Từ tối 5.3 đến nay, Bố già - một bộ phim Việt thuần chất, chạm được cảm xúc người xem, đã tạo nên “cơn sốt” cho phòng vé Việt vốn trầm lắng sau thời gian dài bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Tình cảm gia đình là thông điệp chính mà Bố già hướng tới
Giải mã sức hút của Bố già
Phim Bố già đang trở thành hiện tượng tại phòng vé Việt khi các suất chiếu đều kín chỗ, khán giả xếp hàng dài mua vé để vào rạp. Nhiều khán giả cho biết nếu không đặt vé trước thì khó mua được vé xem ngay. Xem qua tình hình đặt vé ở các cụm rạp lớn, có thể thấy các suất chiếu trong ngày đã được đặt kín, dù nhiều rạp đã thêm suất 23 - 24 giờ hơn và mở cửa đến 3 giờ sáng. Doanh thu của Bố già theo số liệu của Box Office Vietnam (trang thống kê doanh thu độc lập, được Box Office Mojo sử dụng làm nguồn doanh số phim Việt) tính đến tối 8.3 đã lên đến hơn 80 tỉ đồng, dù phim chỉ mới bán vé các suất chiếu sớm từ 18 giờ ngày 5.3 đến hết 8.3, sau đó đến 12.3 mới chính thức công chiếu. Bố già đã đạt kỷ lục doanh thu cao nhất từ trước đến nay đối với các suất chiếu sớm, cũng như doanh thu trong 1 ngày của phim Việt (hơn 30 tỉ đồng/ngày).
Thành tích thu 30 tỉ đồng sau 1 ngày chiếu sớm của Bố già
Vậy điều gì đã giúp Bố già tạo nên “cơn sốt” phòng vé ấn tượng đến thế? Có nhiều lý giải như: câu chuyện phim rất đời, gần gũi đại chúng khiến người xem có đủ cung bậc cảm xúc khóc - cười; tên tuổi và độ “phủ sóng” của Trấn Thành; dàn diễn viên dù không hoàn toàn là ngôi sao nổi tiếng nhưng ai cũng diễn tốt và duyên dáng; chất lượng phim được trau chuốt ở các khâu kịch bản, quay hình, bối cảnh, âm nhạc, hậu kỳ...; yếu tố truyền miệng từ khán giả trên các mạng xã hội, diễn đàn phim ảnh lẫn ngoài đời sống; hoạt động quảng bá hiệu quả của phim... Phải nói, chính chất lượng của bộ phim hay (dù còn một số chỗ hạn chế), chạm đến cảm xúc, trái tim người xem và tổng hòa tất cả những yếu tố đã nói ở trên đã giúp Bố già hoàn toàn áp đảo đối thủ cũng là một “bom tấn” Việt khác là Gái già lắm chiêu V (chiếu cùng thời điểm và hiện doanh thu khoảng hơn 15 tỉ đồng).
Với vai trò đồng biên kịch, đồng đạo diễn (cùng Vũ Ngọc Đãng), nhà sản xuất và đóng chính, nam nghệ sĩ Trấn Thành đã thực sự hiểu được khán giả muốn gì, nên đã chuyển tải những cảm xúc gần gũi đời thường về tình cha, tình cảm gia đình, làng xóm một cách dễ hiểu với số đông khán giả. Bố già bản điện ảnh khác hoàn toàn về câu chuyện cũng như tuyến nhân vật so với web drama từng thành công trước đó. Phim lấy bối cảnh một con hẻm nghèo, nhốn nháo, ồn ào và hay ngập nước ở TP.HCM, nơi Ba Sang (Trấn Thành) sống cùng con trai Quắn (Tuấn Trần) và con gái nuôi Bù Tọt (bé Ngân Chi). Giữa hai cha con Ba Sang và Quắn xảy ra nhiều xung đột do khoảng cách thế hệ, khác biệt quan điểm sống. Nhờ đoạn kết cao trào nhiều cảm xúc, ai cũng chảy nước mắt đã khiến những điểm hạn chế của tác phẩm dễ được bỏ qua.
Đông đảo khán giả đến xem Bố già ở rạp phim
Lạc quan về dòng phim nguyên bản, thuần Việt
Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm chia sẻ: “Phải lâu lắm rồi trong hơn 20 năm theo dõi phim Việt Nam chiếu rạp, tôi mới xem được một bộ phim Việt nguyên bản trọn vẹn và chạm đến trái tim mình như Bố già. Điều này khiến tôi tin vào những chất liệu đời sống thuần Việt, nếu được khai thác một cách thấu đáo, kỹ càng và bằng trái tim, chúng sẽ chạm mạnh đến cảm xúc người xem. Tôi nghĩ điện ảnh thương mại Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những bộ phim original (nguyên bản) xứng tầm, chinh phục được khán giả nội địa”.
Khán giả Đỗ Duy nêu ý kiến: “Bố già đã thực sự tạo nên một dấu mốc đặc biệt cho điện ảnh Việt, một dấu chuyển giữa cũ và mới, giữa những phim công thức kiểu Mỹ nhàn nhàn đang có ngoài rạp hay thời kỳ phim điện ảnh lai truyền hình, thành những phim rất phong cách, thuần chất Việt - theo nghĩa phản ánh được bầu không khí riêng, tình cảm rất riêng của người Việt, chạm vào trái tim của những người Việt”.
Đạo diễn Trần Thăng Long nhận định: “Bố già đã minh chứng rằng một bộ phim không cần có đề tài “đao to búa lớn” hay ý tưởng kinh thiên động địa, quá sức drama (kịch tính đậm đặc) vẫn có thể chinh phục người xem. Điện ảnh Việt hoàn toàn có khả năng và nên làm ra những bộ phim nguyên bản dung dị, kịch bản gần gũi, duyên dáng, thông minh bên cạnh những bom tấn chuyển thể phim Hàn hay các bộ phim Việt đang cố gắng theo công thức kiểu Hollywood”.
Từ “hiện tượng” của Bố già có thể thấy điện ảnh Việt hoàn toàn có khả năng làm ra những bộ phim với câu chuyện đậm chất Việt Nam và được khán giả Việt đón nhận, như phim Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy từng thắng giải cao nhất tại LHP quốc tế Busan 2019 ở Hàn Quốc và cũng thành công về doanh thu tại Việt Nam. Hiện tại, hầu hết giới chuyên môn điện ảnh như đạo diễn Charlie Nguyễn, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng… đều đưa ra nhận định lạc quan cho điện ảnh Việt khi có thể tạo nên những bộ phim nguyên bản dung dị, kịch bản đi thẳng vào lòng người xem.
Thành tích ấn tượng của Bố già cũng cho thấy khán giả sẵn sàng bỏ tiền cho những bộ phim nội địa chạm đến cảm xúc với các tên tuổi ngôi sao được đông đảo khán giả yêu thích; và là tiền đề cho các hãng phim Việt sản xuất những bộ phim hiện đại, kỹ thuật cao nhưng đậm màu sắc, chất liệu Việt. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói thêm: “Thành công của Bố già thực sự đem lại cảm hứng, mục đích mới cho các nhà đầu tư, sản xuất phim lẫn đạo diễn với một dòng phim thuần Việt giàu cảm xúc. Phải có mơ mộng, phải có bùng nổ, phải có mục tiêu mới thì điện ảnh Việt mới có sự phát triển”.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/van-hoa/tu-con-sot-bo-gia-trien-vong-nao-cho-phim-thuan-viet-1351337.html