Tái chế sáng tạo không chỉ dừng lại ở một định nghĩa mà còn là phương thức hoạt động phổ biến mới của ngành công nghiệp thời trang hiện nay
Ngành công nghiệp thời trang đang rơi vào khủng hoảng, ngay cả các thương hiệu hàng đầu thế giới cũng không tránh khỏi. Để tự cứu, ngành công nghiệp thời trang đang viết một công thức mới.
Nền công nghiệp thời trang tái chế sáng tạo ra đời và trở thành xu hướng thịnh hành trên khắp thế giới hiện nay. Bộ sưu tập "Upcycled" của thương hiệu thời trang Miu Miu với hơn 80 thiết kế tạo nên những bộ trang phục cũ từ chính nhà tạo mốt này. Qua đó, khẳng định thuật ngữ tái chế sáng tạo "Upcycling" chính là giải pháp hoàn hảo cho ngành công nghiệp thời trang đang gặp nhiều khủng hoảng sau những đợt giãn cách dài ngày vì dịch Covid-19.
Thương hiệu Moschino tiết kiệm khoản chi phí thuê người mẫu, thay vào đó họ dùng mẫu giả .Ảnh: ELLE
Trước đó, nhà thiết kế Marine Serre đã ra mắt bộ sưu tập Maree Noire áp dụng phương thức tái chế sáng tạo, sử dụng vải thừa từ những bộ sưu tập cũ của mình cho các thiết kế mới, dù quá trình này không hề dễ dàng, mất nhiều thời gian thu thập và sản xuất hơn. Tiếp bước nhà tạo mốt Pháp, Banana Moon cũng biến những mảnh vải thừa thành đồ bơi.
Thực tế, khái niệm "vải thừa" là điều tối kỵ trong ngành công nghiệp thời trang cao cấp. Đó chính là lý do câu chuyện quen thuộc của những thương hiệu thời trang xa xỉ là "thà đốt bỏ chứ không chịu công khai giảm giá hoặc hy sinh danh tiếng". Không bàn đến biểu đồ doanh thu đi xuống hay số cửa hàng phải đóng cửa bởi đại dịch Covid-19 đối với ngành thời trang, việc các thương hiệu thiết kế phải tự thay đổi để cứu mình là điều cần thiết. Giải pháp quan trọng được nhiều nhãn hàng áp dụng là dừng lãng phí và tiết kiệm hơn.
Nhiều năm qua, theo dòng thời gian của thời trang, lịch trình diễn khá dày đặc. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn kéo dài, đa số người tiêu dùng có xu hướng "thắt lưng buộc bụng". Vì thế, các bộ sưu tập vừa ra mắt có nguy cơ tồn kho lớn, trong khi những bộ sưu tập của mùa sau có thể bị trì hoãn, chậm trễ hoặc thậm chí hủy bỏ từ cả phía nhà cung cấp lẫn người mua. Vấn đề này đã được đặt ra trong rất nhiều năm.
Năm nay, Saint Laurent và Gucci đã quyết định thay đổi, rút gọn số lượng bộ sưu tập được ra mắt mỗi năm, từ bỏ khái niệm thời trang theo mùa để giảm thiểu các sản phẩm không cần thiết. Bên cạnh đó, Prada, Re/Done, Germanier… cũng tận dụng vải thừa, tái chế rác thải biển cho các sản phẩm. Phương án tiết kiệm triệt để còn được các thương hiệu đẩy mạnh khi tuyển dụng chính những nhân viên của mình vào vai trò người mẫu của BST Resort 2021. Ý tưởng này không chỉ ứng phó với khó khăn tuyển chọn người mẫu mà còn tôn vinh những nhân viên thầm lặng đằng sau thương hiệu, đồng thời mang lại cảm giác thân thiện, chân thực.
Tái chế sáng tạo thúc đẩy sự "thay máu" trong quá trình sản xuất thời trang truyền thống, cũng như nhà thiết kế buộc phải đối mặt áp lực tạo nên những thiết kế chất lượng từ vải tận dụng nhưng điều này không đồng nghĩa với việc bộ sưu tập có thể thành công về mặt doanh thu. Chính thế giới thời trang thừa nhận tái chế sáng tạo là một sân chơi ai cũng có thể tham gia, bởi có hàng trăm cách các nhà tạo mốt có thể áp dụng để lặp lại vòng đời của vải vóc, trang phục.
Vì thế, tái chế sáng tạo đã trở thành tuyên ngôn xu hướng lớn nhất của mùa thời trang 2021, với hàng loạt bộ sưu tập của các thương hiệu thời trang danh giá. Marco Gobbetti, CEO của thương hiệu Burberry, nói: "Sang trọng kiểu hiện đại vẫn phải có trách nhiệm với xã hội và môi trường..." và khẳng định đó là niềm tin cốt lõi của họ.
Tại nền công nghiệp thời trang Việt, thương hiệu thời trang tái chế đang dần chiếm được cảm tình của khách hàng là aka.mydinh của Đinh Nguyễn Kiều My với hành trình "giải thoát" nguyên liệu tồn dư từ các dây chuyền sản xuất thời trang khắp TP HCM thành những mẫu thiết kế ưa nhìn; thương hiệu Couple TX sử dụng nhựa tái chế và bã cà phê trong một số sản phẩm…
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/van-nghe/nganh-cong-nghiep-thoi-trang-tu-cuu-20210629210246975.htm