Sống trong môi trường đầy tệ nạn xã hội, diễn viên Tân Trề (Thanh Tân), cho biết: "Nếu không có Nhà thiếu nhi Tân Bình thì chắc tôi đã hư rồi, không biết bây giờ đang ở khám Chí Hòa hay trại giam nào nữa...".
Tân Trề (Phải) trong phim 'Chị Mười Ba'
Tân Trề là diễn viên hài đang được yêu thích. Trước khi đầu quân về Sân khấu Nụ Cười Mới, Tân Trề từng tham gia các phim Kính vạn hoa phần 1, 2, 3, Xóm cào cào, Một chuyến phiêu lưu, Trường nội trú... Anh cũng xuất hiện trong nhiều game show: Đấu trường tiếu lâm, Làng hài mở hội và là một trong số ít diễn viên có nhiều phim trăm tỉ, như series Lật mặt của Lý Hải hay Bố già của Trấn Thành, Chị Mười Ba của Thu Trang - Tiến Luật...
Gần đây, khi web-drama bắt đầu thịnh hành, Tân Trề cũng là gương mặt không thể thiếu ở rất nhiều dự án của đồng nghiệp: Chị Mười Ba, Vi Cá tiền truyện, Thằng Khờ, Giải cứu tiểu thư...
Nam diễn viên sinh năm 1989 cho biết, mình từng được giao nhiệm vụ xách "bao hàng" nào dao, kiếm, gậy... đi theo các anh trong xóm
Được biết đến và mến mộ bởi sự duyên dáng, dí dỏm trong diễn xuất ở nhiều dạng vai và loại hình như thế nhưng không phải ai cũng biết, nam diễn viên hài cực "lầy lội" này từng có một quá khứ bất hảo...
Từng lông bông theo "dân anh chị"
Tân Trề là con út (nhà có 2 anh em) trong một gia đình lao động bình dân ở quận Tân Bình, TP.HCM. Ba anh làm nghề đạp xích lô, mẹ là nhân viên vệ sinh ở công ty dịch vụ công ích quận 11. Sống trong xóm lao động đa thành phần nên nơi đây cũng rất phức tạp, nhiều tệ nạn xã hội. Tân Trề cho biết vì ba mẹ mải mưu sinh nên ở trong xóm, anh hay chơi với mấy anh lớn rồi bị "bày hư" lúc nào không hay.
Tân Trề kể anh từng nằm trong đám "tay chân" của các đàn anh chuyên đi đánh nhau; được giao nhiệm vụ xách "bao hàng" nào dao, kiếm, gậy... đi theo các anh.
"Trong xóm có mấy anh chơi xì ke, tôi được giao nhiệm vụ đứng canh. Hễ có người tới thì thông báo. Mỗi lần được cho 2.000- 3.000 đồng. Hồi đó còn nhỏ, không biết gì nên mấy anh sai gì làm đó. Ba mẹ không biết, bản thân mình cũng không nghĩ thế là hư. Sau này, gia đình biết chuyện không cho đi theo các anh chơi nữa", Tân Trề nhớ lại.
Lúc bấy giờ nhà Tân Trề rất nghèo, tiền học phí một tháng 85.000 đồng cũng thiếu trước thiếu sau. Năm Tân Trề học lớp 9, cả tháng trời phải ngồi ở bàn giám thị vì không có tiền đóng học phí. "Mỗi sáng xếp hàng xong, các bạn vào lớp thì tôi phải lên phòng giám thị... Tôi ngồi phòng giám thị suốt 1 tháng. Lúc đầu, bàn giám thị còn có nhiều người, sau chỉ còn mình tôi. Tôi về nói mẹ cho nghỉ học. Mẹ hỏi tại sao? Tôi nói, một tháng học phí có 85.000 đồng, người ta ai cũng đóng được mà mình lại không đóng được. Mẹ tôi khóc, bảo ráng học hết cấp 2...".
Sau Võ lâm truyền kỳ, Tân Trề được đóng hàng loạt phim khác và nhanh chóng trở thành ngôi sao nhí trên màn ảnh nhỏ với Kính vạn hoa phần 1, 2, , Xóm cào cào, Một chuyến phiêu lưu, Vườn đời, Trường nội trú
Không có nhà thiếu nhi thì có khi đã ngồi tù
Tân Trề chia sẻ, lấy bằng tốt nghiệp cấp 2 xong, anh nghỉ học đi bán giấy dò vé số trước cổng Nhà thiếu nhi quận Tân Bình. Ở đó có câu lạc bộ kịch, câu lạc bộ múa rối dạy miễn phí. Thấy các bạn sinh hoạt vui quá, Tân Trề xin tham gia. Từ đó, Tân Trề không đi chơi với mấy anh trong xóm nữa. Anh cho rằng mình may mắn khi ở độ tuổi trẻ mới lớn thì có được cơ hội này. Nghệ thuật đã làm cuộc đời anh thay đổi.
"Nếu không có Nhà thiếu nhi Tân Bình thì chắc tôi đã hư và không biết bây giờ đang ở khám Chí Hòa hay trại giam nào nữa. Bởi các anh ở trong xóm hồi đó, người thì chết, người ở tù... Mấy đứa bạn trong xóm cũng không biết tại sao tôi lại lên ti vi, không hiểu sao từ một thằng "tào lao mía lao", đánh lộn búa xua giờ thành người của công chúng", Tân Trề nói.
"Tôi sống đâu ra đó, khi về xóm, gặp ai tôi cũng chào hết", anh nói
Anh nhớ lại, sinh hoạt ở Nhà thiếu nhi quận Tân Bình vừa không mất phí, vừa có thêm tiền. Mỗi lần đi diễn kịch rối là được mấy chục nghìn đồng. Đó cũng là lý do khiến Tân Trề không cảm thấy buồn khi nhìn chúng bạn đi học, còn mình thì phải sớm rời xa trường lớp.
Rồi một hôm, Đài truyền hình TP.HCM đến Nhà thiếu nhi tuyển diễn viên nhí, Tân Trề được đoàn phim chọn. Ba mẹ giao con cho đoàn đi quay, cũng không nghĩ ngợi gì nhiều. "Chỉ nhớ, hôm đó trời Sài Gòn mưa tầm tã, ba mẹ mặc áo mưa, chạy chiếc xe Dream cũ chở tôi lên rạp Quốc Thanh. Nghệ sĩ Phước Sang đi chiếc xe 7 chỗ tới đón và chở lên Đà Lạt quay phim Võ lâm truyền kỳ", Tân Trề kể.
Sau Võ lâm truyền kỳ, Tân Trề được đóng hàng loạt phim khác và nhanh chóng trở thành ngôi sao nhí trên màn ảnh nhỏ. Rồi anh bén duyên với Sân khấu Nụ Cười Mới, với game show và dần trở thành cái tên, gương mặt được biết đến và yêu thích như hiện nay.
"Bao nhiêu năm nay, nhà tôi vẫn ở đó. Xóm tôi giờ bình yên hơn nhiều, không còn phức tạp như trước. Trong xóm, toàn gia đình của bà con họ hàng, cô, dì chú bác... Tôi biết và nhớ mình xuất thân từ đâu. Không vì một chút hào nhoáng, là người của công chúng mà quên đi nguồn gốc, quá khứ của mình. Từ lúc vợ tôi có bầu, tôi mới chuyển ra ngoài vì cầu thang nhà tôi dốc và nhỏ quá. Vợ chồng tôi thuê căn chung cư ngay gần xóm. Sáng nào, tôi cũng chạy về xóm để ăn sáng, uống cà phê, chẳng có gì thay đổi cả...", Tân Trề thổ lộ.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/van-hoa/dien-vien-tan-tre-khong-theo-nghe-thuat-co-khi-bay-gio-toi-da-ngoi-trai-giam-1364905.html