Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn thừa nhận âm nhạc đã cho anh tất cả: khán giả, một mái ấm gia đình, sống được bằng nghề mà mình yêu thích. "Còn điều gì hạnh phúc hơn nữa?" - nam nghệ sĩ bộc bạch
Trình diễn là sứ mệnh của nghệ sĩ nhưng có những buổi trình diễn đã khiến người xem phải rơi nước mắt vì xúc động.
Một "sân khấu" đặc biệt
Clip biểu diễn mới đây của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, đeo kính chống giọt bắn cùng chiếc khẩu trang khoét một lỗ ở giữa thổi kèn saxophone bài "Quê hương", tại bệnh viện dã chiến ở TP HCM (phục vụ hàng trăm y - bác sĩ và bệnh nhân Covid-19) đã gây ấn tượng mạnh trong cộng đồng.
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn biểu diễn cùng con gái An Trần
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn chia sẻ: "Tôi từng biểu diễn không biết bao nhiêu sân khấu lớn nhỏ khác nhau nhưng có lẽ đêm diễn tại bệnh viện dã chiến số 3 và số 6 là một "sân khấu" đặc biệt nhất trong cuộc đời hoạt động âm nhạc của mình".
Khán giả không lạ với âm nhạc của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, càng không bất ngờ với nhiều thành tích của anh. Mỗi sản phẩm biểu diễn của anh đều là dấu son khó phai mờ trong lòng khán giả yêu nhạc. Anh tâm sự: "Cây kèn saxophone rất đa dạng, có lúc nghe rất buồn, lúc giận dữ, lúc đỏng đảnh... Với tôi, saxophone là một nhạc cụ "mở", có thể thể hiện được mọi trạng thái của âm nhạc. Thế nên, tôi luôn cố gắng đưa "ngôn ngữ Việt" vào tiếng kèn saxophone. Thông qua cây saxophone, tôi đã sáng tạo ra một loại nhạc jazz bằng ngôn ngữ Việt".
Âm nhạc của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cũng gắn liền với nhạc Trịnh. Nhưng anh cũng có một cách riêng để tạo dấu ấn cá nhân trong những sản phẩm của Trịnh Công Sơn. "Cần phải làm mới nhạc Trịnh nhưng làm mới không có nghĩa là lấy nhạc của mình đè lên tác phẩm gốc, mà phải làm thăng hoa tính dân tộc trong âm nhạc Trịnh Công Sơn. Một bản hòa âm đạt yêu cầu thì phải chuyển tải được hết ý tưởng của tác giả đến người nghe" - nam nghệ sĩ nói.
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn còn có những sản phẩm nghệ thuật mang tính khai phá tạo ra các xu hướng mới trong âm nhạc. Cách đây không lâu, trong sản phẩm "Âm nhạc Đông Dương" kết hợp cùng nghệ sĩ guitar người Pháp gốc Việt Nguyên Lê, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đã khắc họa một hành trình âm nhạc kỳ thú khi khám phá nguồn cội văn hóa dân gian Việt Nam qua các bài dân ca nổi tiếng.
Đừng ỷ vào "con nhà nòi"
Nam nghệ sĩ từng kể anh là "con nhà nòi" vì bố (Tùng Ngọc), mẹ (Kim Ngôn), chị (Phương Khanh)... đều là những nghệ sĩ có tiếng của Đoàn Cải lương Chuông Vàng. Từ nhỏ, anh đã được bố mẹ dắt theo và cho biểu diễn trong dàn nhạc Đoàn Cải lương Chuông Vàng. "Chính nhờ những năm tháng theo đoàn cải lương đó mà tôi có được những kiến thức về âm nhạc, về nghệ thuật dân gian Việt Nam, vốn liếng đã được tích lũy này giúp ích cho tôi rất nhiều trong sáng tác cũng như phong cách biểu diễn của tôi hiện nay. Nhưng tôi chưa bao giờ ỷ lại vào gia đình, mà luôn nỗ lực không ngừng để làm nên tên tuổi cho chính mình" - nam nghệ sĩ trải lòng.
Sẽ không lạ khi nghe nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn nói với An Trần (con gái theo nghiệp saxophone của cha): "Con chơi saxophone tốt, không có nghĩa con là người đặc biệt. Con cũng giống các bạn khác mà thôi. Các bạn có người giỏi toán, thể thao, vật lý thì con giỏi về nghệ thuật".
Cha mẹ nào mà không tự hào khi có cô con gái giỏi giang và được nhiều người mến mộ. Anh cũng vậy. Nhưng anh đã trò chuyện với An Trần: "Nếu con cứ ỷ vào cái mà người ta gọi là "con nhà nòi" mà không chịu rèn luyện, không học hỏi, không nhún nhường, con sẽ đánh mất khả năng bẩm sinh trời cho. Có thể bây giờ, con trình diễn kèn như thế, người ta thấy hay nhưng khi con 16 - 17 tuổi mà vẫn trình diễn như vậy, không có gì hay hơn thì sẽ không còn ai nghe con chơi kèn nữa".
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cho biết anh đang ấp ủ mở một dự án trung tâm nhạc đương đại và kết nối tất cả môi trường giáo dục ở nước ngoài để cấp chứng chỉ cho học viên. "Tôi muốn đào tạo ra những nghệ sĩ có khả năng, kinh nghiệm sân khấu cũng như có đủ điều kiện của tất cả các yếu tố mà xã hội, hoạt động nghệ thuật thực tế đang cần" - anh chia sẻ.
Theo Thùy Trang/ NLĐ
https://nld.com.vn/van-nghe/nghe-si-tran-manh-tuan-am-nhac-cho-toi-nhieu-thu-20210824212559065.htm