Trước sức ép của khán giả, một số phim được đầu tư của Hàn Quốc gặp khó, phải ngừng chiếu vĩnh viễn hoặc lên tiếng xin lỗi, chỉnh sửa.
Công chúng Hàn Quốc luôn tận dụng quyền lực của mình giúp hạn chế tối đa những trường hợp lợi dụng bê bối để nổi tiếng hoặc dễ dãi trong đầu tư sản phẩm. Đây là thứ quyền lực mà một bộ phận khán giả Việt chưa để tâm đến.
Phim "Joseon Exorcist" (tựa tiếng Việt: Pháp sư trừ tà Triều Tiên) ngừng chiếu vĩnh viễn. Đài SBS - đơn vị phối hợp sản xuất và phân phối "Joseon Exorcist" - quyết định chấm dứt hợp đồng bản quyền phát sóng, hủy toàn bộ chương trình phát sóng dù đã hoàn thành 80% cảnh quay. Trước đó, phim gây tranh cãi dữ dội xoay quanh việc đồ ăn Trung Quốc và chum rượu có ghi chữ Hán xuất hiện ở một phân cảnh tiệc tùng trong phim.
Công chúng Hàn Quốc cho rằng ê-kíp làm phim cố tình xuyên tạc lịch sử, không tôn trọng văn hóa nước nhà khi vay mượn văn hóa Trung Quốc. Ngay khi tranh cãi nổ ra, đài SBS đã xin lỗi và đưa ra lời giải thích ban đầu, tuyên bố chỉnh sửa nhưng vẫn không xoa dịu được công chúng. Họ buộc phải ngừng chiếu vĩnh viễn bộ phim, chấp nhận mức lỗ nặng cho dự án được đầu tư lớn.
Phim “Joseon Exorcist” bị dừng chiếu vĩnh viễn. Ảnh: SBS
Không nặng nề như "Joseon Exorcist", phim "Oh my ladylord" của đài MBC bị công chúng chỉ trích vì cảnh nam chính tắm khỏa thân trong tập 1 của phim. Nhiều khán giả phàn nàn rằng cảnh quay khoe thân diễn viên này có cần thiết không khi phim dán nhãn 15+. Trước sự chỉ trích, một nguồn tin phía nhà sản xuất là đài MBC cho biết sẽ thực hiện các bước hợp lý để giảm bớt sự khó chịu cho người xem.
Lâu nay, công chúng Hàn nổi tiếng bởi sự khắt khe, sẵn sàng tẩy chay bất kỳ một nghệ sĩ hoặc tác phẩm nào nếu vướng bê bối, vi phạm các quy tắc đạo đức. Họ quan niệm nghệ sĩ phải là tấm gương bởi có lượng người hâm mộ lớn và đa phần là giới trẻ. Vì thế, nghệ sĩ luôn phải nỗ lực chứng tỏ bản thân bằng tài năng lẫn đạo đức nghề nghiệp, tránh gây scandal.
Điều này trái ngược với làng giải trí Việt, nơi khán giả vẫn còn hời hợt với quyền lực của mình. Không ít người trẻ chọn con đường nổi tiếng bằng bê bối, chấp nhận bị chỉ trích, bị bêu riếu nhưng đổi lại là một thời gian sau có thể ra sản phẩm. Đã đến lúc sự dễ dãi, hời hợt này cần được loại bỏ. Công chúng Việt cũng cần nhận thức rõ quyền lực của mình để tăng sự răn đe, loại bỏ những nghệ sĩ bao quanh bởi bê bối, những tác phẩm kém chất lượng. Có như thế, showbiz Việt mới dần phát triển theo hướng bền vững.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/van-nghe/khan-gia-khong-he-de-dai-20210412200923977.htm