Khán giả không còn xa lạ gì với Hallyu hay “Làn sóng Hàn Quốc” trên các phương tiện truyền thông ở các nước và thậm chí còn đang lan tỏa tại Hollywood. Những cái tên như Park Chan Wook, Kim Jee Woon và Bong Joon Ho hiện đã quá nổi tiếng với khán giả Mỹ thông qua những bộ phim như “Old Boy” (2003), “Câu chuyện hai chị em” (2003), “Ký sinh trùng” (2019)…
Cảnh phim “Minari” của Hàn quốc là ứng cử viên sáng giá giải Oscar năm nay. Nguồn: CGV
Chưa kể trong năm vừa qua cả thế giới đang hỗn loạn vì COVID-19, kéo theo cái chết của đạo diễn Kim Ki Duk làm nhiều người tiếc nuối.
“Sóng Hàn” ở Hollywood
Hàn Quốc là một đất nước yêu điện ảnh và là thị trường khó tính luôn yêu cầu những bộ phim có cách kể chuyện tinh vi nhưng không dông dài hay mất tính thẩm mỹ. Phần nhiều những phim Hàn được chọn đi chinh phục Hollywood được khai thác ở những khía cạnh bạo lực, hoang dại, hài hước, đôi khi là kinh dị và luôn có những góc quay cuốn hút, đậm chất nghệ thuật nhưng được tôi rèn trong những đòi hỏi khắt khe của “thị hiếu Đại Hàn dân quốc”. Do đó, các đạo diễn xứ Kim Chi luôn tìm ra những hướng kể chuyện mới đầy sáng tạo mà điện ảnh Mỹ đang thiếu.
Nếu bạo lực của Mỹ thường là súng đạn, vậy thì hình tượng bạo lực của “Old Boy” là cây búa đóng đinh trên tay Oh Dae-Su vùng vẫy thoát khỏi vòng vây của kẻ thù và cuối cùng nhận được sự trả thù đầy ám ảnh làm con người ta phải run rẩy nhìn lại chính mình.
Hay như cách kể chuyện rùng rợn xuất sắc chưa có phim nào vượt qua Câu chuyện 2 chị em mang đầy những ảo tưởng của cô chị Soo Mi bị mắc chứng tâm thần phân liệt luôn tưởng tượng về người em gái đã chết Soo Yeun và đoạn kết ma quái xảy ra với người mẹ ghẻ có đôi chút giống với thủ pháp được dùng trong bộ phim “Giác quan thứ sáu” (1999) của Bruce Willis. Bộ phim như khiêu vũ với cảm xúc, từ sợ hãi đến thương cảm, để rồi in sâu câu chuyện vào trong tim người xem.
Còn chuyện phim “Ký sinh trùng” thì quá đen tối, thân phận con người bị bóp méo đến mức tận cùng của những kẻ thuộc tầng đáy xã hội vùng vẫy ký sinh lên tầng lớp thượng lưu và nhận ra những kẻ giàu có cũng là đồng loại của mình.
Chính sự cực đoan của phim Hàn đã tạo nên hiệu ứng “cầu treo” với người xem, vừa sợ hãi vừa yêu thích, như là một đặc điểm thu hút đặc trưng mà Hollywood đang hy vọng khai thác từ các đạo diễn Hàn trên đất Mỹ. Bằng chứng là 3 bộ phim nói tiếng Anh phối hợp đạo diễn Hàn xuất hiện cùng năm 2013 như “Stoker” của Park Chan Wook, “The Last Stand” (Chốt chặn cuối cùng) của Kim Jee Woon hay “Snowpiercer” (Chuyến tàu băng giá) của Bong Joon Ho nhưng sau đó, các đạo diễn đều quyết định quay lại làm phim nói tiếng Hàn vì dường như họ chưa sẵn sàng với nền tảng văn hóa Hollywood.
“Giấc mơ Mỹ” nói không với cái nghèo
Điện ảnh Hollywood hiện đang đối diện với sự thoái trào không hề nhẹ trên mặt bằng chung của cả một nền công nghiệp bao trùm thế giới.
Sự thiếu sót dễ nhận thấy trong những năm gần đây chính là vấn đề khâu kịch bản. Chính các nhà làm phim Hollywood cũng đã mua lại kịch bản của “Old Boy” và “Câu chuyện hai chị em” để chuyển thể thành phim “Da trắng” Old Boy (2013) của đạo diễn Spike Lee và “The Uninvited” (Khách không mời) (2009) của anh em nhà Guard đồng đạo diễn. Nhưng cả 2 bộ phim đều không thể thành công vượt qua được cái bóng của bản phim Hàn, do quá thiếu sáng tạo và lười biếng đầu tư kịch bản nên không thể tạo ra những cốt truyện bất ngờ giật bắn người xem.
Bên cạnh đó, điện ảnh Hàn thường khai thác sâu vào sự xung đột, mà phần lớn xuất phát từ sự phân hóa giàu nghèo quá rõ ràng trong xã hội. Không giống như phim Mỹ, người nghèo trong phim Hàn luôn là một đề tài không bao giờ bị né tránh mà được xem là khía cạnh giàu chất điện ảnh, như “Ký sinh trùng” vậy.
Thực tế, nền tảng “giấc mơ Mỹ” khiến không có nhiều phim Mỹ muốn nhắc đến người nghèo hay đề cập đến những phong trào chính trị tác động đến người nghèo trong xã hội Mỹ, bởi nó sẽ đặt ra dấu hỏi về quyền lợi an sinh xã hội của người thu nhập thấp. Ngoài ra, sự thể hiện những người vô gia cư trong phim Mỹ hầu hết là đàn ông mà thực tế là người vô gia cư Mỹ phần đông lại là bà già và trẻ con mà chỉ một số ít bộ phim vinh danh người nghèo như “The Fisher King” (Vua câu cá) (1991), “The Pursuit of Happyness” (Mưu cầu hạnh phúc) (2006), “Slumdog Millionaire” (Triệu phú khu ổ chuột) (2008)…
Hơn hết, phần lớn các phim Hollywood đều có những điểm chung không thực tế như là người nghèo luôn có thể thoát nghèo, nếu có ý chí kiên định và người nghèo luôn được người trung lưu hoặc thượng lưu giúp đỡ trong khó khăn, luôn chỉ nghĩ được ăn no chứ chẳng có nhu cầu gì khác. Và Hollywood thể hiện cái nghèo của cả xã hội thì những người giàu trong phim không bị ảnh hưởng mấy…
Trước làn sóng phim Hàn tràn vào Hollywood, người ta càng nhận thấy nhiều bất cập của điện ảnh Mỹ. Bên cạnh việc bị ảnh hưởng bởi COVID-19, sự tác động của các phong trào xã hội như “Black Lives Matter” (Mạng sống người da đen đáng quý) và LGBT (Đồng tính luyến ái) khiến các nhà sản xuất tập trung gia tăng số lượng cảnh phim về người da màu và xu hướng đồng tính trên màn ảnh. Nhưng nội dung của các bộ phim ngày càng kém, cùng việc các kịch bản trong nước ngày càng cạn kiệt ý tưởng khiến các nhà sản xuất Hollywood bắt đầu hướng sang đầu tư vào các nền điện ảnh không nói tiếng Anh tiềm năng như Hàn Quốc.
Chắc chắn, trong những năm tới, các bộ phim tiếng Hàn mang logo của các nhà sản xuất lớn sẽ dần trở thành một xu thế mới của thị trường điện ảnh thế giới.
Theo Bùi Chí Hiếu/Lao động
https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/ly-giai-con-sot-phim-han-o-hollywood-899537.ldo