Phần 2 của phim "Mười: Truyền thuyết về bức chân dung" khởi động; các phim: "Thiên thần hộ mệnh", "Bóng đè", "Chuyện ma gần nhà", "Rừng thế mạng"... sắp ra rạp phục vụ khán giả
Đây đều là những tác phẩm do những đạo diễn đã từng ghi dấu ấn với thể loại kinh dị thực hiện.
Đạo diễn Victor Vũ trong hậu trường phim “Thiên thần hộ mệnh”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Sôi động thị trường
Phần 2 của phim "Mười: Truyền thuyết về bức chân dung" có tên gọi "Mười: Lời nguyền trở lại" được thực hiện bởi đạo diễn người Mỹ gốc Việt Danny Đỗ. Đầu tháng 3, phim thông báo tuyển diễn viên, dự kiến bấm máy vào khoảng tháng 5 hoặc tháng 6 và ra rạp vào cuối năm 2021.
"Mười: Truyền thuyết về bức chân dung" là tác phẩm hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, ra mắt từ năm 2007 với doanh thu 1,3 triệu USD tại riêng thị trường Việt Nam. Nội dung phim xoay quanh nhà văn trẻ Yoon Hee (Jo An đóng) bị cô bạn thân Seo Yeon (Cha Ye Ryoen đóng) rủ đến TP HCM để tìm hiểu câu chuyện dân gian về Mười - một cô gái có số phận bi thương, bị tình địch tra tấn và tự tử thành oan hồn, bị phong ấn trong bức chân dung.
Phim kết thúc đầy bi thảm nhưng đồng thời cũng là một kết mở khi cái chết đầy oan khuất của Mười vẫn còn nhiều bí ẩn chưa thể giải mã. Mặc dù cũng có ý kiến trái chiều về nội dung nhưng "Mười: Lời nguyền trở lại" là một thương hiệu được tạo lập trong giai đoạn đầu của thể loại phim kinh dị Việt.
Thể loại phim kinh dị Việt còn đón sự trở lại của Victor Vũ với phim "Thiên thần hộ mệnh", ra rạp ngày 30-4; Lê Văn Kiệt với "Bóng đè", dự kiến ra rạp ngày 14-5; Trần Hữu Tấn với "Rừng thế mạng" ra rạp ngày 11-6; "Chuyện ma gần nhà" ra rạp ngày 29-10…
Đạo diễn Victor Vũ từng thành công với nhiều phim kinh dị pha trộn yếu tố ly kỳ, giật gân như "Quả tim máu", "Scandal: Bí mật thảm đỏ", "Scandal: Hào quang trở lại", "Người bất tử".
Sau phim "Mắt biếc", Victor Vũ trở lại sở trường với bộ phim xoay quanh câu chuyện về nuôi "búp bê ma" trong showbiz. "Tôi muốn kể một câu chuyện hấp dẫn và thách thức chính mình sau khi đã thăng hoa những cảm xúc rất đẹp cùng "Mắt biếc". "Thiên thần hộ mệnh" sẽ u tối, ám ảnh nhưng cũng đầy cảm xúc theo một cách khác" - Victor Vũ chia sẻ.
Từng thành công với phim kinh dị "Ngôi nhà trong hẻm", Lê Văn Kiệt tạo dấu ấn với phim hành động "Hai Phượng" trước khi quay lại sở thích của mình qua "Bóng đè".
Đạo diễn Lê Văn Kiệt cho biết: "Đây là bộ phim mà tôi mong muốn thực hiện từ lâu. Cho dù là đề tài kinh dị hay chính diện, chỉ cần chủ đề của bộ phim đủ làm tôi hứng thú thì tôi sẽ luôn cố gắng để phát triển nó. Đối với "Bóng đè", tôi đã bị hấp dẫn hoàn toàn. Bởi đây là một câu chuyện có thực đã từng xảy ra với tôi khi còn nhỏ".
Phim khai thác hiện tượng có tên tiếng Anh là "sleep paralysis" (chứng liệt thân khi ngủ), với tình trạng toàn thân có cảm giác không cử động được dù tinh thần vẫn tỉnh táo. Tuy rất nhiều người từng trải qua nhưng đây được xem là một hiện tượng gây tò mò và đầy bí ẩn.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn từng thành công với "Bắc kim thang", sẽ trở lại màn ảnh rộng với "Rừng thế mạng" và "Chuyện ma gần nhà".
Phim “Bóng đè” do đạo diễn Lê Văn Kiệt thực hiện (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Cần chất liệu Việt
Sự trở lại của những thương hiệu phim kinh dị được nhận định góp phần đa dạng hóa thị trường phim Việt. Với niềm tin tạo dựng được từ khán giả ở những tác phẩm trước, những thương hiệu từ dự án cho đến đạo diễn sẽ có lợi thế hơn nhưng điều đó chưa thể khẳng định các tác phẩm sẽ thành công.
Nhà sản xuất Trịnh Lê Minh Hằng, Tổng Giám đốc Skyline Media, nhận định: "Thể loại phim kinh dị luôn có thị trường và lượng khán giả riêng. Dẫu vậy, các dự án loại này khó làm, nhà sản xuất phải cân nhắc. Với những dự án thương hiệu hoặc phim do đạo diễn thương hiệu thực hiện thì có lợi thế, được bảo chứng về yếu tố nào đó như sự chỉn chu chẳng hạn. Tuy nhiên, phim thành công doanh thu hay không còn phải chờ xem phản ứng của khán giả bởi ngày nay sự thành công của một phim thường tổng hợp nhiều yếu tố chứ không phải chỉ có lợi thế thương hiệu".
Việc kiểm duyệt phim kinh dị hiện đã "thoáng" hơn trước, nhà làm phim có thể thoải mái hơn trong sáng tạo kịch bản cho thể loại này. Hẳn nhiên, sự "thoáng" về mặt kiểm duyệt là điều vui cho nhà làm phim nhưng vẫn còn đó những giới hạn nhất định, nhà làm phim không được quá lạm dụng việc hù dọa, gây sợ hãi đến mức phản cảm hay sa đà vào mê tín dị đoan. Những giới hạn này buộc nhà làm phim phải cân nhắc, biên kịch phải thận trọng để tác phẩm được ra rạp.
"Phim kinh dị Việt không cần phải tập trung nhiều vào thủ pháp hù dọa, cố tình gây kinh sợ cho khán giả mà cần thay vào đó một câu chuyện gần gũi, đậm chất Việt. Mỗi câu chuyện kinh dị cần lồng ghép tính nhân văn, hướng đến cái thiện, làm cho người xem xúc động và rút ra được bài học từ những câu chuyện ly kỳ. Nếu phim chỉ dừng lại ở dạng bắt chước nước ngoài, dùng âm thanh và hình ảnh ghê rợn để hù dọa khán giả, tạo tình tiết khiên cưỡng và vô lý thì khó thuyết phục. Thị hiếu của khán giả hiện tại đã nâng cao, họ cần những gì gần gũi và chân thật, chạm được cảm xúc trái tim họ" - nhà báo Cát Vũ cho biết.
Những nhận định này được chứng minh khi các phim như "Bắc kim thang" - tựa phim là bài đồng dao quen thuộc, "Thất Sơn tâm linh" - phim được lấy cảm hứng từ vụ án có thật, đạt doanh thu tốt dù nội dung vẫn còn những tranh cãi trái chiều.
Nhà sản xuất Trịnh Lê Minh Hằng nhìn nhận thêm: Chất liệu Việt, sự gần gũi và quen thuộc với khán giả là yếu tố cần thiết không chỉ ở thể loại kinh dị mà cần có ở tất cả thể loại.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/van-nghe/phim-thuong-hieu-kinh-di-quay-tro-lai-2021040621440047.htm