Vẫn là các nguyên liệu đơn giản như cá lóc, củ nghệ, rau nhút, bông điên điển… thế nhưng vợ chồng bà Trần Thị Trong (An Giang) lại biến các nguyên liệu ấy thành món bún cá xác lập kỷ lục Việt Nam.
Từ món ăn bị ế đến đặc sản lập kỷ lục
Đến TP Long Xuyên nhắc đến món bún cá có lẽ không ai không biết đến câu chuyện khởi nghiệp của đôi vợ chồng nhà giáo về hưu là ông Trần Khắc Hùng (73 tuổi) và bà Trần Thị Trong (74 tuổi), chủ quán bún cá Hiếu Thuận nằm trên đường Lê Lợi thuộc phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên, An Giang.
Ông Trần Khắc Hùng cho biết, quê gốc của ông vốn ở Châu Đốc, từ nhỏ mẹ ông đã hay nấu bún cá cho cả nhà ăn. Đến khi ông lấy vợ, mẹ ông lại tiếp tục truyền dạy món ăn này cho con dâu. Ngày ấy vợ chồng ông chỉ nghĩ bún cá là món ăn trong gia đình chứ không nghĩ tới chuyện kinh doanh từ nó.
"Khi vợ tôi sắp về hưu cũng là lúc con trai lớn của tôi chuẩn bị lên đại học. Thu nhập từ nghề giáo của hai vợ chồng không đủ xoay sở và lo cho con cái ăn học thế là vợ tôi quyết định nghỉ làm, tận dụng mặt bằng tại nhà mở quán bán bún cá", ông Hùng chia sẻ.
Bún cá là món ăn truyền qua nhiều thế hệ trong gia đình ông Hùng (Ảnh: Bảo Kỳ).
Bà Trần Thị Trong, vợ ông Hùng tâm sự, năm 1989 vợ chồng bà mở quán bún cá đặt tên là Hiếu Thuận. Thời điểm mới bắt đầu kinh doanh gặp không ít khó khăn vì ngày đó người dân ở Long Xuyên không ai biết món này là món gì. Suốt hơn một tháng trời bà phải ăn bún cá trừ cơm, dần dà người dân biết tới nhiều hơn, người này giới thiệu người kia nên lượng thực khách đến quán được ổn định dần.
Sau đó, món ăn lạ miệng này rộ lên như một hiện tượng trong giới ẩm thực, nhiều quán xá kinh doanh bún cá mọc lên như nấm. Tuy nhiên với người sành ăn họ vẫn yêu thích bún cá của ông bà giáo cũng bởi hương vị đặc trưng khó lẫn.
Trước khi về hưu bà Trong đã ấp ủ ý định mở quán bún cá để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống (Ảnh: Bảo Kỳ).
Ngoài việc được khách hàng ủng hộ, năm 2012 sau đề cử của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đến quán nếm thử, thẩm định và để người dân bình chọn. Sau đó, Tổ chức này đã trao bằng xác nhận kỷ lục bún cá Long Xuyên là một trong 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam.
Bí quyết nước nấu nước lèo
Để tạo nên hương vị thơm ngon của bún cá không thể thiếu rau ăn kèm như rau nhút, rau muống, bông điên điển... Đặc biệt không thể bỏ qua nồi nước lèo đậm đà được nấu từ 50kg cá lóc đồng tạo nên vị ngọt đặc trưng cho món bún cá lâu đời.
Thực khách thưởng thức món bún cá "trứ danh" ở Long Xuyên (Ảnh: Bảo Kỳ).
Nữ chủ nhân quán bún cá tiết lộ, hằng ngày bà phải dậy sớm đi chợ chọn được cá tươi ngon. Cá lóc để nấu bún cá là cá lóc đồng kích cỡ 800g/con. Cá mang về phải làm sạch rồi rửa rất kỹ cho cá bớt tanh. Khi tẩm ướp phải cho cá thêm chút sả, nghệ vừa là để tạo màu, vừa giúp cá khử tanh. Luộc xong thì phải gỡ thịt bằng tay. Phải thật là khéo thì miếng nạc cá mới còn giữ nguyên vẹn, không bị bể nát.
"Còn về rau thì mùa nào tôi thêm thứ rau đó nhưng không thể thiếu rau nhút và bông điên điển vì hai thứ này giúp cho tô bún cá không chỉ có màu sắc đẹp mà còn tăng mùi vị cho tô bún. Cũng như cá lóc, rau được tôi chọn lựa rất kỹ. Bán ngày nào thì mua ngày nấy", bà Trong bật mí.
Năm 2012 món bún cá của ông bà được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố món bún cá trở thành một trong 50 món đặc sản nổi tiếng Việt Nam (Ảnh: Bảo Kỳ).
Là khách quen của quán bún cá Hiếu Thuận, chị Phan Thị Hồng Vân chia sẻ: "Trước giờ ăn bún cá nhiều nơi nhưng vẫn thấy bún cá ở đây đặc biệt nhất. Thịt cá ở quán cô Trong không có xương, cá nấu từ cá lóc đồng có độ dai dai kết hợp với đa dạng rau ăn kèm khiến mùi vị bún cá thơm ngon hơn hẳn".
Ngoài khách nội ô thành phố, từ khi món bún cá của vợ chồng nhà giáo về hưu xác lập kỷ lục Việt Nam đã có rất đông thực khách từ các tỉnh, thành trên cả nước tìm đến thưởng thức. Thậm chí nhiều đoàn khách phải đặt chỗ trước mới có thể thưởng thức được món bún cá trứ danh.
Theo Bảo Kỳ/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/du-lich/mon-bun-ca-nuc-tieng-cua-doi-vo-chong-u80-lot-top-dac-san-viet-nam-20210618164031113.htm