của mình, cần có nhiều kịch bản mổ xẻ đúng vấn đề khiến danh dự nghệ sĩ bị tổn thương. Theo bà, các trại sáng tác kịch bản trực tuyến cần tổ chức với chủ đề xoay quanh các tác động của mạng xã hội đến đời sống, tác phong nghệ sĩ.
Các sân khấu xã hội hóa và các đoàn kịch công lập cần được tiếp cận nguồn kịch bản trong điều kiện bình thường mới, nói đúng những vấn đề người dân quan tâm khi sống chung với dịch, đồng thời có kịch bản xoáy sâu vào việc giải thoát vòng vây thị phi của một số nghệ sĩ. "Chỉ có thể bằng chính tác phẩm nghệ thuật được chăm chút, đầu tư nghiêm túc mới bền vững trong lòng khán giả" - NSƯT Ca Lê Hồng nhìn nhận.
Hầu hết các nghệ sĩ tâm huyết đều tin rằng chỉ có những tác phẩm nghệ thuật mới cải thiện được mối quan hệ với công chúng, khi người nghệ sĩ trung thực, cư xử đúng chuẩn mực, biết lắng nghe đóng góp để hoàn thiện bản thân. Đặc biệt, không lợi dụng danh tiếng, tầm ảnh hưởng để thực hiện những hành vi trục lợi cá nhân. "Trên hết, nghệ sĩ phải có lối sống trong sáng, lành mạnh, biết giữ hình ảnh, uy tín để lan tỏa những điều tốt đẹp trong cộng đồng" - NSND Kim Cương mong mỏi.
Mức phạt chưa đủ răn đe
Nhiều ý kiến cho rằng Bộ Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ sẽ kịp thời chấn chỉnh các vấn đề mà dư luận quan tâm thời gian qua về hình tượng của người nghệ sĩ trong đời sống văn hóa. Tuy nhiên, đọc kỹ dự thảo bộ quy tắc sẽ thấy sức răn đe chưa đủ mạnh. Việc nghệ sĩ phát ngôn phản cảm, quảng cáo sản phẩm kém chất lượng nhưng chỉ bị phạt hành chính với mức tiền quá nhẹ, không phải là điều mà công chúng chờ đợi.
Cần bổ sung mức phạt tiền và có thời hạn cấm hoạt động nghề nghiệp, xuất hiện trước công chúng trong thời gian nhất định; bắt buộc phải tham gia các lớp học về đạo đức nghề nghiệp, ý thức công dân và chịu trách nhiệm về hành vi ứng xử để chỉnh đốn lối sống, phát ngôn...
"Lâu nay cứ phát biểu rồi sau đó xin lỗi, một vài nghệ sĩ lợi dụng sự dễ dãi này để tạo tiếng vang nhằm đánh bóng tên tuổi. Cần một "vòng kim cô" đủ sức mạnh kiềm chế để nghệ sĩ giữ hình ảnh đẹp trong mắt công chúng. Nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật" - NSƯT Ca Lê Hồng nhấn mạnh.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/van-nghe/tim-giai-phap-lam-trong-sach-showbiz-viet-20210912182322443.htm