“Dân du mục kỹ thuật số” đã góp phần thúc đẩy du lịch ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Nước Anh kỳ vọng vào du khách quốc tế, còn Pháp trông cậy vào khách nội địa.
Theo trang web Nomad List, đảo Tenerife là 1 trong 10 địa điểm làm việc từ xa phát triển nhanh nhất trong 7 tháng đầu năm 2021 - Ảnh: travelinglifestyle.net
"Dân du mục kỹ thuật số" đang góp phần vực dậy ngành du lịch vốn đã lao đao trong đại dịch ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Họ muốn tận dụng thời gian làm việc từ xa để đi đây đi đó trước khi trở lại văn phòng.
Hãng hàng không, cơ sở lưu trú hưởng lợi
Chị Jennifer Iduh phụ trách nghiên cứu và phát triển của Ủy ban Du lịch châu Âu trả lời Reuters: "Chúng tôi đang chứng kiến xu hướng du mục kỹ thuật số gia tăng. Xu hướng này giữ vai trò quan trọng đối với ngành du lịch trong thời đại dịch vì đã góp phần lưu trú dài hạn và thúc đẩy kinh tế địa phương".
Tại Tây Ban Nha, số lượng du khách quốc tế trong nửa đầu năm 2021 đã đạt 33% so với 10 triệu du khách cùng kỳ năm 2019. Con số này tiếp tục gia tăng.
Số lượng khách đặt vé máy bay giá rẻ và đặt chỗ lưu trú cũng tăng đột biến.
Hãng hàng không giá rẻ Ryanair ghi nhận từ tháng 4 đến 7-2021, các chuyến bay đến quần đảo Canary đã tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh số bán vé máy bay đến quần đảo Canary trong tháng 6-2021 tăng 32% so với tháng trước và tăng 74% so với tháng 6-2020.
Số lượng khách đặt vé đến đảo Tenerife cũng tăng gấp đôi.
Theo cổng thông tin bất động sản Idealista, nhu cầu lưu trú trên 15 ngày tại các quần đảo Canary và Balearic (Tây Ban Nha) cũng như quần đảo Madeira (Bồ Đào Nha) đã tăng 51% vào mùa hè rồi và xu hướng này tiếp diễn trong năm 2021.
Cơ quan du lịch quần đảo Canary ước tính đón tiếp khoảng 8.000 nhân viên làm việc từ xa trong năm nay và dự kiến có thêm 30.000 người nữa đến trong 5 năm tới.
Để thu hút du khách quốc tế, các hãng hàng không, các chuỗi khách sạn và các cơ sở lưu trú đang cung cấp giá ưu đãi trọn gói cho người muốn lưu lại châu Âu nhiều tuần.
Anh Alex Swaton người Mỹ và chị Olga Paul người Đức đến Las Palmas trên đảo Gran Canaria (Tây Ban Nha) vừa du lịch vừa làm việc từ xa - Ảnh: REUTERS
Anh nới lỏng nhưng Mỹ vẫn siết
Trang web TravelPulse ghi nhận xu hướng kết hợp làm việc từ xa với du lịch bùng nổ vào thời điểm một số quốc gia châu Âu nới lỏng các quy định phòng dịch để thu hút du khách.
Từ ngày 2-8, du khách từ Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã tiêm đầy đủ các loại vắc xin ngừa COVID-19 đúng quy chuẩn sẽ không cần cách ly từ 5-10 ngày khi nhập cảnh vào Anh.
Đây là cú huých lớn giúp các hãng hàng không và công ty du lịch vốn phải thu hẹp hoạt động trong mùa dịch.
Ngược lại ngày 2-8, Mỹ thông báo trong tương lai gần sẽ không dỡ bỏ bất kỳ hạn chế đi lại hiện hành nào do lo ngại biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao.
Bà Tori Emerson Barnes - phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Mỹ - nhận xét: "Các nhà lãnh đạo Chính phủ Anh đã đưa ra quyết định khôn ngoan khi mở cửa trở lại nước Anh cho du khách đã tiêm chủng đến từ Mỹ".
Bà đề nghị: "Đã đến lúc giới lãnh đạo Mỹ làm điều tương tự và ấn định lộ trình mở lại biên giới quốc gia. Chúng tôi khuyến khích họ bắt đầu với các du khách đã được tiêm vắc xin đến từ Anh, EU và Canada. Trên thực tế không có gì khác giữa một người Mỹ đã tiêm vắc xin với những người đã tiêm ở Anh, EU và Canada".
Hành khách qua cổng kiểm soát tại sân bay Heathrow (Anh) cuối tháng 6-2021 - Ảnh: REUTERS
Du lịch Pháp sống nhờ khách nội địa
Tại Pháp hôm 1-8, Quốc vụ khanh phụ trách du lịch Jean-Baptiste Lemoyne đã tuyên bố trên báo Journal du Dimanche: "Năm nay chúng tôi hy vọng sẽ đón 50 triệu du khách nước ngoài so với 35 triệu năm ngoái và 90 triệu năm 2019. Mùa hè năm nay sẽ tràn đầy hy vọng".
Ông giải thích du khách trở lại Pháp chủ yếu đến từ châu Âu như người Đức, người Hà Lan, người Bỉ. Người Anh có thể đến ít hơn vì khi về nước phải cách ly 14 ngày.
Đối với du khách đến từ các nơi xa hơn ở châu Á và Mỹ, số lượng dự kiến không nhiều, đặc biệt du khách châu Á khó quay trở lại trước năm 2022.
Trong bối cảnh đó, Pháp trông cậy vào khách nội địa.
Ông Lemoyne đánh giá: "Năm 2020, 94% người Pháp đi nghỉ ở Pháp. Năm nay, họ đã chiếm 80%. Do đợt dịch thứ tư xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, nhiều người cuối cùng đã chọn khám phá đất nước chúng ta. Chắc chắn số lượng sẽ tăng lên 85%".
Theo thống kê, không chỉ nhiều công dân Pháp đi nghỉ hè trong nước mà thời gian lưu trú còn dài hơn, trung bình 12 ngày so với 10 ngày trong những năm trước.
Người Pháp chi tiêu bình quân 1.505 euro và 33% dự tính sẽ chi thêm. Mức chi này vẫn ổn định so với những năm trước.
Trong kỳ nghỉ hè, hầu hết đã chọn căn hộ để lưu trú nhằm duy trì giãn cách mùa dịch.
Xu hướng này đã tác động tích cực đến vùng nông thôn, nơi tập trung nhiều nhà cửa với giá phải chăng so với vùng ven biển.
Theo Hoàng Duy Long/ Tuổi Trẻ
https://dulich.tuoitre.vn/du-lich-khoi-sac-nho-xu-huong-di-choi-ket-hop-lam-viec-tu-xa-20210804175514015.htm