Bộ phim Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, thắp sáng niềm tin (Công ty TNHH MTV Hãng phim tài liệu và khoa học T.Ư sản xuất) vừa chiếu trên VTV1 hôm 19.5 đã dùng nhiều hình ảnh của phim khác mà không xin phép, không ghi rõ nguồn.
“Dùng lại” phim của đạo diễn khác
Nữ đạo diễn đã về hưu Nguyễn Việt Nga khi xem bộ phim Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, thắp sáng niềm tin (Công ty TNHH MTV Hãng phim tài liệu và khoa học T.Ư sản xuất) trên sóng VTV1 vào ngày 19.5 đã phát hiện trong đó có nhiều hình ảnh, đoạn phỏng vấn trong phim Bác Hồ sự cảm hóa kỳ diệu mà bà Nga đã thực hiện suốt 3 năm từ 2008 - 2011 với những hành trình dài đi gặp nhiều nhân chứng lịch sử. Trong đó có thượng nghị sĩ Pháp Helene Luc, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Pháp Pierre Laurent, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình... Bộ phim Bác Hồ sự cảm hóa kỳ diệu cũng đã được phát sóng trên kênh VTV1, VTV4 vào các năm 2011, 2012, 2013, 2014. Bà Nga không được xin phép và cũng không có tên trong phim Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, thắp sáng niềm tin.
Đến mức độ lấy của nhau một cách trắng trợn và hồn nhiên thế này thì đó là sự báo động về đạo đức nghề nghiệp
Ông Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Điện ảnh)
Nữ đạo diễn Nguyễn Việt Nga cũng chia sẻ trên trang Facebook: “Theo mình, dù bản quyền bộ phim là của Hãng phim tài liệu và khoa học T.Ư, nhưng nội dung bộ phim, lời bình, các phỏng vấn nhân chứng là bản quyền trí tuệ của tác giả. Những người làm phim chỉ được phép in trích tư liệu rời (từng cảnh quay) trong phim để dựng vào phim của mình, chứ không thể bê nguyên xi bộ phim của người khác đặt vào tên phim của mình”.
Một bức thư có ký tên lãnh đạo hãng cũng được bà Nga đưa lên Facebook. Theo đó, ông Nguyễn Quang Tuấn, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Hãng phim tài liệu và khoa học T.Ư, cho bà Nga biết thông tin ban lãnh đạo hãng đã chỉ đạo đạo diễn Nguyễn Quý Mạnh Minh viết giải trình và khắc phục lỗi vi phạm của bộ phim Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, thắp sáng niềm tin. Đảng ủy, Ban giám đốc cũng đề nghị Hội đồng khen thưởng kỷ luật của hãng kỷ luật ông Nguyễn Quý Mạnh Minh thôi chức xưởng phó phụ trách xưởng Miền núi đối ngoại.
Về phần mình, bà Nga cũng chia sẻ trên Facebook về việc yêu cầu Hội đồng nghệ thuật hãng phim làm việc với ông Nguyễn Quý Mạnh Minh phải dựng lại bộ phim Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, thắp sáng niềm tin theo đúng nội dung kịch bản mà Cục Điện ảnh đã duyệt năm 2020. Mặc dù vậy, khi Thanh Niên đặt vấn đề phỏng vấn về vụ việc này, bà Việt Nga từ chối trả lời.
Sẽ xử lý nội bộ ?
Ông Nguyễn Quang Tuấn cho biết muốn giải quyết nội bộ vụ việc này vì cả bà Việt Nga lẫn ông Mạnh Minh đều là người trong cơ quan. Theo ông Tuấn, dù đã xem qua các phim xong, nhưng hãng cũng chưa lập hội đồng để kiểm tra thật chi tiết về vụ việc, chẳng hạn đếm xem có bao nhiêu thời lượng phim của ông Minh đã được lấy từ phim của bà Nga. “Tới đây, chúng tôi sẽ có hội đồng để kiểm tra mọi việc kỹ càng hơn”, ông Tuấn nói. Ông Tuấn cũng cho hay dù phim có việc “mượn hình và mượn lời không trao đổi với nhau”, nhưng các chi tiết không sai.
Ngày 4.6, Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL) có Văn bản số 407 gửi Công ty TNHH MTV Hãng phim tài liệu và khoa học T.Ư nêu: Ngày 19.5, bộ phim Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, thắp sáng niềm tin do Công ty TNHH MTV Hãng phim tài liệu và khoa học T.Ư sản xuất, được phát sóng trên VTV1 Đài truyền hình VN. Sau khi bộ phim được phát sóng đã có một số ý kiến xung quanh vấn đề bản quyền của bộ phim. Chính vì thế: “Cục Điện ảnh đề nghị Công ty TNHH MTV Hãng phim tài liệu và khoa học T.Ư có văn bản báo cáo về nội dung trên. Trường hợp bộ phim được sản xuất theo kế hoạch đặt hàng hằng năm của công ty bằng nguồn ngân sách nhà nước, đề nghị công ty gửi kịch bản gốc, giám định kịch bản, quyết định cho phép phổ biến kèm theo báo cáo”.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết có thể sử dụng những đoạn phim của nhau nhưng phải công khai nói rõ trên phim là sử dụng phim nào của ai và phải được sự đồng ý của tác giả phim đó.
Mặc dù vậy, một luật sư về sở hữu trí tuệ cho biết nếu việc duyệt phim không nghiêm, có thể dẫn đến việc sẽ có những bộ phim lấy lại của phim khác rất nhiều mà vẫn được cho qua khi chính các tác giả “bắt tay” nhau cho lấy. Khi đó, nhà nước có thể phải trả tiền thêm lần nữa cho một công việc đã phải trả tiền rồi.
Về vụ việc cụ thể này, ông Vi Kiến Thành cũng công nhận có khả năng nhà nước phải trả hai lần tiền cho một sản phẩm. “Đến mức độ lấy của nhau một cách trắng trợn và hồn nhiên thế này thì đó là sự báo động về đạo đức nghề nghiệp”, ông Thành nói.
Đặc biệt, vụ việc cũng cho thấy một nỗi lo của việc đặt hàng phim. Đó là lo lắng việc có những phim khi duyệt kịch bản và khi hoàn thành đã có một kịch bản khác xa bản được duyệt. “Kịch bản của Cục Điện ảnh lúc đầu là vấn đề về con người. Tức là ý nói Bác Hồ với vấn đề nhân sự, tổ chức cán bộ của sự nghiệp cách mạng. Chứ không phải phim như hướng vừa phát”, ông Thành chia sẻ.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/van-hoa/phim-chieu-tren-vtv1-cua-hang-phim-tai-lieu-va-khoa-hoc-tu-vi-pham-tac-quyen-1394040.html