Khán giả ngày nay không còn là những người thầm lặng ngưỡng vọng nghệ sĩ nữa. Với mạng xã hội, họ đã trở nên có tiếng nói. Nếu thất vọng về nghệ sĩ, họ có thể bày tỏ quan điểm rất mạnh mẽ.
Nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường (giữa) đồng tình với lối suy nghĩ "Khán giả nuôi nghệ sĩ" - Ảnh: NVCC
"Khán giả nuôi nghệ sĩ chỉ đúng nếu khán giả trả tiền mà nghệ sĩ không cần làm gì cả, nói chung là chỉ ngậm miệng ăn tiền" - câu nói này của MC Kỳ Duyên vấp phải sự phản đối vì phát ngôn thiếu cân nhắc?
Đằng sau cuộc tranh luận dữ dội "Khán giả có nuôi nghệ sĩ hay không?" trong những ngày qua, chúng ta thấy gì? Khán giả ngày nay không còn như xưa, họ sẽ làm mọi thứ để tiếng nói của mình được lắng nghe. Và các nghệ sĩ nên cẩn trọng hơn.
Chữ 'nuôi': ủng hộ, yêu thương hay 'bố thí'?
Mấy ngày qua, đa phần nghệ sĩ công nhận: "Có, khán giả đang nuôi nghệ sĩ". Nhiều người đồng tình: "Không có khán giả thì không có nghệ sĩ".
Nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường so sánh khán giả với khách hàng trong kinh doanh và viết: "Tôi cảm thấy may mắn khi được khách hàng nuôi vì tôi hiểu khách hàng cũng phải nai lưng vất vả kiếm tiền để mua sản phẩm của mình.
Họ rõ ràng đang nuôi tôi, nuôi 8 đứa con tôi một cách trực tiếp bằng cách mua sản phẩm vì họ hiểu và trân trọng những gì tôi làm. Điều đó đâu có gì sai hay đáng xấu hổ mà mình không trân trọng, không cảm ơn họ?".
Ca sĩ Trịnh Thăng Bình cho rằng suy nghĩ này đúng với những nghệ sĩ có thu nhập gián tiếp hoặc trực tiếp từ khán giả. Anh từng không được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng lại được khán giả đón nhận. Chính tình cảm đó đã giúp anh không bỏ nghề.
Bên cạnh đó là vài ý kiến trái chiều. Nhạc sĩ Nguyễn Quang viết: "Hãy từ bỏ ngay tư duy khán giả nuôi nghệ sĩ".
Ông phân tích: "Người nghệ sĩ cũng cần khán giả đến xem, nhưng không cần khán giả nuôi. Nghệ thuật phải bỏ sức lao động mới có, khán giả cũng phải bỏ sức lao động thì mới có tiền mua vé vào xem nghệ sĩ trình diễn, để rồi người nghệ sĩ ngày mai lại ra chợ mua gạo của khán giả bán. Vậy thì cuối cùng ai nuôi ai? Không ai nuôi ai cả".
MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên tỏ ra đồng tình: "Đối với tôi, chữ nuôi có nghĩa là một bên cho và một bên nhận, bên nhận không cần phải trả lại bằng bất cứ hình thức nào. Chẳng hạn như cha mẹ nuôi con. Con không cần làm gì hết, cha mẹ vẫn nuôi, lo ăn, lo học, cấp dưỡng mọi thứ.
Còn nói khán giả nuôi nghệ sĩ thì chỉ đúng nếu khán giả trả tiền mà nghệ sĩ không cần làm gì cả, không cần ca hát, đàn, diễn, múa... nói chung là chỉ "ngậm miệng ăn tiền". Đó mới gọi là nuôi".
Cách nói của Kỳ Duyên và Nguyễn Quang vấp phải sự phản đối từ cư dân mạng vì cách hiểu từ "nuôi" theo nghĩa chỉ thuần là mua bán, tiền bạc. Trong bài giải thích sau đó, bản thân Kỳ Duyên thừa nhận cô chưa hiểu hết nghĩa từ "nuôi" trong tiếng Việt mà đánh đồng với "cho không" hoặc "bố thí" nhưng nhiều khán giả vẫn 'không chấp nhận' lời giải thích này.
MC Kỳ Duyên thừa nhận đánh đồng chữ "nuôi" là cho không, bố thí - Ảnh: NVCC
Trong khi đó, xét theo nghĩa đen, khán giả gián tiếp hoặc trực tiếp trả tiền cho nghệ sĩ thông qua việc ủng hộ sản phẩm nghệ thuật, mua các mặt hàng nghệ sĩ kinh doanh hoặc quảng cáo (mà hầu hết là lấy tư cách nghệ sĩ, người của công chúng).
Còn xét về nghĩa bóng, nói như khán giả Phương Linh dưới bài đăng của MC Kỳ Duyên, "nuôi" nghĩa là "yêu thương, theo dõi, ủng hộ, đi đâu cũng kể về những câu nói, sự thông minh, duyên dáng của chị, mong chị luôn thành công". Phương Linh thất vọng vì dường như với một số nghệ sĩ, tình cảm đó không quan trọng bằng tiền bạc.
Khán giả ngày càng quyền lực
Theo trang Press Think, từ năm 2006, giới nghiên cứu đã bắt đầu công nhận sự có mặt của một thế hệ khán giả mới khi họ có nhiều phương tiện hơn để bày tỏ quan điểm.
Khán giả trước đây chỉ là người tiếp nhận, thưởng thức một chiều thông qua các kênh truyền thống như truyền hình, phát thanh. Còn ngày nay, nhờ internet, mạng xã hội và rất nhiều kênh kết nối khác, khán giả thế hệ mới đã tham gia, trở thành một phần không thể tách rời của hoạt động nghệ thuật.
Mark Thompson, cựu chủ tịch công ty The New York Times kiêm cựu tổng giám đốc BBC, đưa ra khái niệm "khán giả năng động". Họ là người bàn luận, tranh luận, sáng tạo, giao lưu và chia sẻ về tác phẩm. Một tác phẩm không được khán giả biết đến, bình phẩm hay lan tỏa thì hành trình của nó chưa trọn vẹn.
Như vậy, đóng góp của khán giả đối với nghệ thuật ngày càng lớn mạnh, chưa hề thuyên giảm. Khi một tác phẩm được yêu thích, lan tỏa, sức ảnh hưởng là rất rõ ràng: nghệ sĩ có mặt trên top thịnh hành, nổi tiếng hơn, đắt sô hơn, có nhiều hợp đồng quảng cáo hơn, thăng hạng về vị thế ngôi sao...
Và ngược lại, tác phẩm bị thờ ơ, ghét bỏ hoặc tệ hơn nữa là kêu gọi tẩy chay thì nghệ sĩ sẽ nhận hậu quả tương ứng.
Theo Mi Ly/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/mc-ky-duyen-noi-khan-gia-khong-nuoi-nghe-si-dung-xem-thuong-suc-manh-khan-gia-20210518201522678.htm