Đối với tôi, nói đến Nguyễn Huy Thiệp đầu tiên phải khẳng định ông là người của Việt Nam nói chung chứ không phải chỉ là nhà văn của một giai đoạn, gắn bó với một hoàn cảnh cụ thể.
Sự ra đi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (Tuổi Trẻ ngày 21-3) đã để lại một khoảng trống lớn trong văn đàn Việt Nam - Ảnh: DƯƠNG MINH LONG
"Lòng tin của ông vào con người không bao giờ mất. Ông yêu thương con người bắt đầu bằng sự phê phán, ông miêu tả hết cái nhếch nhác, tầm thường, cái khốn nạn, cái không đáng yêu của cuộc đời, nhưng chính nó lại làm cho người ta hiểu và yêu hơn và có thể là người tốt hơn.
Trong văn học Việt Nam, Nguyễn Huy Thiệp đứng một mình, đứng riêng một chỗ. Nguyễn Huy Thiệp viết do ông thấy tự mình phải viết và không viết không được.
Viết về cái ác chính là sự nhân hậu
Người ta thấy trong các truyện ngắn của ông những ý như: cuộc đời thật là xấu, không đáng tin, nhưng không tin thì làm sao mà sống nổi, cuộc đời rất buồn nhưng cuộc đời cũng rất đẹp.
Đôi lúc đọc Tướng về hưu, Không có vua... thấy Nguyễn Huy Thiệp đã rất chán đời, nhìn đời thấy không có gì tốt đẹp, nhưng sau này đọc lại Nguyễn Thị Lộ hay Sang sông thì thấy Nguyễn Huy Thiệp vẫn còn có cái hào sảng thật sự, ông có những triết lý thật sự chứ không cố tỏ ra triết lý, sâu sắc, không cố tỏ ra hiểu đời.
Ông sống với tư tưởng của muôn đời như vấn đề thiện và ác, làm người thế nào, cuộc sống là tốt đẹp hay đáng phỉ nhổ...
Bao giờ câu trả lời của Nguyễn Huy Thiệp cũng song trùng, vừa là thế này vừa là thế kia, như bản chất của vật chất vừa là sóng vừa là hạt, cuộc đời vừa đáng yêu vừa đáng ghét, vừa đáng phỉ nhổ vừa đáng trân trọng. Ngay cả một truyện tàn bạo như Không có vua thì câu người ta nhớ nhất là câu "Thương lắm" của Sinh, Tốn ở cuối truyện.
Trước Nguyễn Huy Thiệp, các nhà văn thường muốn trở thành một chiến sĩ văn nghệ, người viết văn viết báo nổi tiếng luôn luôn bị môi trường hoạt động của mình chi phối, người nọ nhìn người kia.
Chúng tôi thường trông đàn anh của mình viết rồi viết theo, không vượt được hoàn cảnh. Nguyễn Huy Thiệp chẳng nhìn ai cùng thời, ông sống với các nhà văn lớp trước như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Vũ Trọng Phụng...
Rõ ràng Nguyễn Huy Thiệp đối thoại, trò chuyện với rất nhiều đấng bậc, những người làm vẻ vang cho văn học Việt Nam, những nhà văn thực sự.
Lớp nhà văn đương đại hiện nay có thể là những chiến sĩ văn nghệ, họ có thể là những công chức cần thiết cho xã hội nhưng họ không phải làm văn học, hoặc không phải là thứ văn học có thể tiếp nối được dòng mạch mà những nhà văn lớn của Việt Nam đã tạo ra được trong lịch sử, thứ văn học của muôn đời.
Trong vài chục năm trước khi Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện, văn học không đề cập đến phạm trù thiện - ác. Đến Nguyễn Huy Thiệp, ông suy nghĩ bằng những phạm trù của muôn đời như chuyện thiện và ác trong con người.
Mới đầu người ta thấy Nguyễn Huy Thiệp viết về cái ác thì người ta cho rằng nghệ thuật không nên viết về cái ác mà nghệ thuật hãy viết về cái thiện. Nguyễn Huy Thiệp không cố tình viết về cái ác nhưng những vấn đề thiện - ác cứ vào trong Nguyễn Huy Thiệp và ông phải thể hiện ra. Cần viết về cái ác thì cái ác mới bớt đi.
Cái ác trong văn Nguyễn Huy Thiệp dai dẳng, bao trùm. Và viết về cái ác chính là cái nhân hậu của Nguyễn Huy Thiệp, lòng nhân hậu của những nhân vật lớn, cái nhân hậu xa lạ với sự nhân hậu đương thời, đó là sự nhân hậu lặn sâu bên trong.
Lòng tin của ông vào con người không bao giờ mất. Ông yêu thương con người bắt đầu bằng sự phê phán, ông miêu tả hết cái nhếch nhác, tầm thường, cái khốn nạn, cái không đáng yêu của cuộc đời, nhưng chính nó lại làm cho người ta hiểu và yêu hơn và có thể là người tốt hơn.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ký tặng sách họa sĩ Lê Thiết Cương tại nhà họa sĩ năm 2018 - Ảnh: LÊ THIẾT CƯƠNG
Không gục ngã
Nguyễn Huy Thiệp lạ lắm, ông đứng ngoài giới nhà văn đương thời và có lẽ điều đó cắt nghĩa được vì sao Nguyễn Huy Thiệp chịu đựng giỏi được như thế. Trong suốt cuộc đời làm nghề, tôi không thấy ai có tài năng chịu đựng được như Nguyễn Huy Thiệp. Bao nhiêu lần tôi cứ tưởng ông gục ngã.
Và ông vượt qua được những tàn bạo của đời có lẽ cũng vì ông đạt được cái đạo là biết sự nổi tiếng của mình phải trả giá rất nhiều. Trong thâm tâm, bản năng của ông cũng chấp nhận những đau khổ của mình, nên Nguyễn Huy Thiệp không đầu hàng.
Xã hội hiện nay tiêu diệt rất nhiều cá tính, tiêu diệt nhiều lối suy nghĩ. Con người bị ràng buộc nhau nhiều quá, ở đó họ chỉ chen cạnh với nhau. Nhưng Nguyễn Huy Thiệp viết không để chen cạnh ai, không viết để lấy giải thưởng.
Tôi vẫn nghĩ, thật may mắn cho mình là sống cùng thời với Nguyễn Huy Thiệp. May mắn chúng ta còn có Nguyễn Huy Thiệp.
Một cuộc đời trầm luân, nhưng đáng giá
Với nhà văn, nhà giáo Nhật Chiêu, văn chương Nguyễn Huy Thiệp đầy khí lực với bút pháp phản uyển ngữ. "Văn chương Việt Nam từ trước đến nay có một đặc điểm là thích dùng uyển ngữ, tức cách nói vòng, nói tránh là chủ yếu. Cho đến khi Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện, đem lại một sinh khí mới, mà ở đó người ta thấy sự trần trụi hiểu theo mọi nghĩa của từ này.
Bút pháp ấy như là phản uyển ngữ, làm cho bỗng dưng văn chương có một khí lực mới, tất nhiên ở Việt Nam thôi, chứ không mới so với nước ngoài. Nhưng quả thật nó lạ với dòng văn chương quá nhiều uyển ngữ của Việt Nam.
Từ Nguyễn Huy Thiệp trở về sau này, một số nhà văn Việt Nam có vẻ cũng thử nghiệm với bút pháp phản uyển ngữ nhưng đều không thành công bằng" - nhà văn Nhật Chiêu chia sẻ.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
"Tôi đã "gặp" Nguyễn Huy Thiệp từ năm 15 tuổi nhưng mãi đến năm 2019, khi ở tuổi 47 tôi mới được gặp ông ngoài đời tại Hà Nội" - nhà văn Trần Nhã Thụy tâm sự khi hay tin nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa tạ thế. Lần "gặp" năm 15 tuổi là lúc cậu học sinh lớp 10 chuyên văn cùng các bạn làm bài bình luận về Tướng về hưu - truyện ngắn in trên báo Văn Nghệ một năm trước đó (1987).
Có thể nói điều này, đối với lớp nhà văn chúng tôi, không ít thì nhiều đều ảnh hưởng bởi phong cách truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp có từ trường rất mạnh, nó hút người ta vào ngay từ chữ và dòng đầu tiên. Nguyễn Huy Thiệp cũng là người rất giỏi sử dụng đối thoại theo kiểu "công án thiền" nên vừa thực vừa ảo, vừa ẩn dụ vừa hiện thực, vừa khuấy đảo tâm trí vừa gợi mở tưởng tượng... Mấy chục năm rồi, có thể nói chưa có gương mặt truyện ngắn nào có thể thay thế Nguyễn Huy Thiệp.
Tôi cũng xin nói thật điều này, hồi còn trẻ tôi từng không thích, thậm chí là ghét Nguyễn Huy Thiệp, không phải vì ông làm gì tôi cả, mà vì ông quá tài. Nhưng khi càng lớn tôi tự "hóa giải" điều đó vì thấy thật ngu xuẩn. "Danh càng lớn thì họa càng cao", đó là câu nói của Nguyễn Huy Thiệp mà tôi lấy làm bài học cho mình trong suốt cuộc đời này. Một cuộc đời trầm luân, nhưng đáng giá, đó chính là Nguyễn Huy Thiệp".
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/may-man-chung-ta-con-co-nguyen-huy-thiep-20210322084054517.htm