"Bố già" của Trấn Thành và ekip thành công, khiến người xem như tìm thấy mình ở trong đó, đồng thời ngẫm nghĩ về những giá trị cốt lõi của gia đình. Tuy vậy, không phải không có những cái “giá như...”.
Tạo hình của Trấn Thành trong "Bố già". Ảnh: NSX.
Chưa có tầm vóc điện ảnh
Lấy cảm hứng từ phiên bản web drama (phim chiếu trên website) ra mắt năm 2020, kịch bản của phim "Bố già" bản điện ảnh có nội dung khác hẳn. Nội dung phim kể về xóm lao động nghèo trong một con hẻm Sài Gòn, nhưng các cảnh quay vẫn gây cảm giác sắp đặt, sân khấu và không đủ đời thường, xù xì như bối cảnh.
Thông thường, đặc trung của điện ảnh là thiên về những cảnh quay đặc tả tâm lý thông qua ánh nhìn, nét mặt thay vì những lời thoại của diễn viên. Còn ở "Bố già" các diễn viên dùng lời thoại khá dài, mang hơi hướng truyền hình khá nhiều và nặng về kể lể. Bên cạnh đó, những màn cãi nhau của nhân vật được tính toán kỹ về câu chữ, có phần giáo điều, thiếu tự nhiên...
Nhiều tình tiết "bỏ lửng"
Nhiều tình tiết trong phim rất đáng giá như việc lựa chọn nghề nghiệp của Quắn bị họ hàng coi thường (vấn đề rất nhức nhối với giới trẻ), bệnh tim và máu khó đông của Quắn, việc các chị em đối xử tệ bạc với Ba Sang khi ông sa cơ,... chỉ được nhắc đến qua loa rồi bỏ lửng, không có cách giải thích phù hợp hay giải quyết thấu đáo.
Về diễn xuất, Tuấn Trần có nhiều cảnh diễn nhập tâm hơn Trấn Thành. Ảnh: NSX.
Đặc biệt là nhân vật mẹ đẻ của bé Bù Tọt. Sau khi trơ tráo hại Quắn và trở thành kẻ bị hại, nhân vật này nghiễm nhiên được nổi tiếng và vào showbiz. Với sự độc ác, lối sống buông thả, nhân vật này cần phải trả một cái giá đắt thay vì việc được thoả mãn, trở thành người nổi tiếng...
Vai Trấn Thành chưa đủ "đời"
Không thể phủ nhận sự thông minh, biến hóa của Trấn Thành. Tuy nhiên, khán giả mong đợi nhiều hơn nữa ở vai diễn. Nhân vật Ba Sang trong phim là một người lao động nghèo, vất vả chở hàng, làm lụng tích cóp từng đồng nuôi con, trả nợ... thế nhưng khuôn mặt của ông không hằn lên vẻ khắc khổ và dấu vết của thời gian.
“Bố già" cũng thiếu đi những cảnh quay lột tả dáng vẻ, nội tâm sâu kín của nhân vật, khán giả vẫn chưa nhận thấy những nét mặt thất thần, ánh nhìn bất lực vì con của một người cha già một mình vất vả nuôi lớn khôn cậu con trai ngỗ nghịch, cùng đứa con gái “nhặt về”.
Hóa trang của Trấn Thành trong Bố già được nhận xét là chưa đủ độ “trải đời“. Ảnh: NSX.
Cũng bởi Trấn Thành dù đã cố gắng để hóa trang râu, tóc và những dấu đồi mồi trên má vẫn khiến cho người ta thấy "diễn" hơn là đang thực sự "sống" với nhân vật của mình.
Mặc dù vẫn còn những "hạt sạn" nhưng với một năm ảm đạm của phim Việt, "Bố già" vẫn xứng đáng được ghi nhận, trân trọng...
Theo Vi Trần/Lao động
https://laodong.vn/giai-tri/bo-gia-cua-tran-thanh-va-nhung-hat-san-dang-tiec-888918.ldo