Với doanh thu vượt mốc hơn 300 tỉ đồng chỉ sau 16 ngày công chiếu, "Bố già" của Trấn Thành đã tạo nên một kỉ lục "vô tiền khoáng hậu" mà chưa phim điện ảnh Việt nào làm được tính đến thời điểm này. Sự thành công của phim là động lực hay áp lực của các tác phẩm kế cận?
Bố già của Trấn Thành lấy nhiều nước mắt khán giả. Ảnh: NSX.
"Bố già" đánh trúng tâm lí người xem?
Chỉ sau 16 ngày công chiếu, "Bố già" của Trấn Thành đạt doanh số hơn 300 tỉ đồng - một con số kỉ lục mà bất kì phim Việt nào cũng mơ ước. Trước khi giành được kỉ lục này, "Bố già" xác lập kỉ lục tác phẩm nội địa thu 100 tỉ đồng nhanh nhất với thời gian 4 ngày. Tiếp đến, ngày 14.3, phim trở thành tác phẩm Việt đầu tiên cán mốc doanh số 200 tỉ đồng và đạt 290 tỉ đồng trong vòng 2 tuần công chiếu.
Nhiều giới chuyên môn nhận xét, "Bố già" không phải là tác phẩm hoàn hảo về mọi mặt. Thậm chí, có những ý kiến khắt khe hơn khi cho rằng: "Đây chỉ là phim chiếu rạp chứ chưa thể gọi là phim điện ảnh". Tuy nhiên, dù ý kiến tranh cãi ra sao thì cho đến hiện tại, "Bố già" vẫn là phim thành công bậc nhất của nền điện ảnh Việt khi mang về loạt kỉ lục phòng vé.
Nhìn nhận một cách khách quan, "Bố già" đã làm tốt việc đặt cho khán giả thấy câu chuyện của chính mình khi khắc họa cuộc sống gia đình, những mâu thuẫn, những tình cảm đan xen trong các tiết tình từ hài hước đến kịch tính, buồn bã.
Xem "Bố già", người ta tìm được sự đồng cảm với nhân vật có số phận khắc khổ. Cộng thêm với sự đáng yêu của một số nhân vật khác trong phim và sự bất ngờ, chờ đợi về số phận của nhân vật then chốt. Với tất cả điểm cộng này, không phải các phim điện ảnh Việt nào cũng làm được hoặc có thì cũng thiếu đi một vài yếu tố.
Có thể điểm cộng lớn nhất của phim là sự đồng cảm. Người xem thấy rằng Trấn Thành đã rất thông minh khi tạo ra một kịch bản "Bố già" với nhiều tình tiết khiến người thương cho nhân vật nhiều hơn. Và người đáng được thương đó chính là cha - một trong những đấng sinh thành, dễ làm người ta xúc động.
Người cha trong phim được lên kịch bản là một người tốt bụng nhưng cuộc đời quá ngang trái. Ba Sang của Trấn Thành là trung tâm của mọi bi kịch: bị vợ bỏ, bị bệnh, một mình nuôi con, bị phá sản... Tuy nhiên, trong bất kì hoàn cảnh nào, ba Sang vẫn giữ được bản ngã của mình là một người đàn ông tốt, người cha thương con. Vậy nên, không khó để "Bố già" lấy nước mắt khán giả và tạo nên một hiện tượng phòng vé.
Trấn Thành vai ba Sang. Ảnh: NSX.
"Cái bóng" lớn của Bố già
Từ thành công của "Bố già" có thể nói phòng vé phim Việt có sự vực dậy nhất định sau chuỗi ngày phải vất vả vì COVID-19.
Đây là động lực của rất nhiều nhà làm phim sau khi chứng kiến sự thành công của "Bố già". Bởi nó cho thấy, khán giả Việt vẫn không bỏ thói quen ra rạp hay bỏ phim Việt nếu đó là một tác phẩm chất lượng.
Cũng từ "Bố già", nhà làm phim cũng có thể rút cho mình những kinh nghiệm, đo lường được tâm lý khán giả yêu và ghét thể loại phim gì, nội dung thế nào hay nhân vật ra sao.
Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho các nhà làm phim. Bởi sự thành công của "Bố già" là "cái bóng" quá lớn để các phim khác có thể chạy theo hoặc vượt qua. Đặc biệt, cột mốc hơn 300 tỉ được xem là con số không tưởng của một tác phẩm Việt, thậm chí là tác phẩm Hollywood chiếu tại Việt Nam từ trước đến nay cũng chỉ có "Avengers: Hồi kết" là đạt 285 tỉ đồng.
Vậy nên, thiết nghĩ, các nhà làm phim Việt cũng không nên "tự làm khó" mình trong thời điểm này mà cần tính toán thời điểm phát hành, nội dung và công tác truyền thông phù hợp để mong kì vọng vào một mức doanh thu khả quan, chứ không phải chạy đua theo những kỉ lục. Bởi rất có thể, phải mất một thời gian rất lâu nữa thì "Bố già" của Trấn Thành mới có thể bị... soán ngôi vương.
Theo Lao động
https://laodong.vn/van-hoa/thanh-cong-cua-bo-gia-tran-thanh-dong-luc-hay-ap-luc-cho-cac-phim-khac-891537.ldo