Cổng làng là một bộ phận cấu thành ngôi làng người Việt xưa. Không chỉ là kiến trúc, nó là hồn cốt, là nơi thể hiện ước mơ, khát vọng của người dân.
Cổng làng Cựu (Phú Xuyên, TP. Hà Nội). Ngoài cổng trên đầu 4 cột có đắp một đôi thiềm thừ, một đôi kỳ lân cùng phía trong cổng có 4 cột, trên đỉnh hai cột đắp phượng múa, và trên đỉnh đôi cột khác đắp 2 bình rượu. Trên các cột có vạch trang trí dây leo và hoa lá.
Cổng quay về hướng bắc, đây chỉ là cổng hậu của làng. Ngày xưa, làng có cổng Tiền ở gần đình làng, quay hướng Nam, nhưng trong kháng chiến làng đã tự phá để thông thoáng khi xe vận tải vào làng nhận lương thực.
Cổng xây theo kiểu "quyển thư". Đứng ở tâm cổng làng nhìn sang làng Chản, có cảm tưởng hai cánh cổng được mở sang hai phía, như trang sách mở rộng. Có một điều đặc biệt là những vật thể trang trí tại đây đều có sự hòa trộn giữa văn hóa Á Đông và phương Tây.
Làng Cựu là một làng một làng Việt cổ nhưng lại có nhiều ngôi nhà xây theo kiểu phương Tây tạo nên cảnh "phố Âu trong làng Việt", hiện tại có nhiều căn biệt thự đang bị bỏ hoang.
Cổng làng Nôm (Văn Lâm, Hưng Yên). Làng có hai cổng lớn theo trục Đông - Tây, mỗi cổng được xây dựng và thiết kế cầu kỳ có khắc câu đối với ý nghĩa nói về truyền thống của làng và khuyên răn con cháu. Cổng phía đông được xây dựng vào năm Ất Mão (1915), được xem là cổng làng đẹp nhất xứ Bắc.
Cổng được xây theo kiểu bát trụ, kiểu cổng mà chỉ hoàng thân quốc thích xưa kia mới có. Toàn bộ cổng làng có chiều cao 7,75 m, chiều rộng 10,4 m. Trong khi đó cổng phía tây được xây dựng vào năm 2011, nằm phía sau Văn chỉ và đình Đại Đồng. Cổng này có kết cấu và trang trí kiến trúc cơ bản giống với cổng cổ phía Đông.
Quần thể di tích làng Nôm là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ dân tộc, nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng cho nhân dân địa phương.
Cổng làng "Trong ấm ngoài êm" thuộc thôn Trinh Lương (Hà Đông, Hà Nội). Theo những cụ lớn tuổi trong làng, trước có nhiều người chơi cờ bạc, gia đình vợ chồng hay cãi cọ nên khi xây sửa cổng, dòng chữ này được thực hiện với mong muốn nhắc nhở người dân hãy thay đổi những thói xấu này.
Cổng làng Ước Lễ (Thanh Oai, TP. Hà Nội) được xây dựng từ khoảng thế kỷ XVI, XVII, có hình dáng bề thế, đồ sộ nhưng không đối chọi hay lấn át cảnh quan xung quanh. Sử sách ghi lại, cổng làng Ước Lễ được xây từ thời Mạc, là một trong những cổng làng vào loại sớm và đẹp nhất ở Hà Nội còn lại đến ngày nay. Mặt trước có 3 chữ "Ước Lễ môn".
Vòm cổng xây cuốn hình parabol, đây chính là sự phối hợp của hình vuông và hình tròn theo triết lý âm dương của người Việt. Vòm cổng được ghép bằng gạch viên và chít bằng vữa tạo thành vòm cong với đường lượn khéo léo.
Nhìn từ xa, cổng cho cảm giác về một công trình kiến trúc vững chắc, đồ sộ như một công trình quân sự. Chiếm một không gian lớn với cây cầu, cổng vòm, tường gạch có kích thước tương đồng. Cổng hình vòm cuốn, mái cong vút, hai cột bên và trên hai mặt đều đắp nổi chữ Hán. Trên gác cổng có treo bức đại tự "Mỹ Tục Khả Phong".
Cổng có dáng chung là hình thang, cao 6 m, ngang 12 m, được xây bằng gạch chỉ nung đỏ. Chất liệu xây dựng, gia cố, làm mái hoàn toàn bằng gạch và bê tông, mang lại nét bề thế, chắc chắn. Hai bên cổng làng, trước đây còn có con chó bằng đá xanh nhẵn bóng, ngồi trên mặt đất, ngày đêm như canh chừng kẻ gian vào làng, được xem như một liệu pháp tinh thần phục vụ cho việc bảo vệ trị an.
Giống như một số cổng làng khác, cổng làng Ước Lễ có bốn mảng kiến trúc: vòm cổng, mặt cổng, trụ cổng và mái cổng. Những thành phần kiến trúc này không rời rẽ mà liên kết với nhau, tạo sự bền vững, hài hòa, có giá trị thẩm mỹ. Mặt sau cổng làng Ước Lễ và ở nhiều cổng làng khác có chữ "Thiểu cao đại" nhắc nhở mọi người phải có chí học hành tiến thủ để được thành đạt trong cuộc sống.
Cổng làng Khoái Cầu (Thường Tín, TP. Hà Nội), tên nôm gọi là làng Khoai. Là ngôi làng cổ có truyền thống lâu đời, đình làng thờ vị Thượng đẳng phúc thần là Linh Lang Đại Vương.
Mặt trong ghi 3 chữ "Đối tại thiên". Đối xứng với mặt trước là 3 chữ "Đồng nhân hanh".
Cổng làng nằm ở vị trí ngay cạnh đình làng. Đình Khoái Cầu được xây dựng lâu đời, quy mô to lớn bao gồm hậu cung, tiền tế, đại bái, tả - hữu mạc. Trong đình có nhiều di vật quý, đặc biệt có một con voi đồng, đúc nặng khoảng một tấn.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/nhung-cong-lang-tuyet-dep-con-lai-o-nong-thon-mien-bac-20210630031442203.htm